THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:01

Đóng bổ sung BHXH cho 770 công nhân tại Formosa, liệu có khuất tất?

Ông Lê Hùng Sơn cho biết, Ninh Bình là nơi Nibelc đặt trụ sở chính và thực hiện nghĩ vụ nộp bảo hiểm xã hội cho công nhân, tuy nhiên theo đối chiếu thì danh sách các nạn nhân gặp nạn tại công trường không nằm trong danh sách lao động được đóng bảo hiểm.

Rõ ràng, việc nhà thầu Nibelc tìm đến đóng đăng ký bảo hiểm xã hội bổ sung cho 770 công nhân, mà đáng chú ý là lại đóng từ tháng 1 tức là đóng bù gần 3 tháng cho công nhân trong lúc xử lý vụ tai nạn nghiêm trọng này khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi, rằng có hay không những khuất tất trong việc đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân và cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Hiện trường vụ sập giàn giáo tại Hà Tĩnh

Theo luật việc làm 2013, những người lao động có hợp đồng trên 3 tháng sẽ phải đóng 3 loại bảo hiểm bắt buộc đó là bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp với tổng mức 32,5 % lương cơ bản. Trong đó người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng 22,5% và người lao động phải tự đóng 10%. Tuy phía công ty samsung C&T khẳng định toàn bộ công nhân bị tai nạn tại công trường đều được mua bảo hiểm tại công trường. "Công ty đã kiểm tra và được Nibelc (nhà thầu phụ của samsung C&T đang cung cấp khoảng 1000 lao động cho công trình) xác nhận các công nhân làm tại công trường đều được mua bảo hiểm. Các công nhân có thể không biết về chính sách nhưng họ sẽ được hưởng bảo hiểm khi bị tai nạn theo đúng quy định", đại diện của samsung C&T cho biết. Thế nhưng tại bệnh viện đa khoa Kỳ Anh tỉnh Hà tĩnh, không ít công nhân vụ sập giàn ráo tại công trường cho biết là họ không được đóng hoặc chỉ được đóng một phần bảo hiểm xã hội theo quy định. 

Theo Nguyễn Minh Phương (24 tuổi, ngụ xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), anh được Nibelc Việt Nam tuyển vào làm việc công trường Formosa từ hơn 2 năm, với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Cũng theo anh Phương, từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2013, công ty có trừ lương 185.000 đồng/tháng của anh để đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, sau đó không hiểu vì lý do gì mà họ đã cắt, không đóng bảo hiểm cho anh nữa. Từ sau tháng 9/2013 đến nay, anh Phương không được đóng bảo hiểm và không có thẻ bảo hiểm. Ngoài anh Phương, một số công nhân bị thương trong vụ sập giàn giáo tại công trường Formosa cũng cho biết, mỗi lao động được tuyển dụng đều phải đóng thêm một khoản “tiền cọc” từ 2 - 5 triệu đồng, tùy vào thời điểm cụ thể.

Bà Phạm Thị Ý, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, khoảng tháng 6/2013, Công ty Nibelc Việt Nam có đăng ký đóng bảo hiểm xã hội cho một số công nhân tại đơn vị này. “Nhưng chỉ đóng được 3 - 4 tháng gì đó thì không thấy họ đến đóng bảo hiểm cho công nhân nữa, giờ chúng tôi không biết họ đã đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân ở đâu”- bà Phạm Thị Ý cho biết.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đoàn công tác vào thanh, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ của 13 lao động tử vong, 28 lao động bị thương và toàn bộ lao động của Công ty Nibelc Việt Nam, đang làm việc tại công trường thi công cầu cảng Sơn Dương cho Công ty Samsung C&T (Hàn Quốc), để tìm hiểu sâu hơn về vụ việc, trong đó có vấn đề quyền lợi bảo hiểm của người lao động.

H.M (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh