THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:09

Đại dự án mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh): Khó lường hết hậu quả về môi trường

Trên công trường khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: PV.

6 vấn đề cảnh báo

Một trong những vấn đề khiến Bộ KH&ĐT băn khoăn chính là báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường được Bộ TN&MT phê duyệt năm 2013 đến nay (đã hơn 3 năm) không còn phù hợp. Cụ thể, không còn phù hợp với Nghị định số 18/2015 của Chính phủ và Thông tư 26 của Bộ TN&MT. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được rà soát tổng thể, đánh giá lại cho phù hợp thực tế. “Còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, sạt lở bãi thải; ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng, chưa kể những vấn đề khác liên quan đến bão, lũ hay phương án xử lý chất lượng và số lượng nước thải”, Bộ  KH&ĐT cho hay.

Bên cạnh đó, dù Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) đã hai lần tính toán, đánh giá lại hiệu quả kinh tế của dự án và cũng đã có báo cáo về hai lần điều chỉnh vốn đầu tư, lý do khác được Bộ KH&ĐT đặt ra với dự án trong việc không nên triển khai chính là việc TIC vẫn chưa tính hết chi phí liên quan đến tổng mức đầu tư dự án. Trong đó có các chi phí liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, chi phí bảo hiểm môi trường theo quy định, chi phí đầu tư cảng biển, đê chắn sóng; phương án xây dựng hệ thống cấp nước cho dân vùng bị ảnh hưởng.

“Việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện không được sự đồng thuận của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi. Cùng đó là những vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ môi trường có khả năng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân vùng lân cận mỏ sắt”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho hay.

Bài toán khó

Điều khiến dư luận những ngày qua hết sức băn khoăn về việc dừng hay triển khai tiếp dự án mỏ sắt Thạch Khê thực sự không mấy người có thể nắm rõ ngoài những người đã từng tham gia thẩm định dự án.

Xét trên tổng thể, theo các thông tin Tiền Phong có được, phải thừa nhận dự án mỏ sắt Thạch Khê được làm khá kỹ lưỡng với hai hội đồng thẩm định cấp quốc gia. Trong hội đồng thẩm định dự án hồi năm 2008, chủ đầu tư mời hàng loạt Giáo sư, Tiến sĩ nổi tiếng trong ngành của các viện, trường, trung tâm nghiên cứu của các bộ ngành tham gia thẩm định. Ngay tổ kỹ thuật hỗ trợ hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cũng bao gồm những chuyên gia tên tuổi trong ngành. Cả 2 lần dự án được điều chỉnh vốn đầu tư với sự tham gia của đại diện các bộ, ban ngành, các hiệp hội và cơ quan nghiên cứu khác nhau. Thậm chí, chủ đầu tư còn mời thêm tư vấn độc lập của châu Âu thẩm định bên cạnh những báo cáo nghiên cứu của Viện Ghiprodura (Nga). Việc điều chỉnh dự án (phê duyệt năm 2014) thời gian để thực hiện xin ý kiến góp ý, thẩm tra, thẩm định kéo dài tới hơn 3 năm (từ tháng 11/2011 đến tháng 12/2014).

Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy nhưng vì sao dự án sau khi điều chỉnh vẫn bị phản đối, nhiều chuyên gia băn khoăn chính là người đã từng tham gia thẩm định dự án? Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức cuối tháng 7 vừa qua,  TS Nghiêm Gia (Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam và cũng là người tham gia tổ kỹ thuật hỗ trợ hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án) cho rằng: Nếu dự án tiếp tục triển khai thì còn nhiều vấn đề thách thức, đòi hỏi chủ đầu tư là TIC phải giải quyết một cách khoa học, có cơ sở, đúng trình tự pháp lý nhằm mang lại hiệu quả, bảo vệ môi trường bền vững, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân vùng mỏ, lợi ích nhà nước, lợi nhuận của doanh nghiệp một cách lâu dài.

Một số chuyên gia khác cũng từng tham gia thẩm định dự án cho rằng, cần cân nhắc giữa cái được và cái mất, giữa kinh tế và môi trường và thực tế hiệu quả của dự án để tránh để xảy ra những hệ lụy về lâu dài.

 

Khi đưa ra lý lẽ đề nghị dừng triển khai dự án, Bộ KH&ĐT cho hay, dự án đang tồn tại một số vấn đề cần xem xét. Bên cạnh vấn đề năng lực tài chính, mối lo lớn hơn cả chính là nguy cơ sự cố môi trường có thể xảy ra và khó lường hết hậu quả.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh