Góc nhìn toàn diện về thế hệ nhà văn sau 1975
- Văn hóa - Giải trí
- 21:37 - 05/05/2016
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Không chứng kiến những đau thương, sự khốc liệt của chiến tranh, thế hệ nhà thơ, nhà văn sau năm 1975 đã có độ lùi cần thiết để đưa ra những suy nghĩ, những cách nhìn mới về những xu hướng sáng tác của văn học Việt Nam, với tất cả tình yêu thương con người, trân trọng giá trị hòa bình. Tại hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975”, thông qua hơn 80 tham luận, các đại biểu đã khẳng định, mặc dù công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi nhiều nhà văn thuộc cả thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới, đặc biệt là hệ mỹ học mới, lại chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975.
Tại hội thảo, có rất nhiều tham luận mang tính học thuật cao, thể hiện sự nghiên cứu công phu, bài bản và có tính phát hiện. Trong đó, tham luận “Thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai?” của TS Chu Văn Sơn, chỉ rõ thế hệ nhà văn sau năm 1975 chính là chủ thể cốt lõi của hệ thẩm mỹ hậu chiến. Họ mới thực là chính chủ của chặng đường văn học sau 1975. Bằng những tên tuổi nổi bật nhất, họ đã góp vào sơn hệ văn học nước nhà không ít những đỉnh cao. Những tham luận: “Thời đổi mới: Bước ngoặt lớn của văn học Việt Nam cuối thế kỷ XX” của Trần Đình Sử, “Một cái nhìn vào Thế hệ nhà văn sau 1975” của Đỗ Lai Thúy, “Thế hệ nhà thơ Việt Nam sau 1975” của Nguyễn Việt Chiến… cũng đã góp phần mang đến một cái nhìn toàn diện hơn về thế hệ nhà văn sau 1975.
Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, thế hệ nhà văn sau năm 1975 là thế hệ được sáng tác khi chiến tranh đã kết thúc, khi non sông đất nước đã thu về một mối. Có thể họ đã sinh ra và lớn lên trong thời chiến, nhưng họ cầm bút và trưởng thành trong thời bình. Thế hệ này đã tiếp nối xứng đáng lớp thế hệ cầm bút và trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
“Dù chưa thể nhận dạng đầy đủ văn học thời kỳ đổi mới, nhưng có thể khẳng định, thế hệ nhà văn xuất hiện trên văn đàn sau năm 1975 là lớp người đóng góp hết sức to lớn cho sự nghiệp đổi mới văn học nước nhà. Họ xuất hiện là để làm mới văn học, là đưa văn học sang giai đoạn mới. Họ xuất hiện để giã từ những tín điều đã lỗi thời và tiếp thu, tìm tòi những nguyên tắc nghệ thuật hiện đại, đi tìm những mĩ học mới và khác, làm phong phú cho văn học dân tộc. Đã và sẽ còn có nhiều cách đánh giá văn học đổi mới. Song theo tôi, đánh giá văn học đổi mới trước hết phải là những người thiết tha với sự nghiệp đổi mới văn học, những người muốn thấy văn học là văn học, là sự thể hiện các nguyên tắc nhân học và thẩm mĩ vốn có của nó, muốn thấy nền văn học Việt Nam sánh bước với văn học nhân loại, trong khi vẫn phát huy bản sắc dân tộc riêng độc đáo, không thể nhầm lẫn. Đây là một diễn đàn văn học để các nhà nghiên cứu và phê bình văn học, các nhà văn nhận diện, đánh giá về diện mạo và thành tựu của một thế hệ nhà văn cầm bút và trưởng thành từ sau 1975 từ đó có những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của văn học nước nhà” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, thế hệ nhà văn hôm nay kế thừa từ những người đi trước không phải là đề tài hay lối viết, mà đó là tinh thần sống bất diệt, khát vọng lớn lao và niềm hy vọng. Sự kế thừa ấy được thể hiện bằng việc mỗi nhà văn đều truyền đi ngọn lửa của dân tộc Việt, đó là lòng bác ái, sự chia sẻ, nỗi đau thương, trí tưởng tượng trong đời sống. Sự kế thừa đó làm cho thế giới nhìn nhận tác phẩm văn chương Việt Nam, bất kể là nhà văn thể hiện nỗi đau hay niềm kiêu hãnh của dân tộc trong tác phẩm của mình. Ông nhận định: “Thế hệ nhà văn sau năm 1975 là những người chứng kiến khúc rẽ của văn học Việt Nam. Khúc rẽ ấy đồng hành với những vấn đề khác của dân tộc Việt Nam, về chính trị, về kinh tế, xã hội… Họ đang tạo nên những giá trị mới rất đáng ghi nhận. Chúng ta đang sống trong thời đại hòa bình, không còn chiến tranh, mà ở đó con người bắt đầu ngồi xuống, suy ngẫm về cá nhân mình, về những người bé nhỏ bên cạnh mình. Văn học đã chuyển sang một thứ khác, sâu hơn, rộng hơn, đi vào thân phận con người hơn”. Nhà thơ Mai Văn Phấn nhìn nhận thơ được coi là đổi mới của thế hệ nhà văn sau 1975 trong tương quan quá khứ, hiện tại. Trên bình diện đó, thơ cách tân sau 1975 thực sự đã đóng góp xứng đáng vào văn hóa tinh thần dân tộc, làm phong phú, đa dạng thêm nền văn học Việt đương đại.