THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:50

'Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững trong ngành chế biến gỗ'

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, đa số các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ trong nước còn sử dụng công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu và lực lượng lao động trình độ lao động giản đơn, làm việc theo mùa vụ dẫn đến tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong ngành này còn nhiều hạn chế.

Ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát biểu tại Lễ Phát động Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2019

“Việc vi phạm pháp luật lao động không những ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động mà còn làm giảm năng suất, giảm tính cạnh tranh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ở cả thị trường trong nước và trên thế giới,” ông Tùng nhận định và đề nghị chiến dịch cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, bao gồm thanh tra lao động, công đoàn, doanh nghiệp, truyền thông...

Số liệu thống kê cho thấy, hiện cả nước có khoảng 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, với khoảng 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm từ 55-60%, lao động phổ thông làm việc theo thời vụ chiếm khoảng 40-45%. Theo Bộ NN&PTNT, nếu thống kê cả số lượng lao động trong lĩnh vực trồng rừng, cung cấp nguyên liệu, thì ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đang thu hút hàng triệu lao động ở khu vực nông thôn và miền núi.

Tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ còn nhiều bất cập

Tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong ngành chế biến gỗ còn nhiều bất cập. Ước tính, hiện cả nước có khoảng 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyên chế biến gỗ và lâm sản đang sử dụng máy, thiết bị, công nghệ lạc hậu. Tình hình vi phạm pháp luật lao động trong doanh nghiệp chế biến gỗ còn phổ biến, với các hình thức: Tổ chức giờ làm thêm vượt quá giờ quy định; vi phạm về giao kết hợp đồng; vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; những yếu tố nguy hiểm, độc hại chưa được kiểm tra soát chặt chẽ để có giải pháp ngăn ngừa như bụi, tiếng ồn, trơn trượt… gây mất an toàn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Chính thức phát động Chiến dịch thanh tra lao động năm 2019

Phát biểu tại buổi lễ phát động, bà Andrea Prince, quản lý Dự án Khung khổ Quan hệ Lao động mới của ILO do Chính phủ Mỹ tài trợ, ghi nhận tầm quan trọng của việc Việt Nam dành ưu tiên cải thiện điều kiện lao động tại các ngành công nghiệp xuất khẩu như chế biến gỗ.

Theo bà, việc làm bền vững là điều kiện quan trọng để Việt Nam trở thành nhà cung cấp uy tín trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là sự lựa chọn số một đối với các khách hàng trên một thị trường toàn cầu mang tính cạnh tranh cao.

“Phát huy phương pháp tiếp cận chiến lược của cơ quan thanh tra lao động là bước đi quan trọng nhằm đảm bảo kết quả tuân thủ pháp luật mà các khách hàng mong muốn cũng như cần thiết đối với người lao động. Những quyền cơ bản trong lao động, như đối thoại, thương lượng, được đối xử bình đẳng đóng vai trò trung tâm đảm bảo chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo nền tảng để doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển bền vững”, bà Andrea Prince nhấn mạnh.

Cuộc Hội thảo 3 bên với nội dung "giải pháp tăng cường tuân thủ pháp luật lao động trong ngành chế biến gỗ"

Chương trình triển khai với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thông qua Dự án Khung khổ Quan hệ Lao động mới có sự phối hợp tham gia của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp ngành gỗ.

Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2019 sẽ được triển khai khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 địa phương trọng điểm là TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai. Chiến dịch năm nay sẽ tập trung vào các hoạt động trọng tâm gồm: Truyền thông; thanh tra; hướng dẫn cải thiện tuân thủ và đào tạo, tập huấn; theo dõi, xử lý các vấn đề không tuân thủ sau thanh tra và hoạt động đánh giá, tổng kết…

 

Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ (chiếm khoảng 6% thị trường gỗ toàn cầu); tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10-15%...

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh