THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:56

Gia đình sẽ bù đắp những thiếu hụt của trẻ

Trung tâm đào tạo kỹ năng sống không thể làm thay gia đình

Ông Nam cho rằng, trẻ em thành thị rất tự tin nhưng thiếu tính tự lập. Trước đám đông, các em có thể thuyết trình, hùng biện rất rõ ràng, mạch lạc và thuyết phục người nghe nhưng lại thiếu tự lập, thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản. Hàng ngày bố phải đưa các em đi học, mẹ nấu cơm cho ăn. Thậm chí, học sinh cấp THPT không biết rửa bát, nấu cơm, gấp quần áo,… không phải là hiếm. Khi dẫn học sinh đi dã ngoại, nhiều em không phân biệt được đâu là con trâu, đâu là con bò, hay khi ra chợ con vịt với con ngan các em không biết phân biệt.

Bố mẹ nên dạy con làm việc nhà từ nhỏ.

Trong khi đó, trẻ em nông thôn tự lập từ bé. Các em có thể tự nấu ăn, anh chị em chăm sóc nhau, phụ giúp việc nhà. Thậm chí, có những gia đình nông thôn bố mẹ đi làm ăn xa, hàng ngày ở nhà mấy anh chị em đang tuổi học sinh tự chăm sóc nhau. Sau buổi học, các em cũng tham gia nhiều hoạt động phụ giúp gia đình việc đồng áng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nam, trẻ em ở nông thôn, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số dù các em rất tự lập nhưng thiếu tự tin, không biết bày tỏ ý kiến, mong muốn. Thậm chí, trẻ em nông thôn bị xâm hại không dám lên tiếng để người lớn biết.

Tại các thành phố, nhiều gia đình dù ở nhà không bắt con động tay vào bất kỳ việc gì nhưng tìm hiểu qua phương tiện truyền thông, sách vở bắt đầu giật mình: Con thiếu kỹ năng sống. Không ít ông bố, bà mẹ quyết định cách ly con ra khỏi gia đình để tham gia những lớp huấn luyện kỹ năng sống với hy vọng các con sẽ được lấp đầy những kỹ năng sống còn thiếu hụt. Theo các chuyên gia tâm lí, đây chưa hẳn là một sự lựa chọn khôn ngoan. Mà, đây chính là sự ngộ nhận lớn nhất về giáo dục lớp trẻ, bởi giáo dục kỹ năng sống trước hết phải bắt đầu từ trong mỗi gia đình, từ vai trò, trách nhiệm của mỗi người làm cha mẹ, không gì có thể thay thế được.

Trang bị kỹ năng sống cho con ngay từ nhỏ

Các chuyên gia tâm lý khuyên, ở từng độ tuổi khác nhau, gia đình có thể rèn cho con những kỹ năng sống, tính tự lập. Khi trẻ còn nhỏ, hãy để trẻ tự phục vụ mình. Với trẻ lớn hơn, tự lập thể hiện ở việc con nhận biết được sở trường, sở đoản của mình, đưa ra quyết định chọn ngành nghề và tự lập được về cảm xúc. Gia đình không nên làm thay con trong những việc mà các con có thể tự lập. Đừng nghĩ rằng con còn quá nhỏ, chưa biết gì về tự lập. Ngay khi trẻ 1 – 2 tuổi, cha mẹ đã có thể dạy con từ những bài học nhỏ: Tự bốc ăn, quyền lựa đồ chơi, quyền tự chọn quần áo, mặc quần áo... Những việc làm có thể vụng về nhưng hãy cho con quyền được làm và được sai. Sau mỗi lần sai, con sẽ trưởng thành và biết thế nào là đúng.

Cùng chơi, cùng học với con để biết con cần gì.

Thực tế, nhiều gia đình bố mẹ bận rộn phó mặc con cho giúp việc, ít có thời gian trò chuyện cùng con. Theo phân tích của các chuyên gia, hiện đang có những lệch lạc về giáo dục kỹ năng, mà trước hết là sự lệch lạc về giáo dục giá trị sống trong mỗi gia đình. Tuy cùng sống trong một mái nhà, đa số là đầy đủ tiện nghi, nhưng giữa cha mẹ và con cái lại đang thiếu đi rất nhiều cái “cùng nhau”, như cùng ăn, cùng chơi, cùng trò chuyện, cùng đảm trách mọi công việc trong nhà để cùng cảm thông, chia sẻ niềm vui và những lo toan. Trẻ em ngay từ nhỏ, trong phận làm con cũng cần phải được rèn tập thực thi trách nhiệm, cùng cha mẹ vun đắp cuộc sống gia đình.

Thêm nữa, mối quan hệ trao đổi, chia sẻ thông tin giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng sống ngày càng thưa vắng hoặc giản lược. Vì thế, trẻ ngày càng thụ động, thiếu hụt những kỹ năng sống cơ bản. Thậm chí, có những gia đình vì ép con học nên hạn chế cho con được tiếp xúc với môi trường bên ngoài, không được trải nghiệm cuộc sống. Cũng có thể do gia đình lo sợ tiêu cực, tai nạn rủi ro có thể xảy ra với con nên thường bắt con ở nhà. Đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ “như gà công nghiệp” và càng thiếu kỹ năng sống.

Bố mẹ ai cũng yêu thương con nhưng nhiều người không biết thể hiện yêu thương mình cho đúng cách, luôn bao bọc và làm thay con mọi việc. Nhưng các phụ huynh cũng quên mất rằng, bố mẹ không thể làm thay con cả đời. Yêu thương con chính là trang bị cho con những kỹ năng sống cơ bản để các các con có thể tự tin và tự lập, để các con dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh sống. Đây chính là điều quý giá mà cha mẹ đầu tư cho con thực sự mang lại hiệu quả. Bố mẹ chính là người giữ vai trò quan trọng trong dạy và bù đắp những thiếu hụt kỹ năng sống cho con.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh