Trường Đại học Hà Tĩnh đào tạo gần 12.000 lưu học sinh Lào
- Giáo dục nghề nghiệp
- 08:40 - 08/07/2022
Việt Nam và Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1962, mở ra một chương mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quan hệ giữa hai dân tộc. Với nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của mối quan hệ đặc biệt này, hai bên đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, khẳng định tình cảm vô tư, trong sáng, cam kết cùng kề vai sát cánh trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, hòa bình, phát triển của mỗi nước.
Là hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, quan hệ gắn kết anh em giữa Việt Nam và Lào đã được hình thành và hun đúc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện, gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước Việt - Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Suphanouvong kính yêu đã đặt nền móng. Mối quan hệ trong sáng, thủy chung và hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Lào đã được các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, ngày càng đơm hoa kết trái và trở thành di sản vô giá cho các thế hệ con cháu của hai nước.
Là người đồng chí gần gũi thân thiết của nhân dân các bộ tộc Lào anh em, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn tự hào về những thành tựu mà nhân dân các bộ tộc Lào đã giành được; tin tưởng nhân dân các bộ tộc Lào, phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất và tinh thần lao động cần cù sáng tạo, sẽ tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.
Với tỉnh Hà Tĩnh, địa phương có biên giới chung với 2 tỉnh Bôykhămxay và Khăm Muộn (Lào) luôn kề vai sát cánh cùng nước bạn Lào trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng tạo nên thành công cho nước Lào như hiện nay.
Hà Tĩnh và các tỉnh Bôykhămxay, Khăm Muộn… đã có sự phối hợp trong phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, quốc phòng, an ninh...
Hiện tại, Hà Tĩnh là tỉnh tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và các chuyên ngành đại học, cao đẳng cho cán bộ, học viên các tỉnh của Lào đông nhất cả nước.
Riêng Trường Đại học Hà Tĩnh, trong quá trình xây dựng, đổi mới và phát triển đã xác định mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo vừa là hướng đi để khẳng định vị thế của Nhà trường, đồng thời mở rộng ảnh hưởng, uy tín đào tạo của Nhà trường trong tiến trình hội nhập và đào tạo quốc tế.
Nhận thức rõ về nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, góp phần xây đắp mối quan hệ sâu sắc giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh có chung biên giới quốc gia, từ năm 2007, Trường Đại học Hà Tĩnh đã bắt đầu hợp tác đào tạo với các tỉnh của Lào, từ đó đến nay sau nhiều năm triển khai chương trình hợp tác đào tạo, Nhà trường đã có quan hệ hợp tác với 15 tỉnh của nước CHDCND Lào.
Trong 15 năm qua, Nhà trường đã đào tạo gần 12.000 lưu học sinh và là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho nước bạn Lào. Nhiều lưu học sinh sau khi tốt nghiệp trở về nước làm việc đã chứng tỏ được năng lực bản thân, đảm nhận các vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, qua đó đã góp phần tích cực vào việc xây dựng đất nước Lào giàu đẹp.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (05/9/1962 - 05/9/2022) và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2022),Trường Đại học Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều chương trình giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ, tổ chức các chuyến đi dã ngoại, đón Tết cổ truyền của Lào và tặng học bỗng cho các em lưu học sinh Lào có hoàn cảnh khó khăn vượt khó vươn lên trong học tập...
Hiện cán bộ, giảng viên và HSSV Trường Đại học Hà Tĩnh đã và đang làm hết sức mình để vun đắp thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt, sự hợp tác toàn diện Việt - Lào, vì lợi ích của nhân dân hai dân tộc.
Qua đó, tạo điều kiện cho các em lưu học sinh Lào phát huy hết khả năng để đóng góp sức lực, trí tuệ của mình góp phần làm cầu nối để xây dựng tình đoàn kết, gìn giữ và phát huy truyền thống trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước và sự hợp tác với Nhà trường.