THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:27

Nhớ hoài tuyến lửa Trường Sơn

.

Hành trình một người lính

Cựu chiến binh Đinh Công Nguyệt, hiện sống tại ấp Bình Long (xã Thái Bình, huyện Châu Thành, Tây Ninh). Như bao thanh niên ngày ấy, tháng 9/1965, ông xếp bút nghiên lên đường cứu nước. Lúc đầu ông được phân công làm việc tại Trung đoàn 10 Công binh, tại đây ông cùng đồng đội đảm nhận nhiệm vụ mở tuyến Đường 20 Quyết Thắng từ tỉnh Quảng Bình đến tận huyện Muang Bualapha tỉnh Khămmuộn (Lào). Khoảng 2 năm sau, ông bị sốt rét nặng và  cùng với gần 20 đồng đội khác được đơn vị đưa ngược lại Đường 20 Quyết Thắng ra miền Bắc điều trị. Trên đường đi xe bị bom Mỹ hất tung, đồng đội hy sinh gần hết, ông Nguyệt may mắn sống sót. Từ một bệnh binh ông đã trở thành thương binh, được đưa đi chữa trị tại Quân y viện Quân khu 4 đóng tại Thanh Chương, Nghệ An. Khi sức khỏe hồi phục, đơn vị cử ông Nguyệt đi học lớp quân y tại Quảng Bình. Nhận bằng y sĩ, ông tiếp tục đi học lớp trung- cao cấp chính trị do Bộ Tư lệnh 559 mở. Học xong, ông được phân về làm việc tại Binh trạm 44 (đóng tại bản Đak Cheung, tỉnh Sêkông, Lào), được giao nhiệm vụ Trưởng trạm quân y tiền phương.  

Ông Nguyệt thăm mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Nhạ tại Nghĩa trang Trường Sơn. 

Trong khoảng thời này, do tình hình thiếu thốn thuốc men để điều trị bệnh sốt rét cho bộ đội và bà con dân tộc Lào trên địa bàn, ông Đinh Công Nguyệt đã có nhiều sáng kiến hay trong việc điều trị và cứu được rất nhiều người. Người dân nơi đây gọi ông với cái tên thân mật là Bun Nghiêng (anh Nguyệt). Sống hòa đồng, năng động, làm hết trách nhiệm của một người thầy thuốc nên ông để lại ấn tượng tốt trong dân. Do được người dân ở Đak Cheung yêu mến, sau này ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vận động các bản dân tộc Lào trong khu vực giúp đỡ lương thực cho bộ đội lúc gặp khó khăn…

Năm 1972, ông Nguyệt được đơn vị phân công về Ban quân y Sư đoàn 471, rồi được cử đi học bổ túc quân y và chính trị cao cấp, đến năm 1974 thì về phục vụ tại Sư đoàn 377 cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau năm 1975, đơn vị về tiếp quản Sài Gòn, ông đóng quân tại sân bay Tân Sơn Nhất một thời gian rồi trở về quê sống cuộc đời bình dị.

Ông Đinh Công Nguyệt (thứ 3, bên phải) cùng các đồng đội.

Hồn thơ “thời máu lửa”

Ông Nguyệt vẫn kể với các con, cháu rằng, ở “thời máu lửa” đó có hàng triệu thanh niên như ông xung phong lên đường ra mặt trận. Ai cũng có tình yêu đối với Tổ quốc, với đồng đội và thậm chí là tình yêu nam nữ; rồi ai cũng cảm nhận được sự khốc liệt, gian khổ, hy sinh của cuộc chiến… đó là cả một quá trình dài để đi đến ngày thống nhất đất nước. Những tháng ngày đó là dấu ấn lịch sử, là  kỷ niệm đầy tự hào và không thể phai nhòa của những anh lính bộ đội Trường Sơn. Và, dấu ấn về “thời máu lửa” đã được ông Nguyệt ghi chép lại trong vần thơ của mình chính trong những ngày ông quanh quẩn chăm sóc luống rau, đàn gà…

Đinh Công Nguyệt không phải là nhà thơ nổi tiếng và ông cũng chưa từng xuất bản tập thơ, chưa một lần học qua trường lớp thơ, văn nào. Ông bảo: “Tôi chỉ là tay ngang làm thơ để tặng bạn bè, tặng đồng đội cả với người còn sống và vong linh người đã mất. Làm thơ là cách để tôi động viên, an ủi, tưởng nhớ và tri ân những người lính đã làm nên lịch sử vinh quang cho Tổ quốc”.

Cựu chiến binh Đinh Công Nguyệt trong vườn ổi sau nhà. 

Khiêm tốn thì ông nói vậy chứ thực ra ông của Đinh Công Luyện vẫn thường được báo chí đăng lại. Quả thật, ai đọc thơ ông ấn tượng đầu tiên là xúc cảm và sự thật ngoài đời. Ví như trong bài Cảm xúc đường Hồ Chí Minh có đoạn: “Bộ đội thông tin/ Khẩn cấp gọi nhau/ Bằng gan vàng dạ ngọc/ Đứt dây rồi/ Nối dây bằng chính thân mình/ Căn liều chỉ huy/ Bên hố bom thù/ Những mái đầu tóc bạc/ Tin tức truyền về/ Nóng bỏng hờn căm/ Mệnh lệnh truyền đi/ Chính xác từng giây, từng phút/ Mỗi chuyến xe qua/ Mỗi tin đồng đội/ Mái tóc bạc rung/ Thương lắm những con người/ Ai qua trên tuyến lửa này/ Cấp trên cấp dưới xum vầy anh em…”.

Cũng trong bài thơ này, nhưng lại có đoạn cho thấy Đinh Công Nguyệt không phải “tay ngang” chút nào, rất nghệ thuật và mang nặng sức chiến đấu: “Văn công các em! Hát trong biển lửa/ Hôm qua san đá mở đường/ Hôm nay em hát bom thù lặng câm/ Phấn son em có bụi đường/ Áo quần trang trí màu nâu chiến trường/ Bom rơi em hát vang lừng/ Trường Sơn Đông vẫn nối Trường Sơn Tây”.

Tình yêu trong thơ ông là động lực để chiến đấu và để dành cho ngày gặp mặt, như trong bài Nhớ các chị các em mở đường, có đoạn: “Các em nhớ không lá thư viết vội/ Cứ chập chờn trong đáy chiến ba lô/ Tuổi xuân trôi qua chưa ngày được hẹn/ Vẫn hồn nhiên trong khói lửa đạn bom cày… Tiến về Sài Gòn, Sài Gòn đây anh đợi/ Giọt nước mắt mừng em cứ khóc nữa đi em”. Cũng có khi thơ của Đinh Công Nguyện nói về tình yêu tuổi đôi mươi rất ngây ngô, như kiểu “chưa nắm tay nhau, chưa ngồi sát lại” nhưng lại rất cảm động, lãng mạn và chân thật. Đó là bài Nhớ em, anh gọi em đồng chí:Nhớ ngày xưa Trường Sơn/ Em đến nơi anh chỉ một lần/ Gọi em là: Hoa trên đỉnh núi/ Em chỉ tủm tỉm cười/ Đồng hương ơi nhớ lắm/ Chí anh hùng Tổ quốc gọi tên em!”. Đây là bài thơ nói về mối tình giữa ông và Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Nhạ (hy sinh năm 1967, Trung đội trưởng, Tiểu đoàn 33 Công binh, Binh trạm 14).

Không chỉ làm thơ thời chiến, ông Nguyệt còn làm thơ cả thời bình. Đó là những bài thơ nói về tình mẫu tử, tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí, đồng đội. Có thể kể tên một số bài quen thuộc như: Thơ con tặng mẹ, Quê tôi, Thăm núi Bà Đen, Tây Ninh quê hương tôi (được phổ thành nhạc), Chúng con đi giữ biển trời, Trời biển Việt Nam, Nhớ về Đại Tướng

Ông Đinh Công Nguyệt vui cùng cháu nội .

Là  cựu chiến binh tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng Đinh Công Nguyệt vẫn không ngừng lao động và cống hiến. Ông hiện đang là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh. Ông vẫn sáng tác thơ đều đặn và là một nhà nông cần cù.

Đinh Công Nguyệt là một trong những người có công đầu trong việc vận động thành lập Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh. Ông đã đi khắp các huyện trong tỉnh để liên hệ với các Hội CCB, Hội cựu TNXP để tìm ra những đồng đội đã hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa và tham gia vào tổ chức. Sau nhiều năm kiên trì hoạt động, hiện nay số cán bộ, chiến sĩ tham gia đã lên đến 114 người.

Bên cạnh việc làm tròn nhiệm vụ của một Trưởng ban, ông Nguyệt còn liên hệ với các đơn vị lực lượng vũ trang, các trường học, cơ quan đoàn thể, tổ chức thanh niên… trong tỉnh Tây Ninh để tuyên truyền, giáo dục cho thế hệ trẻ, ôn lại những truyền thống cách mạng vẻ vang của đường Trường Sơn lịch sử. Mặt khác, ông Nguyệt còn vận động các hội viên đoàn kết, giúp đỡ tương trợ cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục củng cố và không xây dựng hội.

Tôi đến thăm nhà ông lúc đứng trưa, nhưng vẫn thấy ông cần mẫn chăm đàn gia cầm và ao cá. Tay run, chân yếu, nhưng phong thái của người lính vẫn tinh nhanh, vẫn ngâm thơ và kể chuyện hay. Buổi chiều ông Nguyệt lại dẫn tôi ra vườn ổi sau nhà để hướng dẫn tôi cách chăm sóc và thu hoạch... Chia tay ông Nguyệt ra về mà lòng tôi thầm thán phục: Phải có những con người như ông hoặc hơn thế nữa mới “xẻ dọc” được dải Trường Sơn đi cứu nước.

Quốc Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh