Giãn dân phố cổ: Trăn trở nỗi lo mưu sinh
- Bài thuốc hay
- 13:37 - 25/01/2015
Quận Hoàn Kiếm: Di dời 6.500 hộ
UBND quận Hoàn Kiếm vừa cho biết giai đoạn 1 của đề án giãn dân phố cổ, theo đó, dự kiến trong tháng 3, quận sẽ khởi công xây dựng các dự án hạ tầng giao thông đô thị, xã hội khu nhà ở giãn dân, quý III/2015, sẽ khởi công khu nhà ở và hoàn thành vào quý IV/2017.
Ông Phạm Tuấn Long, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, những đối tượng phải di dời trong giai đoạn 1 của dự án gồm: Số dân sống trong di tích (464 hộ); trong công sở (21 hộ); trường học (13 hộ). Tổng số có 553 hộ với 1.856 nhân khẩu thuộc diện phải dời. Bên cạnh đó, gần 6.000 nhân khẩu đang sống trong các ngôi nhà có giá trị, giá trị đặc biệt, số nhà có đông hộ ở, nhà nguy hiểm, chung cư sở hữu tư nhân, cũng nằm trong kế hoạch giãn dân đợt 1.
Cảnh sinh hoạt chật chội trong những căn nhà phố cổ.
Về quyền lợi của người dân sau khi thực hiện chủ trương giãn dân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Lâm Quốc Hùng cho biết, với những hộ thuộc diện bắt buộc di dời, sẽ được tái định cư tại khu Việt Hưng (quận Long Biên), với căn hộ hơn 60m2, trong đó được miễn phí 30m2, 30m2 còn lại được trả dần theo giá ưu đãi. Nếu hộ nào không đủ điều kiện mua sẽ được thuê, mua nhà theo chính sách xã hội. Trường hợp không nhận nhà tái định cư, ngoài tiền đền bù diện tích bị thu hồi theo khung giá đất của thành phố, sẽ được hỗ trợ thêm 100 triệu đồng.
Cũng theo ông Hùng, nếu hộ dân đã nhận nhà tái định cư, nhưng không có nhu cầu ở có thể bán. Tuy nhiên đối tượng này không được quay trở lại để ở tại diện tích đã thu hồi. Với đối tượng mua nhà tự nguyện (khoảng 1.000 hộ), quy định hiện hành về nhà ở xã hội, không cho phép chuyển nhượng nhà trong vòng 10 năm.
Theo ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, việc giãn dân phố cổ là chủ trương lớn của thành phố. Toàn bộ đề án sẽ phải di chuyển 6.500 hộ dân với 26.000 nhân khẩu, trong đó giai đoạn 1 di chuyển 1.500 hộ dân. Giai đoạn 1, quận sẽ tiếp tục đề xuất thành phố bố trí 30 ha để di dời khoảng 5.000 hộ dân còn lại, đạt mục tiêu giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha đến năm 2020. Việc giãn dân phố cổ sẽ kết thúc vào năm 2020.
Làm gì ở nơi ở mới
Đó là tâm trạng chung của các hộ dân khu phố cổ chuẩn bị di dời. Bác Nguyễn Tân Dược (trú tại 47 phố Hàng Bạc) tâm sự, về chủ trương, ai cũng ủng hộ di dời, nhưng lại băn khoăn về cuộc sống nơi ở mới. “Sống ở phố cổ, khó khăn về sinh hoạt bởi nhà xuống cấp, chật chội. Nhưng bù lại, chỉ cần kê cái ghế bán chén nước trà ngoài cửa nhà là mỗi ngày cũng có thu nhập từ một đến vài trăm nghìn đồng. Đến nơi ở mới, cuộc sống sinh hoạt tiện ích hơn, nhưng không biết mưu sinh bằng gì” .
Mưu sinh là lý do chính khiến nhiều người không muốn rời khỏi phố cổ Hà Nội cho dù điều kiện sống chật chội. Gia đình chị Vân Trang có mặt bằng vỏn vẹn hơn 4m2 tại phố Cầu Gỗ, cho thuê bán hàng thu nhập 12 triệu đồng/tháng, và một tủ thuốc lá tại vỉa hè, chị cho rằng: “Người dân phố cổ ai cũng muốn có nhà ở tốt hơn. Nhưng ở phố cổ kiếm sống dễ dàng, sang nơi ở mới chưa biết lấy gì sinh sống, nên nhiều người rất băn khoăn”.
Với những nhà có diện tích bình quân không đủ 5m2/người, đều nằm trong diện di dời. Anh Quân (ở phố Hàng Chiếu), gia đình đã 3 đời kinh doanh bán buôn các mặt hàng tạp hóa cho biết: “Có lẽ phần lớn các nhà dân khu phố cổ không đạt tiêu chuẩn trên. Đang kinh doanh buôn bán dưới mặt đất, nếu phải chuyển lên ở nhà cao tầng, mất địa điểm kinh doanh cũng như mất khách hàng, đồng nghĩa với việc mất nguồn mưu sinh”.
Giống như tâm trạng anh Quân, anh Nguyễn Quốc Hùng (ở phố Hàng Chĩnh) có cửa hàng cắt tóc chỉ khoảng 6m2, nhưng đủ nuôi cả gia đình. Anh cho biết nhiều gia đình cũng muốn chuyển sang khu Việt Hưng, nhưng còn băn khoăn vì chưa biết kiếm sống ra sao, điều kiện hạ tầng thế nào. Bản thân anh Hùng không muốn chuyển sang nơi ở mới, bởi nỗi lo bế tắc phương kế làm ăn.