Phục dựng các nghi thức của lễ hội chùa Chặng
- Văn hóa - Giải trí
- 00:10 - 27/02/2015
Lễ hội văn hóa truyền thống chùa Chặng diễn ra trong ba ngày từ 23 - 25/2 (tức mùng 5 - 7 tháng giêng). Trước đó, tỉnh hội phật giáo Thanh Hóa đã phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị các nghi lễ truyền thống để phục vụ cho lễ hội diễn ra tôn nghiêm, đúng theo quy định truyền thống.
Năm nào cũng vậy, du khách thập phương đến hội chùa Chặng rất đông
Lễ hội trước đây gồm có các trò chơi dân gian như đẩy gậy, ném còn, tổ tôm, bài điếm, cờ tuớng, trống chiêng, trống rạp, hát xướng. Năm nay lệ hội có thêm các trò chơi văn hóa, thể thao bóng chuyền nam, nữ, cồng chiêng... nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, giải trí của nhân dân.
Kiệu rước được đầu tư chuẩn bị bài bản cho lễ hội
Được biết, đây là lần đầu tiên hội chùa Chặng được đầu tư tổ chức quy mô, ban tổ chức đã khôi phục nghi lễ rước kiệu thần thánh, mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử và kiệu long đình, thần linh, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tuơi tốt.
Đại đức Thích Tâm Định, Phó trưởng ban Trị sự phật giáo tỉnh Thanh Hóa, Truởng ban đại diện phật giáo huyện Cẩm Thủy, Trụ trì chùa Chặng cho biết: "Chùa Chặng (có tên gọi khác là chùa Ngọc Châu) có cách đây 522 năm, được xây dựng từ thời hậu Lê và đã được nhiều người biết đến. Hàng năm lễ hội chùa Chặng đã thu hút hàng chục nghìn người trong và ngoài tỉnh về tham gia lễ hội"
Ngôi chùa được cho là linh thiêng nên rất hút khách thập phương
Được biết, năm nay lễ hội chùa Chặng được tổ chức quy mô hoành tráng hơn mọi năm ,chùa tiếp tục khôi phục các nghi lễ phong tục truyền thống. Theo lãnh đạo Sở VH-TT&DL Thanh Hóa cho biết, lễ hội chùa Chặng xứng đáng với ngày hội các dân tộc miền tây xứ Thanh, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa.