THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:28

Trẻ em vất vả mưu sinh bằng nghề đánh giày

Vất vả mưu sinh

 Đi dọc các quán cà phê, nhà hàng của thành phố Đồng Hới, rất dễ bắt gặp hàng chục em nhỏ làm nghề  đánh giày,có em đang mời chào, có em thì vui mừng khi có khách gọi và cặm cụi cầm đôi giày lên đánh… Những năm trước, mức sống của người dân Quảng Bình còn thấp nên nghề đánh giày không được ưa chuộng. Nhưng hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người có nhu cầu đánh giày, cũng chính vì lẽ đó người đánh giày cũng xuất hiện cũng ngày một nhiều.

Em Cao Xuân Phương tâm sự với chúng tôi.

Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều em nhỏ đã phải bỏ dở việc học hành, theo chúng bạn lên thành phố, một số em gia đình có điều kiện cũng đua đòi theo bạn bè lên thành phố đánh giày kiếm thêm thu nhập. Em Cao Xuân Phương(SN 1998 quê Ninh Bình) vừa đánh giày vừa tâm sự: “Vì gia đình em khó khăn, học hết lớp 9 em phải theo mẹ rong ruổi khắp nơi để kiếm sống, em biết cách đánh thế nào cho giày bóng và đẹp là nhờ ông chú truyền nghề cho, lúc đầu làm nghề này em cũng ngại lắm, nhưng tập dần rồi cũng thành quên anh à, mà đa phần em cũng loanh quanh những khu vực quen thuộc và hầu hết người gọi em đánh giày toàn là khách quen”.

Bỏ bê học hành, mưu sinh từ nhỏ nên các em đã quên đi tuổi thơ tốt đẹp của mình, “Suốt ngày em đạp xe chạy lòng vòng khắp các quán xá của thành phố, mời người này đến người nọ, cố gắng làm việc hết sức để có thêm thu nhập phụ gia đình, mỗi đôi giày đánh cho khách xong em được trả 10 ngàn, ngày nào may mắn có em cũng kiếm được cả trăm bạc, còn những ngày trời mưa thì có khi sáng đi tối về tay trắng là chuyện bình thường” – Phương cho biết thêm.

Qua tìm hiểu được biết, đa số những em nhỏ đánh giày ở thành phố Đồng Hới đều quê ở huyện Quảng Trạch. Có em thì sáng bắt xe đò lên thành phố đánh giày đến tối lại bắt xe về nhà, nhưng có nhiều em thuê trọ ở lại cho đỡ tốn kém và thuận tiện cho việc đi làm. Ngồi ở quán cà phê ông Kỳ (phía sau Đài Truyền hình Quảng Bình) chừng 1 tiếng, bàn tôi đã có 5 em nhỏ lại mời gọi: "Có đánh giày không anh" Tôi giơ đôi giày lên và bảo: "Anh mới đánh lúc nãy rồi em à". Nghe tôi nói vậy những em đến sau buồn bã bước đi.

Công việc của các em bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ cho tới tận tối mới về nhà, có những em thuê trọ ở gần chịu khó nán lại mong có thêm khách, cho tận khuya mới về. Ngồi ở quán cà phê, tôi bắt gặp nhiều em độ tuổi chừng 10 -12 tuổi ăn mặc luộm thuộm, cứ luôn mồm mời gọi để được đánh giày, cảnh tượng đó khiến ai tận mắt chứng kiến cũng không khỏi buồn lòng. Bộ đồ nghề các em mang theo vô cùng đơn giản, bao gồm mấy hộp xi, đôi ba miêng lót giày, và vài đôi dép tổ ông cho khách đi tạm, được đựng trong túi bóng hoặc hộp gỗ nhỏ.

Nguy hiểm luôn rình rập

Tận mắt chứng kiến tôi mới biết được các em đi đánh giày vô cùng nguy hiểm. Có lần ngồi quán cà phê cóc trên đường Trần Hưng Đạo, tôi thấy một em nhỏ, vì mời gọi mãi không đánh được đôi giày nào, nên em cứ làm lỳ ngồi chèo kéo khách. Tức quá vị khách kia mới đá cho một cái thâm cả mặt, em chỉ biết ôm mặt khóc và lủi thủi bước đi chổ khác.

Em Nguyễn Văn Thông cặm cụi đánh giày trong gốc quán cà phê.

Em Nguyễn Văn Thông (SN 1997 quê xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) kể: “Có  nhiều lần em đi đánh giày, khách đã không trả tiền lại còn chữi bới nạt nộ không phải là hiếm, với lại giờ người đánh giày như tụi em nhiều quá, nên hay tranh giành khách. Em nhỏ tuổi hơn nên toàn bị mấy anh lớn hơn xua đuổi, vì gia đình vất vã nên em phải cố gắng chứ biết mần răng giờ”.

Điều đáng buồn là nhiều phụ huynh thấy con mình đánh giày có tiền, mang tiền về nhà thì vui, cứ việc phó thác các em cho xã hội, nhiều người còn khuyến khích con bỏ học đi đánh giày để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, mà không biết rằng ở bên ngoài nhiều nguy hiểm đang rình rập con mình. Chính vì vậy mà nhiều em vì ham vui, đua đòi với bạn bè nên rất nhiều em đã bỏ quê lên thành phố rông ruổi khắp các quán xá mưu sinh.

Vì ở quê lên thành phố, nên tất cả đối với các em đều rất mới mẻ và lạ lẫm, mà không hề hay biết mình sắp phải đối mặt với những hiểm nguy. Có nhiều em vì tranh giành lãnh địa mà đánh nhau đến chảy máu mồm, tím tái mặt mũi. Không những thế; có nhiều em còn bị các đối tượng khác chấn lột, lợi dụng, dụ dỗ lôi kéo vào con đường phạm pháp. Do bỏ học quá sớm, không được nhà trường và gia đình giáo dục tử tế, nên các em sớm bị cuộc sống xô bồ ngoài xã hội dẫn dắt, làm hư hỏng tương lai. Các bực phụ huynh hãy vì tương lai của con cái, mà có cách nhìn thay đổi, để cho con em mình có một cuộc sống tốt đẹp nhất.

Bảo Nam

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh