Xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh): Đất phụ người, người không phụ đất
- Văn hóa - Giải trí
- 01:19 - 01/09/2017
Mô hình vườn mẫu của ông Phạm Công Thuận, thôn Vân Sơn xã Thạch Đỉnh
Theo một số tài liệu được ghi thì cách đây khoảng 500 - 600 năm, một số dòng họ từ phương Bắc về vùng bãi ngang huyện Thạch Hà sinh cơ lập nghiệp và hình thành nên làng Đình Cối, về sau đổi tên thành Đình Hòe (gồm hai xứ Cầu Ao và Vũng Lác) thuộc xã Thạch Đỉnh ngày nay. Tuy vậy, đến năm 1955 chính quyền xã Thạch Đỉnh mới chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ xã Liên Anh, huyện Thạch Hà.
Từ xa xưa, nơi này từng được mệnh danh là vùng đất “chết”, bởi địa hình như một doi cát cằn khô nằm ở vùng bãi ngang ven biển Thạch Hà, đất sản xuất nông nghiệp không những xấu và khan hiếm mà lại còn thường xuyên bị ngập mặn, luôn trong tình thiếu nguồn nước ngọt trầm trọng. Bên cạnh đó, vùng đất này còn bị thiên tai, lũ lụt đe dọa thường xuyên.
Mô hình nuôi tôm nước lợ trên cát của ông Lê Văn Loan thôn Trường Xuân, xã Thạch Đỉnh.
Vậy nhưng, bất cứ thời kỳ nào người dân Thạch Đỉnh cũng luôn biết cách tồn tại và vươn lên bằng chính đôi chân của mình để làm chủ cuộc sống. Đáng chú ý là ở Thạch Đỉnh có dòng họ Trương ở làng cổ Đình Hòe, một trong những làng thợ nề nổi tiếng khắp cả nước từ nhiều đời nay. Dưới thời nhà Nguyễn những người thợ nề lành nghề ở Đình Hòe từng được huy động vào kinh đô Huế xây dựng các lăng tẩm, chùa, đình… Đến nay nghề thợ xây ở Thạch Đỉnh càng được phát triển mạnh, và không ít người trong số đó đã trở thành ông chủ của những doanh nghiệp xây dựng lớn.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và bao biến thiên dịch dời của vũ trụ, người dân nơi đây luôn tự hào về tinh thần đấu tranh giữ nước và chống chọi với thiên tai. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thạch Đỉnh là hậu phương vững chắc đã huy động toàn bộ sức người, sức của dồn cho chiến trường góp phần làm nên hai chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh.
Sau ngày đất nước thống nhất, Thạch Đỉnh tiếp tục vững bước đi trên con đường xây dựng bảo vệ tổ quốc, phát huy truyền thống cách mạng, sáng tạo, đổi mới, làm cho quê hương thêm thay da, đổi thịt từng ngày. Đến nay Thạch Đỉnh từ một địa phương đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nay đã giảm xuống còn 14,1%, giảm hơn 1,7% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/năm, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc mạnh mẽ.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Thạch Đỉnh, tính từ đầu năm 2017 đến nay, địa phương đã làm mới được 0,9 km đường giao thông nông thôn bằng bê tông, 60m rãnh mương cứng thoát nước; khai mương tiêu úng nội đồng được 5,5 km; phát quang được 2,5 km hành lang an toàn lưới điện, xây mới 2 trạm biến áp làm mới 1,5 km đường điện; huy động được nguồn vốn xây dựng nông thôn mới trên: 3,6 tỷ đồng, trong đó có nguồn vốn đóng góp trực tiếp của người dân là 160 triệu đồng; thành lập được 3 mô hình kinh tế và 01 doanh nghiệp.
Tổng cộng đến nay Thạch Đỉnh có 10 tổ hợp tác, 5 hợp tác xã và 4 doanh nghiệp; có 1 mô hình kinh tế trang trạng lớn, 48 mô hình vừa và nhỏ giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Điển hình có mô hình nuôi tôm trên cát của ông Lê Văn Loan (38 tuổi ở xóm Trường Xuân), mỗi năm cho thu nhập trên 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho 4 lao động với thu nhập bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng; mô hình vườn mẫu của ông Phạm Công Thuận (52 tuổi ở thôn Vân Sơn) mỗi năm thu nhập bình quân hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển xảy ra, Thạch Đỉnh đã nhanh chóng khắc phục hậu quả. Theo đó, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động bà con nhân dân ổn định sản xuất, kinh doanh; kịp thời chi trả cho 181 đối tượng bị ảnh hưởng với số tiền trên 3,5 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Thạch Đỉnh có 19,3 ha diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản; 1.116 con trâu, bò; các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm phát triển.
Song song với việc phát triển kinh tế xã hội, các lĩnh vực Văn hóa, Giáo dục, Tài nguyên & Môi trường, An ninh, Quốc phòng… tiếp tục được giữ vững và phát huy, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, vững vàng trên lộ trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng phong trào nông thôn mới ở địa phương, phấn đấu sẽ hoàn thành 20/20 tiêu chí vào năm 2020, mà Nghị quyết của Đảng bộ lần thứ XXX xã Thạch Đỉnh đã đề ra.
Mô hình vườn mẫu của người dân xã Thạch Đỉnh.
Có thể nói những gì mà Thạch Đỉnh làm được hôm nay dù chưa thể coi đó là những con số ấn tượng so với nhiều địa phương khác. Song từ điểm xuất phát thấp, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thạch Đỉnh đã làm được quả thật cần phải đáng được ghi nhận, bởi đã tạo ra được bước đột phá mạnh mẽ. Tin tưởng trong tương lai không xa, Thạch Đỉnh sẽ trở thành một trong những điểm sáng ở vùng bãi ngang huyện Thạch Hà, xứng danh với vùng đất giàu truyền thống cách mạng và có bề dày lịch sử văn hóa.