THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:37

Vụ oan sai 64 tỷ đồng ở Thái Bình: Sau 10 năm về con số...0

 


Ông Lương Ngọc Phi với nỗi đau đáu theo đuổi vụ kiện không biết đến bao giờ mới kết thúc

 

Theo hồ sơ, vụ án đã kéo dài gần 20 năm, kể từ thời điểm CQĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lương Ngọc Phi (trú 463 Lý Thái Tổ, tổ 16, phường Quang Trung, TP Thái Bình, Giám đốc Cty khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình) về hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, trốn thuế vào tháng 4/1998.

Trở lại vạch xuất phát

Năm 2001, Viện KSND tỉnh Thái Bình xác định vụ án oan sai và trả tự do cho ông Lương Ngọc Phi. Tính tới thời điểm đó, ông Phi đã ngồi tù oan sai tổng cộng 1.066 ngày. Ngày 13/6/2006, TAND tỉnh Thái Bình đã thay mặt các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh tổ chức công khai xin lỗi ông Lương Ngọc Phi.

Ngay sau đó, ông Phi đã làm đơn đề nghị TAND tỉnh Thái Bình thương lượng bồi thường. Tuy nhiên, sau 6 lần thương lượng bất thành với các cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình về việc bồi thường do cả ba cơ quan (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát) đều né tránh trách nhiệm, ông Phi quyết định khởi kiện ra TAND TP.Thái Bình đòi bồi thường theo luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Vụ việc của ông được cơ quan chức năng tách thành 2 vụ án. Trong đó, vụ án bồi thường về thiệt hại do tổn thất tinh thần và giảm sút về sức khỏe của ông được TAND TP.Thái Bình tuyên buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường 666 triệu đồng. Bản án tuyên ngày 21/7/2009 nhưng đến giữa tháng 5/2010, sau hơn 10 tháng ông Phi mới nhận được tiền bồi thường.

Về vụ kiện thứ 2 đòi bồi thường cho số tài sản bị thiệt hại trong thời gian thụ án với số tiền ông Phi đưa ra là trên 60 tỷ đồng.

Sau khi NQ 388 hết hiệu lực và được thay thế bằng Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, ngày 26/8/2013, TAND TP Thái Bình xét xử và tuyên, TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi hơn 21 tỷ đồng.

Sau đó, hơn 100 lá đơn đã được ông Phi gửi tới các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng, thay vì nhận được tiền đền bù, ngày 06/11/2014, ông Phi bất ngờ nhận được quyết định “kháng nghị giám đốc thẩm” của TAND tối cao, yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình xét xử giám đốc thẩm, tạm dừng thi hành án và hủy án sơ thẩm của TAND TP Thái Bình, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm. Ngày 15/1/2015, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên giám đốc thẩm và tuyên đúng như kháng nghị giám đốc thẩm. Như vậy, việc bồi thường oan sai của ông Phi sau 14 năm kể từ ngày chính thức được tuyên bố oan sai lại trở về vạch xuất phát.

“Chờ được vạ thì má sưng”?

Tại phiên xét xử lại vụ án oan đối với ông Lương Ngọc Phi, ông Lương Ngọc Phi đã đưa ra các quan điểm, dẫn chứng và lý lẽ để yêu cầu Công an tỉnh Thái Bình, TAND tỉnh Thái Bình bồi thường thiệt hại đối với tổn thất về tài sản đối với mình.

Cho rằng bị tổn thất toàn bộ tài sản thu giữ trong vụ án; việc làm ăn của doanh nghiệp bị ngừng hoạt động hoàn toàn kể từ khi bị bắt; toàn bộ tiền đầu tư các vùng trồng nông sản tại các địa phương trong tỉnh bị đình trệ, sau đó là ngừng hoạt động; bị các đối tác làm ăn phạt do vi phạm hợp đồng, tiền lãi ngân hàng do không hoạt động…, ông Phi đưa ra con số yêu cầu bị đơn bồi thường tổng số tiền là hơn 64 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 16/5/2015, TAND TP Thái Bình đã ban hành Biên bản định giá đối với khối tài sản bị phát mại trong vụ án oan của ông Lương Ngọc Phi. Hội đồng định giá do bà Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND TP Thái Bình làm trưởng đoàn. Tổng số tiền định giá đối với bốn khối tài sản này là 27,098 tỷ đồng – lớn hơn số tiền đền bù mà TAND TP Thái Bình đã tuyên tại bản án vào ngày 26/8/2013. Đại diện TAND TP Thái Bình cho biết, do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX dừng phiên tòa để nghị án và sẽ tuyên án vào 14h chiều ngày 12/8/2015.

Đây là một trong những vụ án oan đầu tiên được công khai xin lỗi theo NQ 388 về bồi thường oan sai cho các tổ chức, cá nhân bị oan sai. Nhưng cũng là vụ án kéo dài kỷ lục từ trước đến nay về việc tiến hành bồi thường oan sai. Tính từ khi ông Lương Ngọc Phi chính thức được công khai xin lỗi đến nay đã gần 10 năm khiến vụ việc phải “vắt ngang” cả NQ 388 và Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Ông Phi cho biết: Từ một giám đốc DN, sau 2 năm ngồi tù và 14 năm đi đòi bồi thường oan sai, đến nay, sắp bước sang tuổi “thất thập cổ la hy”, tôi không biết có sống được đến lúc nhận được tiền oan sai hay không. Trong suốt thời gian vừa qua, cá nhân tôi vẫn phải nỗ lực duy trì hoạt động của DN thông qua hoạt động xuất khẩu nông sản với các đối tác nước ngoài. Tiềm năng rất lớn, nhưng tiềm lực tài chính thiếu thốn cùng với việc bị chi phối bởi công việc đi đòi bồi thường khiến DN không thể phát triển được. Tôi chỉ có một mong muốn là được Nhà nước trả lại tài sản để có thể yên tâm tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh