CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 04:03

Trăn trở trước những mai một

Nghĩa tình không nằm ở sự hào nhoáng

Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu, sinh năm 1947, ở Bình Thuận, trong một gia đình nghèo. Hàng ngày ông theo mẹ đi bán bánh, bán cá rong trong các ngôi chợ chiều. Quen nhau 10 năm nay, lần nào ngồi chuyện trò với tôi, ông cũng nhắc về tuổi thơ. Đó như là một miền nhớ đã ghim sâu vào tâm trí ông. Chứng kiến cảnh chế độ Việt Nam cộng hòa đàn áp, lùa đuổi, ông đã nảy ra ý định viết văn, làm thơ để phản đối. Năm 1967, ông dạt vào Nha Trang (Khánh Hòa). Suốt nhiều năm tháng sau đó cho đến ngày giải phóng ông miệt mài làm thơ, viết văn phản đối chiến tranh, kêu gọi hòa bình và thống nhất đất nước. Truyện ngắn đầu tiên của ông là “Người bắt ruồi” in trên Báo Văn nghệ năm 1972, đã như một đòn đánh mạnh vào chế độ Việt Nam cộng hòa. Đi qua nhiều năm tháng buồn, ông tâm sự: “Mình nhất quyết không chịu khuất phục trước chế độ Việt Nam cộng hòa nên họ truy lùng dữ dội, nhất là khi biết mình viết văn phản kháng sự bất nhân văn của họ”.

Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu.

Sau ngày giải phóng, có nhiều tác phẩm đã được in Báo Văn nghệ nên Nguyễn Hoàng Thu được cử đi học khóa I, trường viết văn Nguyễn Du. Cùng lớp với ông hiện có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Hữu Thỉnh, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Chu Lai... Tốt nghiệp ông về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa. Hàng ngày, trong căn nhà chưa đầy 20m2 ở đường Phan Đình Phùng ông vừa đi kiếm cá bán lấy tiền trang trải gia đình vừa viết văn và làm việc cơ quan. Ông bộc bạch: “Những năm tháng ấy, gian nan không kể xiết. Mình đi viết bài, người ta thương cho hai con cá, nhưng chỉ mang về ăn một con còn một con mang bán lấy tiền mua gạo”. Trong bối cảnh đất nước còn bộn bề khó khăn, mỗi cá nhân đều phải nỗ lực góp chút ít vào để xây dựng. Nỗi truân chuyên cơm áo như những cơn gió thổi thêm khát vọng sáng tạo trong con người ông. 

Lặng lẽ ở Khánh Hòa suốt hơn 10 năm sau đó số phận lại đưa đẩy khiến Nguyễn Hoàng Thu vào TP.Hồ Chí Minh bươn trải bằng nghề sửa mo-rát. Vừa sửa mo-rát cho một số nhà xuất bản ông vừa đau đáu nghĩ về Tây Nguyên và khát khao được rút ruột mình viết những bài báo, những trang văn về vùng đất từng hứng chịu nhiều đau thương nhưng lại rất đỗi nghĩa tình ấy. Rồi cuộc gặp tình cờ với nhà báo Nguyễn Công Khế. Ông Khế nhận Nguyễn Hoàng Thu về làm đại diện Báo Thanh Niên ở Tây Nguyên cho đến khi nghỉ hưu. Hòa mình với vùng đất mới nhưng con người ông vẫn chân tình và giản dị. Ông tâm niệm: “Bạo tàn và cái xấu ở thời điểm nào đó có thể chiến thắng cái đẹp, cái tử tế nhưng cuối cùng cũng phải bị trừng phạt, niềm tin về sự chiến thắng của cái đẹp vẫn là sợi chỉ xuyên suốt. Nghĩa tình không nằm ở sự hào nhoáng. Người Tây Nguyên cũng vậy”.

Viết để trả ơn

Lên Tây Nguyên làm phóng viên nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Đi viết về các buôn làng vùng sâu, được đồng bào thương cho củ mỳ, bó rau và những thanh gỗ tạp về dựng tạm căn phòng nhỏ. Với Nguyễn Hoàng Thu thế cũng là hạnh phúc. Sau này, cuộc sống ổn định hơn, sau hàng ngàn bài báo viết về các buôn làng Tây Nguyên ông quyết định viết thêm trường ca về vùng đất này. Ý nghĩ nung nấu trong sự thôi thúc quyết liệt, chẳng mấy chốc một tập trường ca đĩnh đạc mang tên “ Krông Ana không đổi dòng” đã ra đời. Tập trường ca là những mong muốn khẩn thiết về sự trường tồn của những nét đẹp của con người, của rừng cây, bến nước bên dòng sông Krông Ana mà mở rộng ra đó khát vọng gìn giữ bền vững những nét đẹp của đất và người Tây Nguyên.

Nhà văn Nguyễn Hoàng Thu (thứ 2 bên trái) tại trại sáng tác ở Đại Lải.

Bao lần ngồi với tôi, nhà văn Nguyễn Hoàng Thu vẫn đau đáu nỗi niềm rằng: “Rừng đang mất đi, sông suối đang cạn đi, nhiều giá trị Tây Nguyên đang mai một đi nên mình phải viết. Mình xem Tây Nguyên như quê hương thứ hai vậy. Ở đó có những con người hồn hậu với ánh nhìn trong veo. Biết ơn những nghĩa tình Tây Nguyên nên tôi phải viết. Mà con người, ai luôn giữ trong lòng mình sự biết ơn đó là người hạnh phúc. Thế nên nhiều buồn vui của cuộc đời tôi cũng gắn bó với vùng đất này”.

Sau những đêm ròng viết như rút ruột, rút gan mình ra để trả nợ cho đồng bào Tây Nguyên, để góp tiếng nói vào sự đa dạng của các đề tài văn học ông cho ra đời tiểu thuyết: “Đi qua bóng tối”. Cuốn tiểu thuyết viết về cảnh bất an, phản kháng của những người lính bị bắt làm quân dịch dưới chế độ Việt Nam cộng hòa. Tập tiểu thuyết gây tiếng vang và được giải thưởng của Hội Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Sau này ông tiếp tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết khác như: “Con đường đêm”, “Nỗi buồn đi qua”...

Cơ duyên để ông vượt kham khổ, bền lòng với văn chương cũng là sự biết ơn. Ông bảo: “Quá khó khăn thì đi làm báo mưu sinh, lấy ngắn nuôi dài. Nhưng khi thư thái một chút phải viết văn ngay. Viết để kể về những người đã từng giúp mình. Viết để không phụ công ơn dạy dỗ của những người thầy đầy khả kính của mình như Nguyễn Văn Bổng, Y Điêng”...

Nghề nghiệp truân chuyên, hạnh phúc riêng cũng lận đận, gia đình tan vỡ, giờ đây Nguyễn Hoàng Thu đi về sớm tối một mình trong căn nhà nhỏ, hút sâu trong hẻm nhỏ ở Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Lòng ông vẫn ấp ủ cuốn tiểu thuyết cuối đời mang hơi thở nồng nàn nhưng đầy day dứt về những vấn đề nhức nhối đang diễn ra ở Tây Nguyên. Bao lần sự khai phóng, ý tưởng vẫn tắc nghẽn, chờ độ chín. 

HÀ VĂN ĐẠO/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh