Trường lớn thiếu thí sinh, vì sao?
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:29 - 21/08/2016
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM ngày 20.8
Trường y cũng tuyển bổ sung
Bất ngờ lớn nhất là trong danh sách các trường công bố xét tuyển nguyện vọng bổ sung có cả những trường ĐH lớn mà trước tới nay chưa bao giờ nghĩ đến việc không tuyển đủ chỉ tiêu. Trường ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển được khoảng 3/4 chỉ tiêu. Tất cả các ngành đều thiếu thí sinh (TS), ngay cả ngành y đa khoa. Còn ở phía nam, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết trừ ngành y đa khoa tuyển đủ chỉ tiêu, trường sẽ xét tuyển bổ sung tất cả các ngành còn lại. Rất nhiều trường lớn khác cũng trong cảnh tương tự. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ xét thêm 800 chỉ tiêu. Học viện Báo chí và Tuyên truyền tuyển 500 chỉ tiêu. Trường ĐH Ngoại thương tuyển 100 chỉ tiêu cho cơ sở Quảng Ninh. Trường ĐH Thương mại tuyển 1.450 chỉ tiêu. Học viện Ngoại giao cũng sẽ xét tuyển 5 ngành học với điểm xét tuyển là 21 (trừ ngôn ngữ Anh lấy 30 điểm - môn tiếng Anh nhân hệ số 2).Các trường thường được xem là “tốp giữa” càng thiếu chỉ tiêu nhiều hơn. Đến lúc này, các trường ĐH như: Thủy lợi, Xây dựng, Mỏ - Địa chất, Sư phạm TP.HCM, Tài chính - Marketing, Công nghệ thực phẩm TP.HCM, Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Sài Gòn, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM… đều đã thông báo xét tuyển bổ sung.
Những năm trước, rất ít trường ĐH công lập xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đây là đợt xét tuyển chủ yếu dành cho các trường ngoài công lập. Năm nay, tình hình lại thay đổi. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trường nhận được khoảng 8.000 hồ sơ. Số lượng TS được gọi nhập học là hơn 4.000, nhưng chỉ khoảng 2.000 TS nhập học ĐH và 200 CĐ. Khi họp hội đồng tuyển sinh, đã có ý kiến nên gọi nhập học khoảng 150% chỉ tiêu nhưng vì sợ vượt quá chỉ tiêu, trường chỉ gọi hơn 30%. Kết quả là thiếu gần 600 chỉ tiêu.Còn tiến sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết trường cũng đã trừ đi số TS trúng tuyển trường khác và xác định gọi nhập học dư khoảng 40%. “Ai ngờ xác định mức ảo cao như vậy vẫn không tuyển đủ”, ông Tuấn than.
Nguồn dữ liệu hay phương thức xét tuyển có vấn đề ?
Theo tiến sĩ Hứa Minh Tuấn, đây không phải là hiện tượng đơn lẻ mà diễn ra trên toàn quốc, xuất hiện ở cả những trường lớn nhất nước. “Như vậy, phải chăng nguyên nhân đến từ nguồn dữ liệu của Bộ GD-ĐT có vấn đề? Không có lý do gì mà các trường xác định hết số lượng TS ảo vào trường cao như vậy mà lại không đủ chỉ tiêu được?”, ông Tuấn đặt vấn đề.
Cán bộ tuyển sinh một trường ĐH khác thì nhận định nguyên nhân nằm ở phương thức xét tuyển năm nay, tạo ra số lượng ảo quá lớn, không thể tính toán được. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng nguyên nhân là phương thức xét tuyển năm nay các trường không tính toán đúng số lượng TS vào trường. Nếu tính theo lý thuyết, muốn đủ chỉ tiêu phải tuyển đến 200%. Nhưng nếu lỡ vượt chỉ tiêu thì Bộ sẽ xử phạt. Còn PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi lý giải có thể TS trúng tuyển vào trường nhưng không đúng ngành yêu thích nên chọn trường khác!
Thêm nhiều trường xét tuyển bổ sungTrường ĐH Kinh tế - Luật xét tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu với mức điểm 18 trở lên (tổ hợp khối A, A1 và D1). Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xét tuyển bổ sung 23 ngành với điểm nhận hồ sơ từ 17 trở lên (hệ đại trà). Trường ĐH Sài Gòn xét tuyển 580 chỉ tiêu bổ sung nhiều ngành với mức điểm nhận hồ sơ từ 15 - 17 điểm. Trường ĐH Mở TP.HCM xét tuyển bổ sung 380 chỉ tiêu cho 10 ngành. Trường ĐH Đà Lạt tuyển 2.108 chỉ tiêu của 23 ngành đào tạo. Mức điểm nhận hồ sơ tất cả các ngành đều 15.Trường ĐH Văn Lang xét tuyển 935 chỉ tiêu cho 18 ngành của trường.Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học xét tuyển 15 điểm cho tất cả các ngành.Trường ĐH Văn Hiến xét tuyển 1.450 chỉ tiêu cho 14 ngành bậc ĐH, 8 ngành bậc CĐ. |