THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:34

Độc đáo hội rước cá thần miền tây xứ Thanh

Cứ vào mùng 8, mùng 9 tháng giêng người dân làng Lương Ngọc,(xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) lại nô nức tổ chức lễ hội rước cá thần, thờ thần cá, thần rắn truyền thống (lễ hội khai hạ đầu xuân) với những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Mường cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt...

Từ tích chuyện chàng rắn...

Từ thủa xa xưa, Lương Ngọc đã là nơi sinh sống của người Việt-Mường cổ. Truyền thuyết kể lại rằng: Buổi dựng làng lập nghiệp có hai vợ chồng người Mường từ Hòa Bình đến đầu tiên ở làng Ngọc sinh sống mãi mà không có con.

Chủ tế làm lễ  cúng thần linh

Năm ấy thời tiết khắc nghiệt, đất đai khô cằn, lòng sông khô cạn. Trong một lần đi xuống suối xúc cá tôm thì xúc được một quả trứng nhỏ. Mỗi lần vứt đi nhưng kỳ lạ thay khi xúc lên quả trứng lại nằm gọn trong rổ. Lấy làm lạ, hai vợ chồng đem về để trong ổ gà đang ấp.

Thế rồi, vào một ngày trời đang yên lặng, bỗng mây mù kéo đến tối sầm cả một góc trời, mưa gió nổi lên ầm ầm. Đàn gà trong chuồng cứ kêu lên thoảng thốt, đàn trâu cũng lồng lên không ngừng. Sau đó quả trứng lạ nở ra một con rắn nhỏ có mào đỏ như mào gà. Thấy chuyện chẳng lành, người chồng liền mang con rắn đi vứt bỏ, nhưng khi ông về đến nhà thì lại thấy con rắn ấy nằm quấn tròn trên xà nhà. Bao lần vứt bỏ không thành công, cuối cùng hai vợ chồng chấp nhận nuôi nó.

Đoàn kiệu rước cá tế thần

Năm tháng qua đi, bỗng một ngày nọ, rắn bỏ đi hai ngày đêm không về. Cũng trong thời gian đó, tại làng Ngọc trời bỗng mưa to, gió lớn, sấm chớp ầm ầm. Lẫn trong tiếng mưa gió, dân làng Ngọc nghe vọng lại xa xa như trong dãy núi Trường Sinh có tiếng xung trận, đánh nhau của rất nhiều quan quân, binh lính nên không ai dám ra khỏi nhà. Khi trời tạnh, người dân làng Ngọc nhìn ra thấy nước ngập trắng đồng, con suối khô cạn ngày nào giờ nước chảy cuồn cuộn. Thấy điềm lạ, người dân làng Ngọc kéo nhau ra suối thì nhìn thấy chàng rắn có mào đỏ đã chết, xác dạt vào bờ suối.

Thương tiếc chàng rắn, dân làng  tổ chức làm ma rất to. Đêm đó, người già trong làng bỗng mơ thấy thần linh hiện về mách bảo rằng chàng rắn chính là vị tướng được cử đến để bảo vệ dân làng. Những ngày qua, vâng lệnh thần linh chàng rắn đi đánh nhau với quỷ quái để trừ họa cho dân. Nhớ ơn chàng rắn, dân làng Ngọc đã chôn cất chàng rắn dưới chân núi Trường Sinh rồi lập đền thờ thần rắn, gọi là đền Ngọc.

Cũng không biết từ đâu, dưới lòng suối Ngọc trong mát bỗng xuất hiện hàng loạt con cá đuôi và vây đỏ tía, tung tăng bơi lội. Đêm đến, chúng lại trở vào trong lòng núi Trường Sinh ẩn mình, sáng ra, lại bơi ra suối quanh quẩn bên cạnh đền Ngọc. Các cụ cao niên trong bản bảo rằng đàn cá thần hàng ngàn con lớn nhỏ hình thù rất lạ, màu sắc phong phú như: màu đỏ, xanh, hồng... mỗi khi bơi phát sáng nhiều màu sắc, lấp lánh ánh bạc rất đẹp đó chính là những binh lính của chàng rắn. Khi vị tướng tử trận, những binh lính này đã biến thành cá thần, để hàng ngày luôn được hầu hạ...

Cảm tạ công ơn của chàng rắn, cũng đã bao đời nay bà con dân tộc Mường luôn gìn giữ nuôi nấng, không ai dám ăn thịt loại cá này, vì đó là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây ra tai hoạ cho mình mà còn cho cả cộng đồng...

          ...Đến lễ hội rước cá thần

Lễ hội rước Cá Thần đã có truyền thống từ xa xưa, nhưng qua thời gian đã dần dần bị mai một. Năm 2009, theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, các ban ngành chức năng của huyện Cẩm Thủy đã phục dựng lại.

Đọc lễ tế thần

Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người Mường với phần lễ trang trọng, uy nghiêm; phần hội thì náo nhiệt tưng bừng đồng thời phát triển thêm những sắc thái mới của lễ hội hiện đại, tích hợp được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nhân văn để bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, cầu mong các vị thần phù hộ độ trì cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi, dân bản một năm ấm no, hạnh phúc.

Ngày khai hội, nhân dân làng Lương Ngọc tập trung  hai bên bờ suối để dự lễ bắt cá tế thần. Các bô lão của làng Ngọc trong trang phục đẹp đẽ sẽ vào đền Ngọc thắp hương xin giờ tốt, để nổi cồng lệnh bắt cá thần.

Sau khi xin được giờ tốt, một hồi cồng lệnh sẽ vang lên. Lúc này 2 bên bờ suối, trống chiêng đồng loạt nổi lên rộn rã, cuộc bắt cá dưới suối Ngọc bắt đầu. Sau hồi trống, cồng, chiêng cá sẽ chạy hết vào hang, con nào còn lại sẽ được bắt về làm vật cúng tế thần rắn.

Trước đền thờ thần rắn, đội tế của làng tiến hành nghi thức tế thần, sau đó, ông Mo của làng Ngọc sẽ đọc bài Mo, cầu mong các vị thần linh phù hộ độ trì, mang lại mùa màng tốt tươi, dân khang thịnh, bản làng yên vui. Sau lễ bắt cá, tế thần, trong không khí trang nghiêm, thành kính bởi âm thanh của trống, chiêng đoàn rước kiệu là thanh niên, trai tráng trong làng với trang phục áo đỏ, khăn vàng, thắt lưng vàng ngay ngắn khênh kiệu.

Đánh cồng rước cá tế thần

Đi đầu là phường bùa, kiệu long đình rồi đến các bậc cao niên trong làng rước Cá Thần từ suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh về sân trung tâm của bản để làm lễ khai mạc. Chủ tế ăn mặc chỉnh tề đốt nén nhang thơm kính cẩn báo công với thành hoàng làng một năm lao động sản xuất ở địa phương và những ước nguyện trong năm mới.

Du khách thỏa sức ngắm cá...

Lễ vật tế thần của làng Ngọc có 10 mâm cỗ và hoa quả. Trong 7 mâm cỗ mặn, không thể thiếu các món gồm: Xôi đỏ, xôi trắng, xôi tím, thịt gà, thịt lợn, thịt trâu. Ngoài cỗ của làng, gia đình nào cũng sắm cỗ riêng cho mình để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh.

Sau phần nghi lễ uy nghiêm, tham dự phần hội du khách có dịp được hòa mình vào các trò chơi dân gian của người Mường như: Bắn nỏ, đánh mảng, đi cà kheo, múa cồng chiêng, ném còn, chọi gà, những phần diễn tấu của phường bùa... Thỏa sức vui đùa cùng hàng ngàn con cá nhởn nhơ bơi lội giữa dòng nước trong mát; ngắm nhìn những cô gái Mường duyên dáng, e lệ hơn trong trang phục truyền thống đánh cồng, chiêng hay thưởng thức những sản vật của  núi rừng như cơm lam, thịt gà, rượu cần...càng làm thêm sức hút cho ngày hội.

...và tham gia các môn thể thao truyền thống

Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân vang cùng những giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của một vùng đất với những nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Mường còn chưa được khám phá hết kỳ vọng mãi là điểm hẹn lý tưởng cho du khách thập phương và bạn bè quốc tế. Cùng với Thành Nhà Hồ, khu di tích lịch sử Lam Kinh, biển Sầm Sơn…Khu du lịch suối cá thần Cẩm Lương sẽ là điểm du lịch tâm linh, là nơi đi về cho những người con xứ Thanh và nhân dân trên mọi miền đất nước trong Năm Du lịch quốc gia 2015.

Anh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh