Trò chuyện với nhà văn thương binh Vũ Bình Lục
- Văn hóa - Giải trí
- 01:42 - 29/03/2016
Phạm Đình Ân (PĐÂ): Thưa ông, Vũ Bình Lục là bút danh hay là tên khai sinh của ông?
Vũ Bình Lục (VBL): Vâng! Tên khai sinh, đồng thời cũng là bút danh ông à! Nhưng gốc tích tôi họ Vũ Đình, viễn tổ ở Hải Dương, chứ không phải là Vũ Bình đâu. Và cũng không có liên quan gì đến một địa danh của tỉnh Hà Nam. Khi lên lớp năm đầu cấp II (Trung học cơ sở bây giờ), người ta viết nhầm như thế, thì bây giờ vẫn cứ như thế đấy thôi! (cười).
PĐÂ: Được biết, ông từng qua quân ngũ, rồi lại có khoảng hơn chục năm làm ông đồ ở quê và cả gần hai mươi năm dạy học ở Tây Nguyên nữa, đến khi về hưu mới về Hà Nội ngồi viết văn?
VBL: Đúng vậy! Nếu kể cả những năm chiến tranh, thì tôi có khoảng một phần tư thế kỷ sống với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên rồi đấy. Suýt nữa thì thành A Ma Lục còn gì! (cười thoải mái). Thực ra tôi cũng có cơ hội giảng dạy ở một vài trường đại học, trong đó có đại học Tổng hợp Sài gòn, nhưng tôi vốn nhát gan, yếu bóng vía, không dám xa cái gia đình be bé của mình khi trong tay chả có chút tiền bạc nào để kiếm một chỗ ở nho nhỏ nơi thị thành quá nhiều người khôn ngoan, thì đành vậy thôi. Đấy là thời bao cấp ông ạ! Khi tôi chuyển cả gia đình vào Tây Nguyên, nhiều người bảo tôi bị điên, tự dưng lại bỏ quê, lao vào cái chỗ rừng thiêng nước độc cho nó khổ cái thân. Quả có hơi nóng đầu một tý, nhưng tôi thích chỗ thoáng đãng rộng rãi, lại còn mơ làm ông chủ đồn điền cà phê nữa cơ đấy...
PĐÂ: Và ông thành công chứ?
VBL: Không! Tôi không gặp thời, lại không thuộc nhóm người có tư duy trội về kinh tế. Vả chăng, nếu thành ông chủ đồn điền thì tôi chả bao giờ thành nhà văn được nữa! (Lại cả cười).
PĐÂ: Ông toan tính gì khi quyết định về Hà Nội?
VBL: Tôi biết và cũng được nghe một số người nói, rằng nhà văn Nguyễn Tuân, họa sĩ Nguyễn Sáng nếu không sống ở Hà Nội thì các ông ấy cũng không thể thành nghệ sĩ lớn được. Ngẫm ra thì có lẽ là có phần đúng ông à! Một số nhà văn từng nhiều năm dạy học ở miền núi như Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp v.v...rồi thì họ cũng “tuột xích” về thủ đô cả. Đơn giản là vì Thăng Long - Hà Nội là đất văn hiến hàng nghìn năm, lại là nơi hội tụ nhiều anh tài ở khắp bốn phương. Sống và giao tiếp thường xuyên với những người tài hơn mình thì đương nhiên sẽ học hỏi được ở họ rất nhiều...Tôi cũng theo gương các bậc tài danh kia, chỉ tiếc là mình thì tài hèn sức mỏng, cuối đời mới dám mon men đến chân cầu Chương Dương...
PĐÂ: Tôi cũng nghĩ như thế. Và cũng đã làm như thế. Nhưng với Vũ Bình Lục thì về thủ đô Hà Nội hơi muộn phải không?
VBL: Muộn quá ấy chứ! Tuy nhiên những năm tháng quăng quật với cuộc sống ở nông thôn và núi rừng Tây Nguyên, cũng không phải là hoàn toàn lãng phí đâu nhé!
PĐÂ: Đến nay, ông đã xuất bản được gần hai chục đầu sách. Ngoài thơ, trong số mấy bộ sách chuyên đề nghiên cứu và phê bình văn học, ông thấy hài lòng với cuốn nào nhất?
VBL: Mấy cuốn GIAI PHẨM VỚI LỜI BÌNH, tôi chủ yếu nhờ người khác làm chế bản, cho nên cũng còn một số điều chưa được ưng ý. Từ cuốn HỒN THIỀN TRONG THƠ LÝ-TRẦN trở lại đây, tôi cố gắng bám sát khi chế bản, vì thế bớt đi nhiều lỗi, thậm chí có cả lỗi ngớ ngẩn đến bực cả mình nữa. Đến cuốn THÁNH THƠ CAO BÁ QUÁT thì có tốt hơn. Bộ sách HỒNG HẠC CÕI TRỜI NAM có tiến bộ hơn nhiều. Tuy nhiên, các cuốn sách này cũng sẽ được chỉnh lý và bổ sung khi tái bản.
PĐÂ: Ông thi vào đại học sau khi từ chiến trường trở về. Những năm tham gia chiến đấu ở chiến trường ông có viết được gì không?
VBL: Tôi là lính đặc công trực tiếp đối mặt với đối phương, nhất là lính Mĩ. Chiến trường khu V thì ông biết rồi đấy, vô cùng ác liệt và cũng vô cùng gian nan khổ cực. Sốt rét và đói khát quanh năm ông ơi, nhất là từ sau tết Mậu Thân 1968. Nhưng đối diện với chính mình mới là điều khó khăn nhất. Hy sinh rất nhiều. Đồng đội cứ vơi dần đi theo từng trận đánh. Trận thắng thì nhiều, nhưng trận thua cũng không phải là ít. Đối phương mạnh hơn mình nhiều lần về vũ khí, lại thuận lợi hơn mình nhiều lần về sinh hoạt cá nhân. Đương nhiên là mình phải nghĩ ngợi nhiều và cũng có lúc cảm thấy căng thẳng, thậm chí cũng có lúc nản lòng trong những thời điểm khó khăn đấy ông ạ! Tôi không viết được gì trong chiến trường, bởi đấy không phải là việc của mình. Cái chết lúc nào cũng rình rập. Điều này hoàn toàn khác với hoàn cảnh của các nhà thơ tuyên huấn, chẳng hạn như anh Phạm Tiến Duật. Các bác ấy sống bên cạnh cơ quan chỉ huy, được tiếp tế quân nhu đưa từ miền Bắc vào, xung quanh toàn quân ta, có cả những em gái thanh niên xung phong trẻ măng xinh đẹp, thi thoảng mới thấy thằng giặc ở trên trời thôi, làm thơ được quá đi chứ! (Cả cười hồn nhiên)...
PĐÂ: Nhưng mà sau chiến tranh thì ông lại viết về chiến tranh, khá nhiều và cũng có được một số bài thơ hay.
VBL: Sau chiến tranh đất nước thống nhất, mọi người được sống trong hòa bình. Nhưng cũng quá nhiều người mãi mãi không được hưởng cái sự sung sướng này. Đó là những con người ưu tú nhất, dũng cảm nhất, tinh hoa của dân tộc mình đấy. Sau này, những người cầm quyền lãnh đạo đất nước ở các cấp, theo chỗ tôi được biết thì phần nhiều là họ không biết mùi bom đạn, chưa nói là chắc cũng có kẻ cơ hội trà trộn vào để tranh thủ kiếm lợi trên sự hy sinh của người khác, của nhân dân. Càng lùi xa cái ngày đất nước được giải phóng, mới nhận ra chiến tranh vẫn còn đâu đó khắp hang cùng ngõ hẻm, trong mỗi thân phận con người...
PĐÂ: Ý ông muốn nói về hậu quả của chiến tranh, nó đang lẩn quất ở gương mặt của những người vợ liệt sĩ, những bà mẹ liệt sĩ, những thương bệnh binh và những đứa trẻ mang tật nguyền vì chất độc da cam?
VBL: Chứ còn sao nữa! Gương mặt chiến tranh có nhiều góc cạnh. Nhìn sâu vào thì mới thấy, mới cảm nhận được, cả nỗi đau và cả vẻ đẹp nhân văn lấp lánh ở đâu đó. Tôi viết về góc khuất của chiến tranh, về đám cưới một linh hồn, về người lính đầu bạc ru con, không phải, là ru một linh hồn con trẻ dính hậu quả chất độc đi-ô-xin, về những ký ức không vui...Tôi cũng đã hoàn thành bản thảo một cuốn sách vài ba trăm trang ghi lại quãng đời chiến đấu của mình, những năm tháng ĐI QUA CHIẾN TRANH, cũng chỉ để cho con cháu nó đọc, nó suy nghĩ để tìm ra câu trả lời rằng cuộc sống của hòa bình nó quý giá như thế nào.
PĐÂ: Vậy những cuốn sách khá lớn về dung lượng ông đã và đang làm về thơ ca cổ nước ta thì thế nào? Sao ông lại lao tâm khổ tứ vì những cái người ta cho là đã cũ quá đi rồi, nhiều người làm rồi, lại cũng chả kiếm được tiền được bạc gì ở đó cả?
VBL: Họ nhầm rồi đấy! Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tác rất nhiều, nói như các cụ ta xưa thì sách vở có thể chất thành gò đống, xe kéo voi thồ cũng không thể hết. Nhưng giặc phương Bắc dã tâm tiêu diệt tận gốc nền văn hóa của ta, đồng hóa dân tộc ta, biến nước ta thành quận huyện của họ. Tên giặc ác độc nhất, tên tội phạm chiến tranh tiêu biểu nhất phải kể ngay chính là Minh Thành Tổ. Tên vua này của triều Minh chính là tên tội phạm chiến tranh vô cùng ác độc, con cháu chúng ta đời đời không được quên, không được phép quên. Số sách vở còn lại chẳng còn được bao nhiêu, nhưng cũng là vô cùng quý giá. Các cụ ta xưa đã nối tiếp nhau sưu tầm, nghiên cứu. Nhưng những sáng tác ấy đều bằng chữ Hán và chữ Nôm cả. Sưu tầm nghiên cứu thì cũng đã nhiều người, nhiều thế hệ làm rồi, nhưng chủ yếu là ở mức độ văn bản học. Tôi dựa trên kết quả của các thế hệ đi trước để làm tiếp công việc dịch các tác phẩm ấy chủ yếu ra thơ lục bát truyền thống, bình giải cái hay cái đẹp của thơ ca xưa để bạn đọc ngày nay dễ tiếp nhận mà thôi. Mình tài hèn sức mỏng, nhưng cũng cố gắng làm được đến đâu thì hay đến đó ông ạ!
PĐÂ: Thơ Lý-Trần thì ông đã làm rồi. Cao Bá Quát và Nguyễn Trãi ông cũng làm rồi. Sắp tới ông còn định giới thiệu những danh nhân văn hóa nào nữa?
VBL: Thơ Lý-Trần tôi cũng có kế hoạch bổ sung thêm nữa, chỉnh lý thêm nữa, vì đây là cuốn sách chuyên đề đầu tiên tôi làm. Vả, thơ Lý-Trần rất giá trị, đặc biệt là những tác giả chưa hoặc ít được biết đến ở giai đoạn mà tôi gọi là Vãn Trần, tức cuối đời Trần, khi nhà Trần đã suy thoái. Sắp tới, tôi cũng định dịch thơ và bình giải thơ chữ Hán Nguyễn Du, rồi sáng tác của các bậc danh Nho Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Nhậm...
PĐÂ: Thấy ông còn vẫn viết về văn chương đương đại đấy thôi?
VBL: Vâng! Tôi vẫn sáng tác. Còn thường xuyên viết bài bình thơ cho báo Nhi Đồng, rồi thì cộng tác với đài Tiếng nói Việt Nam, viết tham luận cho một số cuộc hội thảo văn chương và lịch sử. Rồi cũng viết lời giới thiệu cho một số tập thơ...
PĐÂ: Vậy ông có bí quyết gì để làm được nhiều việc và nhanh như thế?
VBL: Nói bí quyết thì quan trọng hóa vấn đề quá! Chỉ là vì tôi đắm đuối với văn chương từ hồi còn bé. Đọc rất nhiều và trí nhớ cũng rất tốt. Người ta bảo rằng hãy cứ sống đi rồi hẵng viết. Sống và đọc, để tích lũy vốn sống và tri thức. Khi đã đến độ chín rồi thì viết rất nhanh. Một năm làm việc bằng cả mười năm cộng lại. Tôi cho rằng mỗi nhà văn ví như một vai diễn trên sân khấu cuộc đời. Vai diễn của anh xong rồi thì anh nghỉ. Tài và sức của anh cũng đã thể hiện ra rồi. Người khác sẽ diễn vai của họ, diễn sau, còn như đánh giá mức độ thành công hay thất bại là của thiên hạ, có phải không bác?
PĐÂ: Đọc những tác phẩm của ông, tôi nhận thấy ông thể hiện tinh thần phản biện rất đáng quý. Phản biện văn chương và cả lịch sử nữa. Ông có những kiến giải mới và trình bày nó khá thuyết phục. Ví như một số bài viết nên hiểu cho đúng giá trị nội dung hoặc xuất xứ mấy bài thơ của Hồ Xuân Hương như Bánh trôi nước, Tự tình...Rồi cả một số bài thơ đời Lý-Trần, thơ Cao Bá Quát và đặc biệt là một số tác phẩm thơ của Nguyễn Trãi, gần đây nhất là về nhân vật An Dương Vương và Triệu Vũ Đế, chúng ta nên thờ ai...
VBL: Vâng! Nghiên cứu hay phê bình nên có những kiến giải cá nhân, nhằm hướng tới một cảm nhận gần hơn với sự thật ông ạ! Có thể có những kiến giải chưa được đồng thuận hoàn toàn, nhưng phần nhiều đã được đông đảo bạn đọc đồng cảm. Nhà văn phải có trách nhiệm với xã hội thông qua những kiến giải cá nhân. Là bởi vì có vấn đề hôm nay là mới, là chân lý, nhưng ngày mai sẽ là cũ, là lạc hậu và thậm chí còn là trở ngại, sai lầm nữa. Điều ấy cũng là một sự đương nhiên, hợp với quy luật phát triển thôi mà!
PĐÂ: Cảm ơn ông về buổi gặp gỡ bổ ích và thú vị hôm nay!...