Tăng cường hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội
- Bài thuốc hay
- 17:52 - 19/10/2021
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Vilayphong Sysomvang, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Hợp tác quốc tế đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH và Bộ LĐ&PLXH Lào; Đại sứ quán Lào tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào; các đối tác, hiệp hội doanh nghiệp, các trường đại học trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH.
Thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh: Trong những năm qua, hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ LĐ&PLXH Lào đang trở nên ngày càng thiết thực trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hữu nghị, đoàn kết và truyền thống lâu đời giữa hai Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ: “Chỉ tính riêng đợt dịch lần thứ 4, tại Việt Nam đã có trên 864.000 người bị nhiễm bệnh (khoảng 785.000 người đã khỏi bệnh), cướp đi hơn chục ngàn sinh mạng, khiến nhiều gia đình bị mất người thân và có hàng ngàn em nhỏ bị mất cha hoặc mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ. Đại dịch làm nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng tới việc làm và thu nhập của hàng triệu người. Trước diễn biến cực kỳ phức tạp của đợt dịch thứ 4, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết định mang tầm chiến lược để thay đổi, chuyển hướng phù hợp tình hình, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân vì hạnh phúc và ấm no cho nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành việc bao phủ tiêm vaccine thần tốc tại những tỉnh có tỷ lệ và nguy cơ cao như Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội…, chi viện nhân viên y tế cho các tỉnh bị tác động nghiêm trọng bởi đại dịch. Chính phủ cũng đã đưa ra gói hỗ trợ mới mở rộng các nhóm đối tượng được hưởng lợi, giảm 2/3 số thủ tục hành chính để tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn cho người dân. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, gói hỗ trợ mới còn có hỗ trợ cho lao động đang mang thai và nuôi con nhỏ, viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, lao động không có giao kết hợp đồng, hỗ trợ cho hộ kinh doanh, tiền ăn đối với người điều trị Covid-19 và trẻ em phải điều trị và cách ly”.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cũng đánh giá cao nỗ lực duy trì thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội giai đoạn 2019-2021. Hai nước đã tích cực phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về hợp tác lao động trong Kỳ họp lần hai của Tổ công tác về thực hiện Hiệp định hợp tác lao động Việt Nam – Lào 2013. Mặc dù Covid ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động nhưng hai Bộ vẫn linh hoạt để thực hiện hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội và người có công. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, từ những hợp tác ban đầu về đào tạo nguồn nhân lực giữa hai Bộ thông qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đào tạo ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam cho hàng trăm lượt cán bộ làm công tác lao động xã hội, các giáo viên dạy nghề của Lào. Tới nay, hai nước đã đa dạng hóa nhiều hình thức hợp tác khác nhau. Đó là việc hỗ trợ thiết bị đào tạo một số ngành nghề quan trọng của Lào như công nghệ ô tô, điện, điện tử và công nghệ thông tin từ nguồn vốn của công ty Văn Lang; huấn luyện hàng trăm lượt chuyên gia và thí sinh Lào tham dự các kỳ thi tay nghề ASEAN bằng nguồn vốn ODA của Chính phủ Việt Nam... ; hỗ trợ đào tạo cao đẳng, đại học và sau đại học cho hàng trăm sinh viên Lào tại các trường đại học SPKT Vinh, SPKT Vĩnh Long, SPKT Nam Định, Đại học Lao động - Xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Hai bên đang cùng nhau đẩy mạnh hợp tác kết nghĩa giữa các cơ sở đào tạo nghề Việt Nam – Lào và hợp tác trong khuôn khổ khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong...; đồng thời đã khởi động đàm phán hiệp định hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực và kỹ năng nghề.
Chia sẻ về những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến cho một số hoạt động hợp tác giữa hai Bộ không thể tổ chức được như: Việc trao đổi đoàn cấp cao, các Hội nghị, diễn đàn, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, thỏa thuận trao đổi lao động…, ông Vilayphong Sysomvang, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Hợp tác quốc tế, Bộ LĐPLXH Lào khẳng định, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mối quan hệ hợp tác giữa hai Bộ vẫn luôn được duy trì thông qua các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là các hoạt động trao đổi về lao động, giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội… Hiệu quả hợp tác giữa hai Bộ đã góp phần vào mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào và hy vọng trong thời gian tới quan hệ hợp tác giữa hai bên sẽ ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về lao động và phúc lợi xã hội
Tại Hội thảo, hai bên đã thống nhất về những thành tựu, khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện Biên bản kỳ họp Hội nghị Bộ trưởng Lao động lần thứ 6 và và thống nhất nội dung Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ cũng như dự thảo Biên bản kỳ họp lần 7 nhằm tạo sở quan trọng để chuẩn bị tốt cho Hội nghị Bộ trưởng Lao động và Phúc lợi Xã hội lần thứ 7 giữa hai nước dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11/2021; đồng thời trao đổi về những hình thức hợp tác, nhất là những hình thức hợp tác mới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Cụ thể là:
Về lĩnh vực lao động: sẽ tăng cường phối hợp trong việc thực hiện hiệu quả Hiệp định hợp tác lao động giữa Việt Nam và Lào; tăng cường quản lý lao động làm việc giữa hai nước, đặc biệt là lao động làm việc tại khu vực biên giới; thúc đẩy hợp tác về an toàn vệ sinh lao động, quan hệ lao động, chính sách tiền lương, chính sách về việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp; mở rộng hợp tác về hoạch định chính sách bảo hiểm xã hội.
Về phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng khuôn khổ hợp tác lâu dài giữa hai nước trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề. Tăng cường tổ chức các khóa bồi dưỡng ngắn hạn về phương pháp sư phạm, kỹ năng nghề, công nghệ mới cho giáo viên dạy nghề của Lào; Triển khai việc công nhận trình độ, tiêu chuẩn kỹ năng nghề lẫn nhau và khung tham chiếu ASEAN.
Về lĩnh vực phúc lợi xã hội: Mở rộng hợp tác về chính sách và chế độ trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế; phát triển công tác xã hội trong hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội; khuyến khích cộng đồng về việc bảo vệ và hỗ trợ trẻ em…