THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:01

Thanh Hóa: Chú ý chất lượng giáo dục đào tạo nghề khi sáp nhập trường TCN và Trung tâm GDTX

 

100% học viên nghề hàn Trường TCN Nga Sơn ra trường có việc làm ổn định

Đề xuất sáp nhập TTGDTX thành một khoa của trường TCN

 Thực hiện việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, dạy nghề, hướng nghiệp trực thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố, tỉnh Thanh Hóa đã sáp nhập 21 huyện, còn lại 6 huyện, thị, thành phố gồm: Nga Sơn, Bỉm Sơn, Thạch Thành, Yên Định, TP.Thanh Hóa, Quảng Xương vẫn chưa thể thực hiện bởi thực tế, 6 đơn vị này đa phần đang hoạt động tương đối hiệu quả, đặc biệt là trường TCN Nga Sơn, TCN Bỉm Sơn, hàng năm có khoảng 3000 học sinh theo học, góp phần không nhỏ trong đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, góp phần xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Hiện nay, các khóa đang học hệ trung cấp tại các nhà trường TCN phải đến cuối năm 2019 mới tốt nghiệp, nếu sáp nhập với các trung tâm thành TTGDNN-GDTX thì sẽ không thể tiếp tục đào tạo và cấp bằng trung cấp cho hơn 3000 học sinh đang theo học tại các trường.

Sau khi nghe báo cáo của Sở LĐ-TB&XH và 6 đơn vị có trường TCN, UBND tỉnh đã chỉ đạo 3 Sở gồm: sở Nội vụ, sở LĐ-TB&XH, sở GD&ĐT trực tiếp xuống cơ sở để làm việc và đánh giá tình hình thực tế từ cơ sở. Qua đó có 5/6 ý kiến của các huyện, thị, thành phố đồng ý việc sáp nhập TTGDTX vào trường TCN để trở thành 1 khoa “GDTX”, chỉ 1 ý kiến đề xuất giải thể trường TCN Quảng Xương (do hoạt động không hiệu quả).

Về việc sáp nhập, Sở LĐ-TB&XH Thanh Hoá đã đề xuất với UBND tỉnh tại Văn bản số 1508 ngày 16/5/2017: Các huyện có trường Trung cấp nghề (TCN) thuộc huyện quản lý và Trung tâm Giáo dục thường xuyên (TTGDTX) gồm: Bỉm Sơn, Thạch Thành, Yên Định, Nga Sơn, Quảng Xương, TP Thanh Hóa, đề nghị sáp nhập TTGDTX vào trường TCN, theo đó tổ chức bộ máy của trường TCN có thêm “khoa cơ bản” để thực hiện chức năng dạy chương trình phổ thông trung học.

 

100% học viên nghề hàn Trường TCN Nga Sơn ra trường có việc làm ổn định

 

Ngoài ra, Thông tư Liên tịch số 39 ngày 19/10/2015 của Liên bộ: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT), Bộ Nội vụ, hướng dẫn việc sáp nhập không quy định việc sáp nhập các trung tâm dạy nghề (TTDN), TTGDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp (TTKTTH-HN) công lập cấp huyện thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (TTGDNN-GDTX), vì các trường TCN không thuộc đối tượng điều chỉnh quy định tại Điều 2, Thông tư Liên tịch số 39 ngày 19/10/2015 của liên bộ, không quy định việc sáp nhập trường TCN cấp huyện vào TTGDTX.

Bên cạnh đó, Quyết định số 291 ngày 27/5/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã nêu rõ: Giai đoạn 2016 - 2020 phải đào tạo khoảng 286.000 lao động từ hệ sơ cấp đến trình độ cao đẳng. Nếu 6 trường TCN cấp nói trên phải giải thể thì việc thực hiện đào tạo cho 286.000 lao động có tay nghề là khó khả thi. Nếu 6 trường TCN cấp huyện phải giải thể sẽ rất khó khăn trong việc đào tạo nhân lực trình độ TCN theo Kế hoạch số 73 ngày 9/5/2017 của UBND tỉnh. Bởi TTGDNN-GDTX chỉ được đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.

Ngoài ra, hiện có khoảng 2.000 HS đang theo học chương trình đào tạo trình độ TCN tại 6 trường này phải cuối năm 2017 và 2018 mới tốt nghiệp, nếu giải thể các trường TCN cấp huyện sẽ dẫn đến việc đào tạo và cấp bằng trung cấp cho HS không thể thực hiện được do TTGDNN-GDTX không được cấp phép đào tạo trình độ trung cấp.

 Gần 90% học sinh, học viên các trường TCN ra trường có việc làm

Tìm hiểu các trường TCN trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, tại Trường TCN Nga Sơn, được chứng kiến thực tế chúng tôi mới thấy sự vượt khó vươn lên của nhà trường. Trường TCN Nga Sơn thực hiện nhiệm vụ đào tạo các hệ trung cấp, sơ cấp và hệ thường xuyên với lưu lượng học sinh hàng năm khoảng 1.000 em cho cả 3 hệ. Trong đó, hệ TCN trường đào tạo bình quân khoảng 250 học sinh/năm, sơ cấp đào tạo theo chỉ tiêu tỉnh giao khoảng 300 đến 350 học sinh/năm, còn lại là hệ thường xuyên.

Để đáp ứng nhu cầu học, nhà trường thường xuyên tăng cường học 3 ca, sáng, chiều, tối và hợp đồng thêm với 27 giáo viên (hợp đồng 1 năm một). Có thể thấy với điều kiện khó khăn cả về nhân lực với 7 biên chế (1 người mới nghỉ hưu) và cơ sở vật chất còn chật chội (7 phòng học), trong khi đó có 13 lớp nghề, 13 lớp trung cấp và 8 lớp học văn hóa nhưng trường vẫn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, chất lượng đào tạo của trường được các doanh nghiệp đón nhận và đánh giá cao. Theo thống kê, khoảng 87% học viên của trường ra trường có việc làm ở các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh, cho thu nhập ổn định. Hiện có 18 DN trên địa bàn của tỉnh và các tỉnh thành khác như: Hải Phòng, TP.HCM, Hà Nội đang tuyển học viên của trường về Làm việc với mức lương hấp dẫn. Có thể thấy, hiện nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển lao động trình độ nghề từ các DN là rất lớn.

 

Các trường TCN trên địa bàn mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa sớm có quyết định để các trường khai giảng năm học và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao

 

Trăn trở trước việc sáp nhập, ông Nguyễn Ngọc Minh - Hiệu trưởng Trường TCN Nga Sơn cho biết: “Hiện nhu cầu học nghề trên địa bàn rất lớn, thực tế lưu lượng học sinh hàng năm của trường đã thể hiện rõ điều đó. Chất lượng học viên của trường cũng đã được khẳng định, đánh giá cao từ các DN, với gần 90% các em ra trường có việc làm ổn định, thu nhập tốt. Do chủ trương sáp nhập nên năm học 2017 - 2018, trường đã tuyển sinh được 235 HS hệ TCN, tuy nhiên do chưa được giao chỉ tiêu nên nhà trường chưa thể khai giảng và hoạt động gặp khó khăn”. Còn ông Hứa Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường TCN Bỉm Sơn cho hay: “Tôi được biết như tỉnh Hà Tĩnh cũng đã đánh giá rà soát và sáp nhập những đơn vị hoạt động yếu kém vào đơn vị hoạt động hiệu quả và tôi cũng đồng tình với chủ trương trên. Chúng tôi rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa sớm cho chủ trương sáp nhập”.

Thực tế cho thấy việc sáp nhập trường là một hướng đi tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề. Tuy vậy, không nên cứng nhắc trong phương án sáp nhập, mà cần căn cứ vào tình hình thực tế tại các địa phương để tìm ra phương án sáp nhập hiệu quả nhất. Đồng thời cũng nên sớm giao chỉ tiêu cho các trường TCN để không làm ảnh hưởng tới cơ hội học tập của học sinh. Với những thực tế từ các trường TCN đã đạt được, nên chăng UBND tỉnh Thanh Hóa cần xem xét tổng thể, lắng nghe kiến nghị từ các huyện, thị, thành phố trước khi có quyết định phù hợp.

HOÀNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh