THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:39

Trường Sơn – Một tượng đài bằng thơ

Con đường mòn huyết mạch nối hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam nước Việt. Con đường mòn - CON ĐƯỜNG CHẠY THẲNG VÀO TIM những người yêu nước, luôn khát khao đất nước mình thống nhất, hòa bình và giàu mạnh. Con đường ấy giờ đã thành đại lộ Hồ Chí Minh xuyên Việt. Giờ chạy xe bon bon trên con đường ấy, tâm trí của tôi luôn hiện lên ký ức xa xưa của một thời làm anh bộ đội vượt đèo lội suối với ba-lô trên lưng và khẩu súng trên vai cùng với những bài thơ bài hát như một hành trang tinh thần không thể thiếu trong cuộc chiến tranh vệ tổ quốc hào hùng và đau thương của dân tộc. 

Có thể nói, Trường Sơn là đề tài nổi bật trong thơ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dòng văn học chiến tranh cách mạng. Những người thanh niên của miền Bắc thuở ấy luôn ấp ủ giấc mơ “vượt Trường Sơn” đánh giặc. Và họ đã “vượt Trường Sơn” trên con đường mòn ấy. Họ không chỉ là người lính cầm súng, mà chính lòng yêu nước và tâm hồn lãng mạn cách mạng đã chắp cánh cho họ làm nên những bài thơ lưu danh vào sử sách. Và cũng có thể nói, Trường Sơn đã “đẻ” ra cho đất nước thật nhiều nhà thơ lính, mà Phạm Tiến Duật là một nhà thơ hàng đầu của thế hệ nhà thơ chống Mỹ cứu nước. Chính nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng thú nhận điều đó: “Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã “đẻ” ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ; và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn". Vâng, tâm hồn những người lính Trường Sơn thời ấy thật đẹp, họ nhìn cuộc chiến đấu đầy gian khổ hy sinh với cái nhìn lạc quan, và luôn tin vào chiến thắng: 

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân, trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Ðông Trường Sơn, nối tây Trường Sơn.
 

Và: 

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Những người lính ra trận hầu hết là lính trẻ, nhưng họ đã có những suy nghĩ thật sâu sắc về tình yêu nước:

Trời không mây mà lạ lắm hôm nay
Đường ra trận lòng ta thành náo động
Sờ lên súng thấy bàn tay mình nóng
Hiểu đốt lòng người đâu chỉ lúc xung phong.

(Hoàng Nhuận Cầm)

Và họ luôn mang theo truyền thống hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc:

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...

(Nguyễn Khoa Điềm)

Và họ biết phải dồn nén tất cả những gì cho ngày về chiến thắng:

Đất Nước
Của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng cứng như sắt thép
Xa nhau không hề rơi nước mắt 
Nứơc mắt để dành cho ngày gặp mặt

(Nguyễn Khoa Điềm)

Những nhà thơ trên con đường sinh tử ấy luôn hiểu được cái giá máu xương của cả dân tộc phải trả cho hòa bình thống nhất:

Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường quyết định,
Trong đời mỗi dân tộc cũng có những ngã ba
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên dặm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc
… ngã ba Đồng Lộc làm bằng xương máu.

(Huy Cận)

Ngay cả với cái chết, luôn được coi là sự hy sinh, là cao cả, là đẹp – vẻ đẹp của sự dâng hiến cho lý tưởng chung của cuộc chiến đấu:

Cái chết em xanh khoảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng.

(Lâm Thị Mỹ Dạ)

Cái chết của đồng đội, của người thân luôn là lời kêu gọi đối với người đang sống:

Em ra đi chẳng để lại gì
Ngoài ánh mắt cười lấp lánh sau hàng mi
Và anh biết khi bất thần trúng đạn
Em đã ra đi với mắt cười thanh thản
Bởi được góp mình làm ánh sáng ban mai
Bởi biết mình có mặt ở tương lai.

Anh sẽ sống đẹp những ngày em chưa kịp sống…

(Bùi Minh Quốc)

Thơ Trường Sơn cũng là thơ nói lên ý chí của cả một dân tộc trong cuộc chiến đấu chung. Vì vậy mà nó đồng điệu về tư tưởng, nó lạc quan về tinh thần và nó mạnh mẽ về giọng điệu. Nó như một giàn hợp xướng nhiều bè, nhưng lại quán xuyến trong tổng thể của giai điệu chính.

Những “nhà thơ Trường Sơn” thời đó làm thơ cho mình, nhưng cũng là làm thơ cho đồng đội, cho dân tộc mình trong dòng mạch cả dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Thời mà nhiều câu thơ cũng là câu khẩu hiệu, là lời hiệu triệu cho kháng chiến thành công. Thời mà thơ ào ào chất liệu cuộc sống chiến đấu. Thời của gian khổ, hy sinh, trên bom, dưới đạn, nhưng cũng đầy tính lạc quan thường trực của người lính chiến. Thời “có những ngày vui sao / cả nước lên đường” với những “tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu” để rồi những câu thơ như reo lên suốt đường ra trận: “Ðường ra trận mùa này đẹp lắm”, “Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!”… Cái nhìn của người lính vào cuộc chiến như vậy có lạc quan quá hay không? Có là sự thật hay không? Sau cuộc chiến nhìn lại thấy có gì như là tô hồng lên, nhưng thử sống lại tâm trạng những người lính thời đó thì quả là đúng như vậy. Những người lính ra đi từ cổng làng, từ cổng trường đại học, từ cổng trường trung học… vốn nhiều mơ mộng, lại sải chân tới những vùng quê, vùng rừng tươi đẹp của đất nước quả là gặp nhiều bất ngờ thú vị. Thời của “cái chết nhẹ như lông hồng” đối với những chàng trai cô gái tự nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân cho lý tưởng chung. Đó cũng là thời mà chính anh lính Trường Sơn Phạm Tiến Duật cũng bất ngờ phát hiện ra một “định luật” mang tính vật lý của cuộc sống: “Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”.

Nhưng không chỉ có mộng mơ, lạc quan và chiến thắng, thơ của những người lính Trường Sơn viết về Trường Sơn vẫn còn rỏ máu trong từng con chữ. Hàng vạn người lính đã nằm lại với Trường Sơn hùng vĩ. Hàng vạn bài thơ khóc bạn đã ra đời. Và hình như càng lùi xa cuộc chiến, nỗi đau càng thấm đẫm vào con chữ. Những người lính Trường Sơn xưa, nay trở lại Trường Sơn tìm bạn. Rừng đã khép lại vết thương chiến tranh, nhưng vết thương trong lòng người thì mãi còn rỉ máu. Những ngôi mộ có tên và không tên. Những bài thơ có đề và không đề. Tất cả đều hiện lên nỗi niềm người lính:

"Chết - Hy sinh cho Tổ quốc" Hùng ơi
Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng.

(Nguyễn Đức Mậu)

Đến cả tiếng ve cũng kêu “mất – còn”, cũng khắc khoải gọi người:

Ve kêu mất - còn

Tiếng kèn chiêu tập

Ve kêu mỏi mòn

Nhắc thời máu ứa

 

“Về chưa… về chưa?”

“Về chưa… về chưa?”

Cũng đành nhắc lại

Với mồ không tên và mộ có tên

(Nguyễn Hữu Quý)

Đến cả cỏ cũng xanh vì người đã khuất:

Những bó hoa đến viếng đã tàn đi

Chỉ sắc cỏ vẫn sinh sôi mãnh liệt

Xanh đến rợn người

Xanh đến nhức mắt

Xanh như là vì máu đỏ mà xanh

(Nguyễn Quang Tính)

Và Trường Sơn là núi, là đường, là mộ, nhưng Trường Sơn cũng là con đê chở che cho bạn hữu, chở che cho dân tộc trường tồn:

Ở đó, những con sóng chiến tranh dai dẳng không mùa

như răng kẻ xâm lược

cắn vào dân tộc tôi

cắn vào lục địa này…

bốc lửa cánh đồng bốc lửa rừng cây

dãy Trường Sơn máu ứa

dân tộc tôi mang thương tích đứng lên

trùng trùng rừng xanh núi đỏ

bao người con hy sinh

                                  sóng dạt vào đất đá

nhập với Trường Sơn dựng lũy thành…

(Nguyễn Trọng Tạo) 

Rồi những đời sau sẽ hiểu tâm hồn người lính một thời qua những bài thơ Trường Sơn thuở ấy, những bài thơ như những cột mốc, hoa tiêu hay tượng đài của sự hy sinh cao cả trên dọc dài lịch sử. Đấy là những bài thơ thể hiện một phần tâm hồn của những người lính, những nhà thơ gắn bó với Trường Sơn trong cuộc chiến tranh qua. Còn hàng nghìn, hàng vạn những bài thơ, những trường ca của lính và những người kháng chiến đã công bố hoặc chưa công bố. Và chúng ta đọc thơ họ, đọc tâm hồn lẽ sống của họ, đọc quá khứ vinh quang và cay đắng của dân tộc mình những năm ngàn cân treo sợi tóc, hẳn không khỏi tự hào về thời oanh liệt ấy, thời con đường 559 – đường Hồ Chí Minh -  đã nối liền đất nước bị cắt chia, đã làm nên chiến thắng vẻ vang trong công cuộc bảo vệ và kiến thiết Tổ quốc mình. 

Kỷ niệm xuyên Trường Sơn dọc đại lộ Hồ Chí Minh

Nhà thơ, nhạc sỹ: NGUYỄN TRỌNG TẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh