Tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động
- Tây Y
- 18:24 - 27/04/2018
Đại diện các đơn vị chạm tay vào quả cầu phát động chiến dịch.
Ngày 27/4, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Lễ phát động chiến dịch Thanh tra lao động năm 2018. Chủ đề được chọn cho chiến dịch thanh tra năm nay là “Tuân thủ pháp luật lao động trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vì an toàn, sức khỏe người lao động”.
Thứ Trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu khai mạc tại lễ Phát động chiến dịch thanh tra năm 2018.
Người lao động chưa lường hết nguy cơ tai nạn khi khai thác khoáng sản
Tại Lễ phát động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: “Tai nạn lao động chết người trong lĩnh vực khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đứng thứ 2 chỉ sau lĩnh vực xây dựng”.
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH: Năm 2016, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiếm 11,4% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và 12,9% tổng số người chết. Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 7,4% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và 7,9% số người chết; Trong năm 2017, lĩnh vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng chiếm 9,7% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và 9,1% tổng số người chết. Lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 9,7% tổng số vụ tai nạn lao động chết người và 9,1% số người chết. Số vụ tai nạn lao động tuy đã giảm trong những năm gần đây, song vấn đề bảo đảm an toàn, giữ gìn sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc vẫn chưa vơi nhức nhối. Năm 2017, cả nước xảy ra 8.956 vụ tai nạn lao động, làm 9.173 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng. Tai nạn lao động xảy ra nhiều ở những địa phương có các khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề, hầm mỏ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đồng Nai,... Từ đầu năm 2018 đến nay, tình trạng tai nạn lao động chưa được cải thiện. Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể lớn hơn nhiều con số được công bố vì nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa chủ động báo cáo hoặc cố tình che giấu thông tin về tai nạn lao động. Trong nhiều năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, cả nước mới có khoảng 6% số doanh nghiệp báo cáo về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Các đại biểu tham dự.
Nguyên nhân tai nạn xuất phát từ cả phía người sử dụng lao động và người lao động. Phần lớn lao động trực tiếp làm việc trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng là lực lượng lao động phổ thông. Họ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo không cơ bản, tay nghề và thâm nhiên thấp. Chưa quen với phương thức sản xuất công nghiệp, khả năng nhận thức còn hạn chế. Đa số lao động không lường hết các nguy cơ tai nạn lao động tại vị trí làm việc nguy hiểm (làm việc trên cao, tiếp xúc với vật liệu nổ, với nguồn điện)… vì vậy đã vi phạm các quy định về an toàn lao động dẫn đến gây tai nạn cho chính mình và những người xung quanh.
Về phía người sử dụng lao động lại không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn, vệ sinh lao động và phổ biến hướng dẫn cho người lao động trước khi tiến hành công việc. Không đảm bảo điều kiện và môi trường làm việc an toàn vệ sinh lao động cho người lao động theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn…
Môi trường lao động an toàn sức khỏe của người lao động
Từ thực trạng kể trên, Chiến dịch sẽ tập trung vào các hoạt động tuyên truyền kiến thức kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách và công tác ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động. Đặc biệt tập trung thanh tra trực tiếp tại các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng nhằm chấn chỉnh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lao động. Kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở trong cơ chế, chính sách để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục.
Theo ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam), mối quan tâm của người lao động ngoài thu nhập thì chính là môi trường làm việc an toàn, không gì hơn là được lao động, làm việc trong điều kiện an toàn. Chiến dịch thanh tra năm 2018 sẽ diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tại một số địa phương sẽ có sự tham gia trực tiếp của Thanh tra Bộ phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi trường. Có ít nhất 500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sẽ được thanh tra trong Chiến dịch lần này. Các cuộc thanh tra đã được thực hiện ngay từ tháng 1/2018.
Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng cho biết, chiến dịch thanh tra lao động hướng đến mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn lao động chết người tại doanh nghiệp.
Theo Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng, báo cáo nhanh đến thời điểm hiện tại các địa phương đã thanh tra được 200 doanh nghiệp, thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra được hơn 40 doanh nghiệp. “Do lực lượng mỏng nên để các cuộc thanh tra đi vào thực chất nên thanh tra Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có cùng chức năng quản lý chuyên môn như Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Xây dựng”, ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết. Tất cả hướng đến mục tiêu giảm thiểu số vụ tai nạn lao động chết người tại doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng từ mức 19,5% sô vụ và 18,2% số người chết (năm 2017) xuống còn từ 10 -15% số vụ nghiêm trọng và số người chết dưới 10% chết vì tai nạn lao động trong cả nước.
Trong những năm qua, chiến dịch thanh tra lao động đã được thực hiện thành công trong lĩnh vực may mặc, xây dựng và điện tử. Chiến dịch thanh tra năm 2016, cho thấy số vụ tai nạn lao động lĩnh vực xây dựng giảm 30% so với năm 2015 và giảm 30% số người chết.