Những gương sáng trên đại ngàn Trường Sơn
- Dược liệu
- 13:06 - 23/06/2015
.
Người Vân Kiều, (tên tự gọi Bru), hay còn gọi là người Khùa, Mang Coong, Trì. Người Vân Kiều tại Việt Nam sinh sống nhiều nhất ở miền Tây của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình với tổng số khoảng 23 vạn người (theo kết quả điều tra dân số 2009). Trong đó họ sinh sống đông nhất ở tỉnh Quảng Trị, tại các huyện Đa Krông, Hướng Hóa và một ít ở huyện Vĩnh Linh.
Tuy cũng làm nương rẫy trồng lúa, ngô, khoai, sắn, chuối, bầu, bí, và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm như trâu, bò, lợn, gà, nhưng do biết tính toán trong làm ăn,... nên đời sống của đồng bào Vân Kiều đầy đủ hơn so với các tộc người khác sống cùng địa bàn. Nhờ đời sống vật chất đầy đủ, nên cuộc sống tinh thần của người Vân Kiều cũng đa dạng và phong phú. Họ dùng nhiều loại nhạc cụ như cồng, chiêng, đàn ta lư, kê amam, kèn pi, đàn môi, trống, sáo,... Người Vân Kiều có nhiều truyện cổ về sự tích loài người, dòng họ, nguồn gốc tổ tiên. Bên cạnh đó, các làn điệu dân ca của người Vân Kiều cũng đặc sắc và có nhiều nét riêng.
Người Bru – Vân Kiều có rất nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội cồng, chiêng, lễ hội cúng mùa,… Theo truyền thống, người Vân Kiều coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, ngoài ra còn thờ các thần linh như thần lúa, thần bếp, thần núi, thần đất, thần sông nước. Người Vân Kiều cho rằng vạn vật hữu linh. Vì vậy thần lúa, thần sông được sắp xếp thứ tự để thờ trong nhà và ngoài rừng với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đặc biệt là thần lúa được nâng lên cao nhất, được sùng bái với nhiều lễ thức quan trọng.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của đồng bào Vân Kiều.
Về trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc, như bao tộc người khác trên dải đất hình chữ S, người Bru – Vân Kiều luôn một lòng, một dạ đi theo Đảng, theo Bác Hồ. Người Vân Kiều càng tự hào hơn khi họ cùng với người Pa Cô anh em được lấy họ Hồ làm họ của mình. Dù là thế hệ trước hay thế hệ trẻ bây giờ, hình ảnh vị Cha già dân tộc luôn được người Vân Kiều khắc sâu trong khối óc lẫn trái tim. Họ bảo, nhờ Bác mà người Bru mới có được cuộc sống tốt đẹp của ngày hôm nay, nhờ Đảng mà người Vân Kiều không còn sống “những đêm tăm tối” trong những khu rừng già thiếu ánh điện, thiếu văn minh, trong những tập tục, hủ tục lạc hậu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Pả Thương, Bí thư Đảng ủy xã Thuận, cho biết: “Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số dọc theo vùng Lìa (huyện Hướng Hóa) nói chung, của đồng bào Vân Kiều nói riêng đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Từ khi bỏ lối canh tác “phát, đốt, cốt, trỉa”, may rủi nhờ trời để chuyển sang chăn nuôi, trồng trọt theo tiến bộ khoa học kỹ thuật, năng suất lao động của người Vân Kiều đã ổn định hơn. Mặt khác, nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn, biên giới, người Vân Kiều đã có điện lưới, có ti vi, xe máy, tủ lạnh để dùng; con em chúng tôi được đến trường; người dân đau ốm được chữa trị tại các trạm y tế xã, bệnh viện huyện,…”
Dù đã chuẩn bị nghỉ hưu, nhưng Bí thư Pả Thương vẫn miệt mài với công việc của mình.
Được biết, gia đình ông Pả Thương là một gia đình người Vân Kiều giàu truyền thống cách mạng. Cha ông là liệt sỹ thời kháng chiến chống Mỹ (hy sinh năm 1963). Bản thân ông từng tham gia dân quân du kích và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng ba. Vợ ông là thương binh và là một gương sản xuất giỏi của địa phương. Con ông hiện nay có một người đang học tại Học viện sỹ quan Lục quân 2, một người là giáo viên.
Kể về con đường đi theo Bác, theo Đảng của mình, ông Pả Thương nói : “Năm nay tôi tròn 32 năm tuổi Đảng rồi. Từ khi còn là một dân quân du kích, cho đến khi về làm cán bộ xã, tôi luộn dặn phải nỗ lực hết mình để xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của Bác Hồ. Năm 1975, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi về làm cán bộ xã. Giai đoạn từ năm 1980 – đến 1993 là Chủ tịch UBND xã; từ 1993 đến nay là Bí thư Đảng ủy xã. Như vậy tính ra, tôi có tới 28 năm làm công tác quản lý cơ đấy. Đó là một quá trình dài và đầy khó khăn, nhất là trong những năm đầu sau chiến tranh, công việc của một cán bộ địa phương là hết sức gian nan, cực khổ. Đời sống của người dân vô cùng thiếu thốn. Nhưng với tinh thần đoàn kết, cán bộ và người dân đã cùng chung lưng đấu cật vượt qua tất cả, để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.”
Theo Văn phòng Đảng ủy xã Thuận, năm nay ông Pả Thương đến tuổi về hưu, nhưng để tìm được một người lãnh đạo mẫu mực, luôn hết lòng vì dân, hiểu dân, và vì sự nghiệp của đất nước như ông là rất khó. Vì thế, xã Thuận sẽ mời ông Pả Thương tham gia vào Ban chấp hành Hội Người cao tuổi của xã, giữ chức Bí thư Chi bộ thôn Ốp Ly, để tiếp tục lãnh đạo động viên, khích lệ người dân hăng say, tích cực lao động sản xuất, học tập sớm hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới.
Tuổi đời đã ngoài 60, nhưng Pả Hiền vẫn hàng ngày hăng say lao động sản xuất.
Một tấm gương người Vân Kiều giàu tinh thần cách mạng khác ở xã Thuận là ông Pả Hiền, ở Bản 4. Pả Hiền tham gia du kích, rồi về làm cán bộ xã, với vai trò Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Công an xã và Trưởng ban Dân vận của xã. Cũng giống như Pả Thương, Pả Hiền được người dân tin yêu, đồng nghiệp kính trọng là nhờ sự năng động, luôn hết mình với công việc và biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ lợi ích tập thể. Khi Nhà nước có chủ trương làm đường dân sinh, ông đã tự nguyện hiến hơn 2ha đất của gia đình cho việc chung. Không chỉ là người đi đầu trong phong trào bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, Pả Hiền còn nêu gương trong phong trào phát triển kinh tế. Mặc dù tuổi ngoài 60, ông vẫn chủ động và sáng tạo trong lao động sản xuất. Với tổng diện tích trên 7ha đất trồng, Pả Hiền đầu tư trồng sắn, chuối và cao su. Bên cạnh đó, ông còn mạnh dạn vay vốn để nuôi dê. Việc làm của ông đã giúp kinh tế gia đình khá giả, có của ăn của để, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Tấm gương làm kinh tế giỏi của Pả Hiền đã khuyến khích nhiều hộ người Vân Kiều trong làng, trong xã, trong vùng học tập, noi theo.
Pả Thương và Pả Hiền thật sự là những đại diện tiêu biểu cho những người Vân Kiều kiên trung và mẫu mực. Để cuộc sống của đồng bào Bru – Vân Kiều ngày càng tốt đẹp hơn, phải tổng hợp sức mạnh của những người lãnh đạo, già làng cho đến sự sáng tạo, cần mẫn của người dân.
“Nhờ sự hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và các tổ chức trong, ngoài nước nên cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt và các công trình phúc lợi khác được đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu thiết yếu của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa có nhiều tiến bộ. Các chính sách về cán bộ, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cũng được quan tâm thực hiện tốt, góp phần giải quyết các vấn đề thiếu cán bộ lãnh đạo có chuyên môn cho cấp xã, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, nhận thức của bà con vùng dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao, đồng bào đã tiếp thu nhiều tiến bộ trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động, sản xuất. Nhiều gia đình đầu tư xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại mang lại hiệu quả cao và ngày càng được nhân rộng. Nhờ vậy, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân miền núi được nâng cao đáng kể, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và giữ vững, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, các phong tục tập quán lạc hậu được loại bỏ, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá, giàu trong đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng tăng”. Báo cáo của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị). |