CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:57

Án oan do coi trọng “án tại hồ sơ”

*Nôn nóng phá án để lấy thành tích

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong kỳ giám sát (từ ngày 1/10/2011 đến ngày 30/9/2014) các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can. Số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%. Trong đó cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Viện Kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, 19 trường hợp bị tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Trong 3 năm, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp là khoảng trên 30 tỷ đồng. “Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 9 tỷ đồng, vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỷ đồng và kéo dài 9 năm đến nay chưa giải quyết xong”-báo cáo giám sát cho biết.Nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai được Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp chỉ ra là do, trình độ pháp luật và năng lực nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, chưa được đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thường xuyên.

Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đến nay vẫn chưa được bồi thường.Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đến nay vẫn chưa được bồi thường.

Một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành  pháp luật; có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án. Một bộ phận cán bộ tiến hành tố tụng còn quá tin vào lời nhận tội của bị can mà không chú trọng việc thu thập, củng cố chứng cứ khác; có biểu hiện đem “nguyên tắc suy đoán có tội” thay cho “nguyên tắc suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội.

Có trường hợp còn bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho bị can, bị cáo.Thậm chí, trong một số vụ án oan, đã xảy ra một số trường hợp bị bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền con người, quyền công dân của người bị tình nghi thực hiện tội phạm.

*1 người bị oan cũng là nghiêm trọng

Nhận định của Đoàn giám sát cho rằng, số người bị oan không nhiều.Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, cho rằng: “Cần cân nhắc với nhận định này, bởi oan sai chỉ một vụ là rúng động xã hội rồi”. Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng cho rằng, cần đánh giá đúng mức để tạo niềm tin cho xã hội. “3 năm - 71 trường hợp oan sai, tuy tỷ lệ nhỏ nhưng tác động xã hội rất lớn”, bà Mai nói.

Theo Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng thì oan, sai ở đâu thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm, nên phải chỉ rõ trách nhiệm ở từng khâu oan, sai và xử lý nghiêm túc. “Không thể quy trách nhiệm chung chung được, sai ở điều tra là công an chịu, ở truy tố là kiểm sát chịu, và ở xét xử là tòa án chịu”.

Nhắc lại một số các vụ dùng nhục hình gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó nhắc đến vụ 5 sỹ quan công an ở Tuy Hòa (Phú Yên) nhục hình dẫn đến cái chết của công dân Ngô Thanh Kiều, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước, nói: "Tại sao 5 - 7 công an cùng tham gia bức cung, nhục hình.  Tôi không thể ngờ trong ngành công an lại có chuyện đó được?".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phan Trung Lý đề nghị cần phải xử lý nghiêm những hành vi bức cung, nhục hình trong quá trình tố tụng. “Không nên để khi báo chí vào cuộc, cấp trên chỉ đạo thì sự việc mới được xử lý nghiêm túc”, ông Lý nói.

Huy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh