Trường TC KT CN-TCN Nghệ An: Đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 17:54 - 10/02/2019
Trường Trung cấp nghề Kinh tế Công nghiệp - Thủ công nghiệp- Nghệ An, tiền thân là trường dạy nghề tiểu thủ công nghiệp Nghệ An, được thành lập tháng 9/2001. Nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển tiểu thủ công nghiệp.
Đến nay, trường đã tổ chức đào tạo cho hàng chục ngàn lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến cao đẳng nghề với đa số các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giới thiệu và tạo việc làm tại chỗ cho hàng chục ngàn lao động tại các làng nghề, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các cơ sở sản xuất khác. Với đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên, bao gồm các trình độ đại học, thợ bậc cao, nghệ nhân… Đào tạo các nghề có trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng nghề, đại đa số là các nghề tiểu thủ công nghiệp như; chế biến và sản xuất mây tre, dệt thổ cẩm, thêu ren, mộc mỹ nghệ, điêu khắc, may&thiết kế thời trang, cơ khí nhỏ công nghiệp, công nghệ hàn, điện công nghiệp, điện dân dụng…
Thầy giáo Nguyễn Xuân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong những năm qua, trường đã đào tạo cho hàng vạn học sinh, trong đó nhiều cựu học sinh đã trở thành chủ doanh nghiệp, nhà quản lý, người sản xuất kinh doanh giỏi trên mọi miền tổ quốc. Hằng năm tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 90 - 95%; học sinh khá, giỏi đạt 40 - 45%;trong năm 2018 có 01 học sinh đạt giải nhất huy chương Vàng nghề may thời trang; 1HS đạt giải khuyến khích nghề Mộc mỹ nghệ tại Hội thi tay nghề giỏi cấp Quốc gia, nhà trường được UBND tỉnh; Tổng cục GDNN; Bộ LĐTBXH tặng bằng khen, giấy khen; 90% học sinh ra trường có việc làm ổn định, cung cấp nhân lực có tay nghề cho 153 làng nghề, trên 300 làng có nghề. Liên kết đào tạo nghề Hàn cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cho Xí nghiệp đầu máy toa xe Vinh”.
Tập thể và nhiều cá nhân được tặng thưởng bằng khen, giấy khen
Trong công tác giảng dạy, nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm, được cụ thể hóa thành lịch học hằng tháng, chú trọng “học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, đảm bảo mục tiêu giáo dục toàn diện.
Hằng năm Trường duy trì thường xuyên việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng nhà xưởng, thiết bị và phương tiện dạy học toàn trường.(cải tạo nhà xưởng thực hành nghề cơ khí, hệ thống điện xưởng Mộc, sơn sửa nhà học lý thuyết A2, xưởng thực hành điện…, xây mới bờ rào phía tây trường…, trồng thêm hệ thống cây xanh trong khuôn viên,…); sửa chữa hệ thống nhà KTX đảm bảo phục vụ tốt sinh hoạt của học sinh (cải tạo hệ thống cấp, thoát nước, sơn lại nhà KTX nữ, sữa chữa bể nước sinh hoạt chung…).
Thầy Phượng cho biết thêm: “Ngoài việc sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị dạy học thì Trường luôn tăng cường đầu sách, tài liệu tham khảo cho thư viện số phục vụ cán bộ, giáo viên, học sinh tra cứu, tham khảo, học tập và tải các tài liệu trên mạng để vận dụng cho công tác quản lý, phục vụ dạy và học. Thư viện, phòng đọc duy trì mở cửa thường xuyên phục vụ cán bộ, giáo viên, học sinh đến khai thác thông tin. Năm 2018 Trường đã đầu tư một số thiết bị dụng cụ bổ sung cho các xưởng thực hành: xưởng May & TKTT; xưởng gia công mộc; xưởng cơ khí; xưởng thực hành Điện; và thiết bị phụ trợ cho giảng dạy”