“Nếu mẹ mất, hãy để con mẹ về phát tang”
- Người có công
- 13:41 - 25/07/2017
Năm 1997, hưởng ứng lời kêu gọi và cuộc vận động của Bộ LĐ-TB&XH về việc nhận phụng dưỡng suốt đời các Mẹ VNAH. Báo Lao động và Xã hội đã nhận phụng dưỡng suốt đời 3 Mẹ VNAH là Mẹ VNAH Lê Thị Tiến, quê xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Mẹ Nguyễn Thị Chí, quê xã Tam Sơn, huyện Núi Thành và Mẹ Hồ Thị Hạo, quê xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh của tỉnh Quảng Nam. Cả ba mẹ đều được Lãnh đạo Báo giao cho Văn phòng Miền Trung tại Đà Nẵng trực tiếp chăm lo, phụng dưỡng. Suốt hai mươi năm qua, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn quả nhớ người trồng cây” và tinh thần trách nhiệm với công lao to lớn của các Mẹ VNAH, Cán bộ, phóng viên của Văn phòng Báo LĐ&XH tại Miền Trung luôn coi việc chăm lo về đời sống, sức khỏe của các mẹ như một phần của nhiệm vụ chính trị. Nhiều chuyện cảm động đã khiến cho chúng tôi không thể quên được, dù các mẹ đã mãi mãi đi xa.
Tác giả thăm hỏi mẹ VNAH Nguyễn Thị Chí, khi mẹ bị ốm.
Mẹ Lê Thị Tiến, quê ở xã đảo Tam Hải, Núi Thành, có một con gái duy nhất là Liệt sỹ trong lực lượng CAND. Mẹ chỉ còn lại một người anh trai, khi hấp hối mẹ đã dặn lại người anh trai “ Báo tin ngay cho thằng Sơn (tác giả), để nó về phát tang”. Dù ở xa mẹ hơn 100 km nhưng tin mẹ Tiến mất vào buổi chiều muộn thứ bảy hôm đó chúng tôi là người nhận được thông tin đầu tiên. Ngay sáng hôm sau, khi về đến nơi, mọi việc khâm niệm cho mẹ đã được hoàn tất, duy chỉ có bát hương của mẹ vẫn còn nguyên, chưa có hương khói. Người anh trai của mẹ nói lại di nguyện của mẹ và tôi đã cùng với anh Nguyễn Đức Tục, Chủ tịch xã lúc đó chính là người thắp nén hương phát tang cho mẹ.
Sau khi Mẹ Tiến mất, Báo LĐ&XH tiếp tục nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chí tại xã miền núi Tam Sơn, huyện Núi Thành. Do điều kiện của gia đình và địa phương miền núi còn rất nhiều khó khăn. Khi lên thăm mẹ để tổ chức công bố QĐ nhận phụng dưỡng suốt đời mẹ Chí, chúng tôi không khỏi băn khoăn, áy náy trước cuộc sống vất vả của người mẹ đã có chồng và hai con hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ngay sau đó, Văn phòng đã trực tiếp đứng ra vận động và đóng góp xây dựng cho mẹ một căn nhà khang trang. Năm 2011, nhân dịp mẹ Chí tròn 100 tuổi, Văn phòng đã cùng với gia đình tổ chức Lễ mừng thọ mẹ rất đàng hoàng, ấm cúng, điều đó đã làm ấm thêm lòng mẹ và những người thân. Tôi thật cảm động mỗi khi cháu ngoại đi Đà Nẵng, mẹ Chí lại gửi cho “con gà mẹ nuôi, trái mít mẹ trồng”.
Tác giả ( giữa) cùng những người thân của mẹ Chí trong căn nhà do VP Báo LĐ& XH tại miền Trung trao tặng.
Không chỉ bằng những đồng tiền đóng góp phụng dưỡng hay gói quà tặng các mẹ trong các dịp Lễ, Tết. Trong suốt thời gian nhận phụng dưỡng các mẹ, CB, phóng viên của Văn phòng luôn quan tâm đến các mẹ như chính những người mẹ ruột của mình. Mỗi khi mẹ ốm đau, trái gió trở trời và cả đến khi các mẹ mất, Văn phòng đều chu đáo cùng với các bệnh viện, chính quyền địa phương và gia đình chăm lo một cách chu đáo, trang trọng nhất.
Ghi nhận những đóng góp của Báo Lao động và Xã hội nói chung, Văn phòng Miền Trung nói riêng, 20 năm qua UBND tỉnh Quảng Nam đã 3 lần tặng Bằng khen, UBND huyện Núi Thành 1 lần tặng Giấy khen cho Văn phòng Báo LĐ&XH tại Miền Trung về công tác Chăm sóc người có công Cách mạng và phụng dưỡng mẹ VNAH.
Đại diện VP Báo LĐ&XH tại miền Trung ( thứ hai, phải qua) nhận Bằng khen do UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng nhân Kỷ niệm 70 năm ngày TB-LS ( 27/7/2017)
Ông Phạm Văn Quyện, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, ghi nhận: “ Hưởng ứng phong trào phụng dưỡng Mẹ VNAH, Văn phòng Báo LĐ&XH tại miền Trung đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp khi luôn đi đầu, sẵn sàng nhận phụng dưỡng chu đáo các mẹ VNAH ở những nơi khó khăn nhất như ở hải đảo, miền núi xa xôi. Không chỉ là phụng dưỡng,CB-PV Báo LĐ&XH còn thường xuyên quan tâm, chăm lo cho các mẹ cả khi bình thường cũng như lúc ốm đau, bệnh tật, hay khi các mẹ qua đời. Đây là việc làm rất đáng ghi nhận và biểu dương”