THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:33

Phú Thọ: Vừa sống vừa run ở vùng sạt lở

Do tác động của dòng chảy sông Hồng, hàng chục ha đất bãi bồi trồng hoa màu của người dân khu 14, xã Bản Nguyên bị trôi dần xuống sông. Tình trạng này không chỉ khiến người dân bị mất đất canh tác mà còn trực tiếp đe dọa đến tính mạng và tài sản của 34 hộ dân nơi này. Đặc biệt, gần đây tình trạng sạt lở đất càng nghiêm trọng, dòng sông ngày càng “gặm” sâu vào sát thềm nhà khu dân cư, rất nguy hiểm khiến người dân ai cũng hoang mang, lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Vân ở khu 14, xã Bản Nguyên lo lắng: “Cứ mỗi sáng thức dậy, chúng tôi lại thấy dòng sông tiến gần nhà thêm một ít. Nhất là mùa mưa lũ sắp đến gần, nếu cứ sạt lở thế này chắc nhà cửa chúng tôi sẽ bị dòng sông nuốt chửng. Chúng tôi mất ăn, mất ngủ, gầy rộc cả người vì không biết xoay xở ra sao. Ở lại thì không biết tai họa sẽ ập đến lúc nào, còn chuyển đi thì biết lấy đâu ra tiền để mua đất đai, xây nhà cửa… Mong các cấp chính quyền quan tâm, có biện pháp giúp đỡ người dân đỡ khổ…”

Sông Hồng ngày càng ăn sâu vào khu dân cư khiến nhân dân Khu 14, xã Bản Nguyên rất hoang mang.

Theo người dân ở đây, tình trạng sạt lở bờ sông bắt đầu diễn ra từ năm 2010. Mỗi năm, trung bình sông ăn sâu vào phía đê quai khoảng 10m. Đến nay, nhiều khúc đã bị sạt lở, ăn vào rất sâu, cứ vào mùa nước thì bờ sông sạt lở bề mặt, còn mùa khô thì sóng nước đánh vào, khiến cho nhiều diện tích bãi bị ăn dần.

Anh Lâm, người dân khu 14 chia sẻ: “Trước kia, đất bãi bồi rộng mênh mông, từ nhà chúng tôi xuyên qua các bãi ngô, đi mỏi cả chân mới đến bờ sông. Nay thì khác, bờ sông nhiều khu vực đã ăn sâu vào chân đê bối. Riêng nhà tôi, trước đây cách bờ sông cả ki lô mét nhưng giờ ngồi trong nhà đã nhìn thấy dòng sông đỏ ngàu cách vài chục bước chân… Nhiều lúc mưa bão cả nhà phải di tản để lánh nạn”. Nguy hiểm hơn, càng ngày nhiều đoạn dòng sông càng “liếm” vào sát nhà, làm hư hỏng các công trình phụ, đe dọa sự an nguy nhà cửa.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Bản Nguyên cho hay: Trước đây xã có khoảng hơn 80 ha diện tích đất bãi, tuy nhiên do tình trạng sạt lở đã làm diện tích bãi bị thu hẹp rất nhiều, hiện chỉ còn lại hơn 1,4 ha đất bãi của người dân khu 14. Ông Quân cũng xác nhận, sạt lở đất đai ven sông đã rất nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng của những hộ đang sinh sống dọc tuyến sông Hồng, có chỗ chỉ cách mép nhà dân khoảng 30m, nếu không được các ngành chức năng xử lý, nguy cơ sạt lở vào tận nhà dân là hiện hữu.

Về nguyên nhân sạt lở đất ven sông, ông Quân cho biết, do bên kia sông Hồng thuộc huyện Tam Nông đã được kè bờ kiên cố. Bởi vậy, khi nước sông chảy xiết đã làm thay đổi dòng chảy, nước đổ dồn về phía bờ sông xã Bản Nguyên gây ra sạt lở nghiêm trọng. Mặt khác, sự điều tiết hồ thủy điện Hòa Bình khiến dòng nước lên xuống không ổn định đã ảnh hưởng đến bờ sông khu vực xã Bản Nguyên dẫn đến sạt lở.

Trước tình hình nguy hiểm trên, chính quyền địa phương đã cho cắm biển báo điểm sạt lở nguy hiểm, tạm thời không cho người dân sản xuất trên khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời vì hàng ngày tình trạng sạt lở đất vẫn hết sức phức tạp, tính mạng, tài sản của người dân vẫn đang “treo” lơ lửng trước miệng “hà bá”. Vì vậy thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khẩn trương vào cuộc và có những biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân.

Minh Đức - Thành Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh