Thúc đẩy tuân thủ pháp luật lao động trong các DN điện tử
- Tây Y
- 00:36 - 19/04/2017
Các đại biểu phát động chiến dịch
Ngày 18/4, tại Vĩnh Phúc, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Lễ phát động chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 trên phạm vi cả nước với chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động vì sự phát triển bền vững doanh nghiệp điện tử”.
Tại lễ phát động, ông Nguyễn Tiến Tùng, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, mục tiêu của chiến dịch là đến hết năm 2017, 500 doanh nghiệp điện tử được thanh tra, kiểm tra; tại 100% doanh nghiệp được thanh tra, kiến thức của người sử dụng lao động và người lao động về pháp luật lao động, các quy định về an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực điện tử được nâng cao. Qua đó, nhận thức của toàn xã hội về chấp hành pháp luật lao động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử được nâng cao.
Theo kế hoạch, từ tháng 3 đến tháng 11, đoàn thanh tra sẽ tiến hành tại các doanh nghiệp điện tử ở cả ba miền. Nội dung thanh tra tập trung vào ký kết và thực hiện hợp đồng lao động; đối thoại, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh lao động. “Bên cạnh thanh tra về việc tuân thủ pháp luật lao động của các doanh nghiệp, đoàn thanh tra sẽ tập trung tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để cải thiện điều kiện làm việc, xây dựng mối quan hệ hài hòa tại nơi làm việc”- Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ.
Năm 2017 đánh dấu năm thứ ba Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức thúc đẩy can thiệp trực tiếp ở cấp ngành. Hai năm trước Thanh tra tổ chức tập trung vào hai ngành dệt may năm 2015 và ngành xây dựng năm 2016 và có hiệu quả rất rõ. “Năm 2016, chiến dịch thanh tra trong lĩnh vực xây dựng đã có hiệu quả rất rõ, cụ thể đã kéo giảm số vụ tai nạn lao động từ 37% (năm 2015) xuống còn xuống dưới 22% (năm 2016), thậm chí chúng tôi còn kỳ vọng con số này sẽ tiếp tục còn giảm nữa trong năm 2017 do hiệu ứng của truyền thông”-ông Tùng cho biết.
Theo số liệu mới nhất, số doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam là hơn 1.000 doanh nghiệp với hơn 400.000 lao động. Ngành điện tử sử dụng nhiều lao động nhưng trong đó lực lượng lao động nữ cao hơn nam do tính chất công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn, khéo léo. Điều này đặt ra các vấn đề đối với việc sử dụng số lao động đặc thù này như nhu cầu nghỉ thai sản, khám chữa bệnh nghề nghiệp...
Qua khảo sát, thời gian làm việc, nghỉ ngơi cũng là vấn đề của các doanh nghiệp điện tử ở Việt Nam còn vi phạm. Tại một doanh nghiệp, 100% công nhân phải làm thêm giờ trong thời gian cao điểm của chu kỳ sản xuất. Do công nhân phải tiếp xúc với khói hàn, mùi hóa chất độc hại ở các doanh nghiệp điện tử nên các vấn đề về ATVSLĐ trong ngành này có thể dẫn đến ung thư và các bệnh về tim tại nơi làm việc.
Sau khi phát động chiến dịch, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức hội thảo ba bên giữa thanh tra lao động, đại diện tổ chức công đoàn và tổ chức giới sử dụng lao động nhằm thảo luận và thống nhất một chiến lược chung thúc đẩy tuân thủ các quy định của pháp luật lao động trong các doanh nghiệp điện tử và tiếp theo đó là hội thảo tập huấn cho những cán bộ thanh tra lao động chủ chốt của 10 tỉnh/thành phố trọng điểm. Những phát hiện từ báo cáo khoanh vùng tuân thủ pháp luật lao động trong doanh nghiệp điện tử cũng đã được chia xẻ cho các đối tác có liên quan.
Chiến dịch thanh tra lao động năm 2017 diễn ra trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố trong cả nước gồm ba hoạt động: các hoạt động truyền thông; các hoạt động thanh tra tại doanh nghiệp và hoạt động giám sát, tổng kết. Sau khi đánh giá, tổng kết những kết quả đạt được năm 2017, Chiến dịch sẽ được thực hiện ở các lĩnh vực, ngành nghề khác trong những năm tiếp theo. - Hoạt động tuyên truyền: nhằm trang bị cho người sử dụng lao động, người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để thực hiện tốt chính sách và công tác an toàn, vệ sinh lao động, qua đó nâng cao nhận thức về việc tuân thủ pháp luật, cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. - Hoạt động thanh tra: Thực hiện thanh tra tại các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điện tử nhằm nắm tình hình thực tiễn, hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục, thực hiện các biện pháp chấn chỉnh việc tuân thủ tại nơi làm việc và xử lý những vi phạm trong thực hiện pháp luật lao động. - Hoạt động giám sát, tổng kết: Thanh tra LĐ-TB&XH kết hợp với các đối tác ba bên giám sát chặt chẽ quá trình triển khai chiến dịch ở các địa phương và chủ trì việc tổng kết, rút kinh nghiệm sau khi kết thúc chiến dịch.
|