THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:27

Tri ân người có công với cách mạng từ những việc làm nghĩa tình

Trải qua 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, cũng như nhiều địa phương khác, huyện Đại Lộc đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong đó, 16/18 xã, thị trấn của huyện đều được phong tặng danh hiệu cao qúi này.

            Hiện toàn huyện có trên 12.500 người tham gia cách mạng. Trong đó, có 37 anh hùng  LLVT,1.550 Bà Mẹ VNAH (125 mẹ còn sống); có 6.797 liệt sĩ; 1.443 thương binh, 344 bệnh binh; 270 người bị nhiễm chất độc hóa học; 994 người hưởng chính sách tù đày và có trên 4.500 người tham gia cách mạng được tặng Huân, Huy chương kháng chiến. Mặc dù điều kiện KT-XH của huyện vẫn còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, đến nay, 100% gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Đại Lộc đều có mức sống ngang bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú.

Đặc biệt, 125 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời; 100% đối tượng người có công được cấp Thẻ BHYT.

Ngoài ra, cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa vận động hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa nhà ở trên 3.100 ngôi nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí gần 80 tỷ đồng. Vận động các tổ chức, cá nhân tặng trên 1.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, trị giá trên 1 tỷ đồng. 

Lãnh đạo huyện Đại Lộc thăm, tặng quà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cầm, xã Đại Nghĩa. 

Bà Võ Thị Hồng Nhung, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại  Lộc cho biết, hiện toàn huyện có 17 nghĩa trang liệt sỹ với 7.903 mộ liệt sỹ, 02 nhà tưởng niệm cấp xã, 164 nhà tưởng niệm cấp thôn và 01 Đền tưởng niệm cấp huyện. Hằng năm, huyện luôn triển khai tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ để đưa vào an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ xã, thị trấn.

Năm 2017, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), Đảng bộ, chính quyền huyện Đại Lộc đã có những hoạt động thiết thực, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với các gia đình chính sách.

          Theo đó, UBND huyện đã phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 96 tỉnh Quảng Nam tổ chức di dời 17 hài cốt liệt sĩ con em của huyện Đại Lộc hy sinh tại chiến trường Tây Nam về lại quê hương; tổ chức và đưa đón Đoàn con liệt sĩ hiện đang công tác tại huyện đi tham quan Thủ đô Hà Nội, viếng lăng Bác, thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền huyện Đại Lộc đối với thân nhân các anh hùng liệt sĩ; Tổ chức nâng cấp xây mới nghĩa trang xã Đại Cường, tượng đài liệt sĩ xã Đại An, Đại Hiệp...; tổ chức đưa, đón cho 285 đối tượng chính sách NCC đi an dưỡng tập trung và hỗ trợ an dưỡng tại gia đình 1.765 đối tượng chính sách già yếu, đau ốm đi tập trung không được; trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cho 3.804 thân nhân liệt sĩ; vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ nhà tình nghĩa cho 25 nhà của đối tượng chính sách bức xúc về nhà ở nhưng nằm ngoài cơ chế hỗ trợ theo Quyết định 22/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, với mục tiêu không để tồn đọng hồ sơ người có công tại huyện, mà tất cả đều được tập trung thẩm định đề nghị giải quyết cho đối tượng chính sách; việc chi trả trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần cho đối tượng cũng được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Ngoài chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, huyện Đại Lộc cũng thực hiện đầy đủ các chính sách và chế độ đối với người có công thông qua nhiều chương trình tình nghĩa như vận động gây quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công; phụng dưỡng Bà mẹ VNAH còn sống và tặng sổ tiết kiệm cho các gia đình chính sách khó khăn ...

          Đây chính là kết quả từ những phong trào phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, công tác chăm lo đời sống vất chất cũng như tinh thần đối với người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Đại Lộc đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ không chỉ từ các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể mà ngay cả đối với các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia.

          Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, cấp uỷ, chính quyền, nhân dân huyện Đại Lộc đã và đang làm rất nhiều việc để các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn, phần nào xoa dịu đi những đau thương, mất mát, sự hy sinh to lớn của các gia đình chính sách.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ, huyện Đại Lộc phấn đấu sẽ tiếp tục thực hiện thật tốt các chính sách ưu đãi đối với người có công theo đúng chính sách của Đảng, Nhà nước; thường xuyên chăm lo cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, động viên các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người có công phát huy truyền thống cách mạng, tích cực học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng và trình độ nghiệp vụ, chuyên môn công tác góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân xây dựng huyện Đại Lộc ngày càng giàu mạnh. 

Giang Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh