THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:22

Về Đông Cuông dự lễ treo trâu

Đây là nghi lễ được người dân mong đợi trong 3 ngày lễ hội (từ 2-4/3) nhằm tế Mẫu và các vị Thần hộ quốc, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên (0h) của ngày Mão đầu năm.

Chủ tế cúng mẫu trước khi treo trâu

Ngay từ chiều tối ngày 3/3, từng dòng người đã đổ về đền mẫu Đông Cuông, ai cũng muốn tìm một chỗ tốt nhất để lễ Mẫu và tận mắt chứng kiến nghi lễ treo trâu. Theo BTC lễ hội, hơn 100 cán bộ, công an, an ninh viên của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Yên và các xã lân cận được huy động để giữ an ninh, trật tự trong mùa lễ hội năm nay. Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo UBND huyện Văn Yên cũng như các sở, ban ngành đều có mặt túc trực 24/24 giờ tại lễ hội để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân tham gia.

Các cô gái Tày Khao nhảy múa báo hiệu thời khắc treo trâu đã đến. Họ nhảy múa trong trong tiếng chiêng trống vang lừng suốt thời gian treo trâu, khoảng 20 phút

Ngay trước sân đền, con trâu trắng chuẩn bị cho lễ tế đã được buộc sẵn dưới gốc mít cổ thụ, chuẩn bị cho buổi lễ. Trao đổi với chúng tôi trước giờ hành lễ, ông Hà Văn Giấy, thủ từ đền Đông Cuông cho biết, lễ hội có ý nghĩa lớn nhằm cầu an, cầu phúc, cầu cho đồng bào được ấm no. Trong đó, trâu dùng để tế phải là trâu đực trắng, to khoẻ, được tuyển chọn kĩ lưỡng. Nghi lễ Treo trâu ngay trước đền, vừa mang tính cổ xưa lại mang đậm tính tâm linh, thể hiện rõ phong tục tập quán của người Tày Khao.

Con trâu trắng đã được mang về đền, buộc vào gốc mít cổ thụ từ vài hôm trước

Khi thực hiện nghi lễ treo trâu, trâu  phải có tư thế “chắp tay”, đầu hướng về chính đền mới được thực hiện lễ mổ trâu, và năm đó mưa gió sẽ thuận hòa, mùa màng bội thu.

Sau khi khấn, chủ tế phát lệnh treo trâu, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhân dân khoẻ mạnh, sau đó thịt trâu được chia cho người dân dự lễ hội thụ lộc.

Đúng 0 giờ, thời khắc làm lễ đã đến, những tiếng cồng, tiếng trống cất lên rộn rã, các cô gái Tày uyển chuyển, múa theo nhịp trống cũng là lúc chủ tế bước từ cung cấm ra cùng các “giai chay” và dân làng làm lễ, tiến hành lễ hiến sinh cầu cho linh hồn những anh hùng đã hy sinh ở thác Ghềnh Ngai trên dòng sông Hồng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thủa trước. Sau khi trâu chết, những người trong đội hành lễ nhanh chóng chọc lấy tiết mang vào tế Mẫu.

Theo vị chủ tế, người ta còn lấy 9 chén tiết rồi mang ra bến sông Ghềnh Ngai để cúng các anh hùng dân tộc như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... những người đã góp sức cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Còn trâu thì được làm thịt ngay tại chỗ và dâng lên đền Mẫu để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhân dân khoẻ mạnh, sau đó được chia cho người dân dự lễ hội thụ lộc. 


Con trâu được thui tại chỗ, ánh lửa đỏ rực sáng một góc sân đền

8 giờ sáng cùng ngày, lễ rước Mẫu sang sông, đến miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông - một trong ba lễ chính của hội đền Đông Cuông được thực hiện trang trọng với sự tham gia của hàng ngàn người dân và du khách. Tương truyền, những cô gái chưa chồng nếu chui được qua gầm kiệu rước Mẫu thì năm đó sẽ tìm được người chồng vừa ý, chính vì vậy trong lễ rước Mẫu, nhiều cô gái trẻ tìm mọi cách chui được qua gầm kiệu cầu may.

Lễ rước Mẫu sang sông, đến miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông - một trong ba lễ chính của hội đền Đông Cuông

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi như thi kéo co, đẩy gậy, ném còn, hội chợ quê… được tổ chức sôi động, đây thực sự là những ngày hội của đồng bào các dân tộc huyện Văn Yên. Chúng tôi gặp trong lễ hội Phó giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, giám đốc nhiều sở ngành của tỉnh... Bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện Văn Yên đều có mặt chỉ đạo việc tổ chức lễ hội và chung vui với bà con.

Ông Hà Đức Anh – Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Văn Yên cho biết, lđền Đông Cuông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2009. Từ đó đến nay, năm nào lễ hội cũng được tổ chức trang trọng lành mạnh và theo đúng phong tục. “Trong những ngày diễn ra lễ hội, vấn đề là vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông được đặt lên hàng đầu. Năm nay lượng người đến tham dự lễ hội đông hơn năm ngoái do tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai qua địa bàn huyện đã hoàn thành nên UBND huyện đã huy động tất cả lực lượng tham gia lễ hội, tất cả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến lễ Mẫu, cầu an”- ông Hà Đức Anh nhấn mạnh.

Đền Đông Cuông thuộc thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) không chỉ thờ những anh hùng người dân tộc thiểu số đã cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống quân Nguyên Mông như: Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng,… nơi đây còn thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, theo truyền thuyết thì bà là người có công lao trong việc giúp dân thoát khỏi cảnh đói nghèo thủa xa xưa. Năm 2009, đền Đông Cuông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và lễ hội bắt đầu được phục dựng. Đến nay lễ hội đền Đông Cuông đã được đông đảo nhân dân cả nước biết đến.

 

Thanh Huyền- Văn Nghĩa - ảnh: Mạnh Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh