THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:35

Trường ĐHDL Phương Đông: Nhiều “khuất tất” trong việc chi tiêu tài chính

 

 

Chi tiền tỉ sai nguyên tắc
Theo giải thích của lãnh đạo trường Đại học Dân lập Phương Đông, xuất phát từ chủ trương đầu tư dự án “Thành phố Giáo dục Phương Đông” tại huyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch HĐQT kiêm trưởng ban dự án đã quyết định chi tạm ứng 1.450 triệu đồng từ quỹ đầu tư phát triển của nhà trường.
Đây là quỹ thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành thu chi của HĐQT nhà trường, do đó chủ tịch HĐQT ký quyết định chi tiền là đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, công văn nêu trên cũng đã thừa nhận: “Song nếu căn cứ vào điều 4 NQ số 76HĐQT (ngày 19.2.2004) thì việc chủ tịch ký chi số tiền 1.040 triệu đồng, lớn hơn 50 triệu là vượt thẩm quyền”(?).
Có lời giải thích và nhận trách nhiệm chi tiền vượt thẩm quyền nêu trên là bởi tại điều 4 quy định về duyệt chi của Nghị quyết 76 NQ/ĐHPĐ/HĐQT của nhà trường đã quy định rất rõ: để được chi đến 50 triệu đồng, Chủ HĐQT và Hiệu trưởng nhà trường phải hội ý và phải có dự trù, dự án, đề án, hợp đồng. Còn nếu mức chi lớn hơn 50 triệu đồng thì phải được tập thể HĐQT thông qua, và để được chi tiền phải phải có báo cáo nghiên cứu khả thi; có dự án, hợp đồng…
Quy định của nhà trường là như thế, nhưng Chủ tịch HĐQT nhà trường đã tự ý duyệt chi 1.040 trệu đồng mà không hề có những việc làm theo quy định của nghị quyết 76. Trước đó, Phó Hiệu trưởng là ông Vũ Phán cũng đã ký chi số tiền 410 triệu đồng khi chưa có Nghị quyết HĐQT và chi tiền cho dự án “Thành phố giáo dục Phương Đông” trong lúc dự án này chưa dự toán. Đây là những việc làm trái của lãnh đạo nhà trường trong việc quản lý tài chính được quy định tại Nghị quyết 76NQ/ĐHPĐ/HĐQT của trường Đại học Dân lập Phương Đông.
Được biết, ngoài những vụ việc nêu trên, việc cố tình chi sai nguyên tắc còn được lặp lại khi ông chủ tịch HĐQT ký quyết định chi số tiền khoảng 9 tỉ đồng cho công tác kỷ niệm 20 năm thành lập trường mà không thông qua HĐQT; Rồi các khoản chi cho cán bộ ngân hàng xin hỗ trợ lãi xuất, chi cho dự án Yên Hòa… cũng đã từng được cán bộ kiểm toán nhắc nhở do làm không đúng quy định. Điều này cho thấy, việc làm sai thẩm quyền, trái nguyên tắc đã diễn ra có hệ thống ở trường Đại học Dân lập Phương Đông.
Tiền “bôi trơn” được coi là… thất thoát
Về mục đích sử dụng số tiền 1.450 triệu chi sai nguyên tắc nêu trên, theo giải thích từ phía trường Đại học Dân lập Phương Đông thì đó là số tiền được chủ tịch HĐQT giao cho ông Hoàng Đức Vinh - là thành viên tiểu ban của dự án, đồng thời là trợ lý trưởng ban dự án trực tiếp nhận để chi theo sự chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT.
Theo giải trình của ông Hoàng Đức Vinh, số tiền nêu trên chỉ có 55 triệu đồng là có chứng từ do việc chi trả thực hiện hợp đồng về việc khảo sát đo vẽ bản đồ. Số còn lại được chi cho các khoản tiếp khách, chiêu đãi các ban ngành đoàn thể của tỉnh Bắc Ninh có liên quan đến việc xin cấp đất của nhà trường. Tuy nhiên, việc chi tiêu này không hề có giấy tờ hóa đơn chứng minh cho việc chi tiêu khoản tiền nêu trên.
Trả lời câu hỏi nhà trường đã làm những gì để thu hồi khoản tiền chi sai nguyên tắc ? Phía nhà trường khẳng định, toàn bộ số tiền “bôi trơn” nêu trên cho đến nay chưa thu hồi được. Sau khi có quyết định chấm dứt không thực hiện dự án xin đất Bắc Ninh, ngày 24.3.2013 HĐQT đã ra nghị quyết số 895/NQ-HĐQT về việc quyết toán số tiền tạm ứng trong giai đoạn đầu của dự án. Theo đó, HĐQT thống nhất kinh phí dự án xin đất Bắc Ninh cần quyết toán theo chế độ kế toán của nhà nước đối với trường đại học ngoài công lập. Cụ thể những khoản chi có đủ chứng từ thì quyết toán chi. Những khoản chi chưa đủ chứng từ thì đưa vào tài khoản phải thu.
Về “số phận” của khoản tiền “bôi trơn” nêu trên, lãnh đạo nhà trường trong công văn trả lời Báo Lao Động đã cho biết: “Cho đến thời điểm này, mặc dù Hiệu trưởng vẫn tiếp tục chỉ đạo bộ phận Tài vụ tìm biện pháp phải thu, song vẫn chưa thu được, và nếu đến hết nhiệm kỳ 2 trong biên bản bàn giao cho HĐQT trường đại học tư thục mà vẫn không thu hồi được thì có thể coi là số tiền bị thất thoát – rủi ro trong đầu tư”.
Với cách trả lời nêu trên có thể thấy phía nhà trường có thể sẽ đưa số tiền chi sai nguyên tắc nêu trên vào diện “thất thoát”, “rủi ro”, và nhà trường sẽ mất đi khoản tiền này bởi phía nhà trường không hề cung cấp được bằng chứng nào thể hiện việc thực hiện các biện pháp thu hồi số tiền đã chi sai nêu trên.
Theo đơn thư phản ánh tới Báo Lao Động, cho đến nay việc chi sai nguyên tắc số tiền 1.450 triệu đồng nêu trên hiện nhà trường vẫn chưa công khai. Hầu hết cán bộ giáo viên nhà trường (kể cả ủy viên HĐQT) đều không biết thực chất số  tiền này được chi vào đâu? Ai là người chi? vì sao không thu hồi được số tiền chi sai nguyên tắc?
Nói về việc HĐQT nhà trường đã ra nghị quyết số 895/NQ-HĐQT để quyết toán số tiền chi cho dự án đất Bắc Ninh, trong đơn thư phản ánh với Báo Lao Động các ý kiến đã cho rằng, đây là việc làm của lãnh đạo nhà trường nhằm đối phó với Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an lúc đó đang vào xác minh những sai phạm xảy ra tại trường Đại học Dân lập Phương Đông.
Bằng việc ra nghị quyết số 895/NQ-HĐQT với nội dung “HĐQT thống nhất kinh phí dự án xin đất Bắc Ninh cần quyết toán theo chế độ kế toán của nhà nước đối với trường đại học ngoài công lập. Cụ thể những khoản chi có đủ chứng từ thì quyết toán chi. Những khoản chi chưa đủ chứng từ thì đưa vào tài khoản phải thu”. Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an thấy hành vi vi phạm trong việc chi 1.450 triệu đồng nêu trên chưa có dấu hiệu cấu thành tội phạm, nên đã chuyển giao cho Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, suốt thời gian dài sau đó, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Phương Đông đã không có bất kỳ động thái nào để thực hiện việc thu hồi lại số tiền này.
Còn trả lời Báo Lao Động, Ban giám hiệu nhà trường đã thằng thắng trả lời rằng: “… đến hết nhiệm kỳ 2 trong biên bản bàn giao cho HĐQT trường đại học tư thục mà vẫn không thu hồi được thì có thể coi là số tiền bị thất thoát – rủi ro trong đầu tư”.  
Với cách chi tiêu tài chính sai trái và không công khai minh bạch nêu trên, nội dung phản ánh trong đơn thư cho rằng: Liệu những đồng tiền đầu tư vào trường Đại học Dân lập Phương Đông có được thực hiện đúng theo mục đích và chủ trương xã hội hóa giáo dục hay để một vài cá nhân trong trường lợi dụng “đục khoét”... là có cơ sở. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh