THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:26

Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học: Văn chương cất lên từ cuộc sống

Tuổi thơ nuôi ước mơ

Lần đầu tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Văn Học, tôi nhận thấy ở anh một sự chân thành, một phong thái nhanh nhẹn mà điềm tĩnh, nhưng cũng rất lạc quan. Hỏi vì sao anh viết được nhiều vậy? Anh nói rằng, đi nhiều, tích lũy vốn sống sẽ cho mỗi chúng ta một tài sản. Mà điều đó cần lắm cho cả hoạt động báo chí và sáng tác văn chương.

Văn Học quê ở huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Đây là vùng quê một tiếng gà gáy ba tỉnh đều có thể nghe (Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên). Từ trước năm 2000 còn rất nghèo. Thuở nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh phải làm lụng giúp đỡ bố mẹ, nhất là thường xuyên mang rau ra chợ huyện bán, từng chịu cảnh bị con buôn cướp hàng, quỵt tiền. Cuộc sống vất vả đã thôi thúc trong anh khát vọng văn chương, đã khơi nguồn và chắp cánh ước mơ cho anh. “Quê tôi người dân sống bằng nghề trồng rau, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Kiếp nghèo, nỗi khổ của người dân đã khiến tôi bật lên những vần thơ, khi đó chỉ là con cóc thôi. Tôi luôn ấp ủ niềm tin sẽ cố gắng học để thoát khỏi cảnh nghèo này. Và rồi những bài thơ chân chất, giàu cảm xúc của đã ra đời”.  “Thơ tôi/tiếng cười chưa thành tiếng của đứa cháu ba tháng/cái cười rồi sẽ sinh sôi/ Đôi mắt cháu trong veo mùa thu vắng/ Dòng sữa mẹ no nê/ Đôi mắt cười... Hồn thiêng những ngày xưa/ Lời đau thấm trong thớ đất/”.

Nhà văn Nguyễn Văn Học.

Học Phổ thông trung học, (năm1996) Văn Học mới được tiếp xúc với báo chí. Đây là báo do nhà trường đặt, nhưng cũng rất hạn chế. Lúc ấy do được thầy giáo khích lệ, giúp đỡ nên anh đã sáng tác, viết bài nhiều hơn,…đạt độ đăng báo. Năm lớp 12 anh đạt giải Nhất trong cuộc thi văn thơ cấp trường, với một truyện ngắn nhỏ, đây cũng chính là cột mốc khích lệ Học cố gắng phát huy khả năng văn chương sau này.

Học xong, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh không có điều kiện thi vào Khoa Báo chí (Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn). Tuy nhiên anh cũng chọn cho mình một ngôi trường để phát triển khả năng văn chương, là vào học lễ tân trong Trường trung học Nghiệp vụ du lịch Hà Nội. Tốt nghiệp, tưởng chừng sẽ đỡ vất vả hơn, nhưng anh được một trung tâm giới thiệu việc làm giới thiệu vào... một nhà nghỉ, với mức lương 300.000 đồng mỗi tháng. Và chính nơi “bùn tanh” ấy là nơi “ra lò” những tác phẩm mang “đậm chất” con người từng nếm trải bao trái đắng cuộc đời.

Nơi nhơ nhuốc vẫn giữ được mình

Vào nhà nghỉ công việc đầu tiên là dắt xe, dọn phòng nghỉ đến nấu cơm, có kinh nghiệm mới được làm bảo kê. Ở chốn “tăm tối” nhiều cám dỗ như thế rất dễ sa ngã. Nhưng anh luôn giữ cho mình một lập trường riêng, chỉ kiếm tiền gửi về cho bố, mẹ để nuôi các em, nhất quyết không dính dáng đến chơi bời.

Ở nơi đó, anh đã cố gắng gần gũi, hỏi han những thân phận của các cô gái làm nghề mại dâm. Đêm về khi công việc kết thúc, anh lại thắp đèn trong nhà bếp để viết. Có lúc anh bị ông chủ biết chuyện, nhẹ nhàng vỗ vai anh bảo rằng: “Cậu đừng viết về ai ở trong này đấy nhé”. Sau khi ra khỏi “chốn bùn tanh” anh đã cho in những tác phẩm của riêng mình, từ thơ đến truyện, tiểu thuyết... liền một lúc hơn chục cuốn. Tác giả dùng một lối viết sắc lạnh, không cầu kì nhiều về ngôn từ, lấy những chi tiết rất thực để diễn tả những nỗi đau của những người đàn bà.

Một câu hỏi luôn đặt ra trong đầu tôi, tại sao khi bước chân vào làm rất nhiều nghề ở chốn “tối tăm” từ sau khi ra trường, nhưng phẩm chất của anh vẫn luôn vững vàng? Cách đây ít ngày, tôi được Văn Học đưa đi viết bài ở Bắc Ninh. Trong chuyến đi này tôi đã hiểu thêm rất nhiều về con người của anh. Là con người từng trải có vốn sống nhiều, cử chỉ, hành động đều rất nhẹ  nhàng. Đứng trước bất cứ một khó khăn gì cũng đều rất điềm tĩnh để giải quyết vấn đề. Nghị lực, sự gắng gỏi là cách để anh vượt lên. Sau chuyến đi, phần nào thắc mắc trong tôi đã được lý giải.

Lăn xả vào đời để viết

Điều tôi nhận thấy, là anh luôn đi xa để tìm hiểu và viết. Anh không thích là một phóng viên sa - lông chỉ viết bài bằng cách ngồi trong phòng lạnh. Anh viết từ những chuyến đi đầy nhọc nhằn. Nhiều chuyến tác nghiệp vùng sâu, vùng xa không chỉ cho anh thêm những bài phóng sự xã hội sắc bén, đầy trăn trở về những vùng đất nghèo, mà còn cho anh thêm những chiêm nghiệm, cảm hứng để tìm ra những cốt truyện, những nhân vật trong đời thực, để từ đó anh chuyển hóa thành tác phẩm văn chương. Nhà báo Hồ Duy Ngợi, một người từng có những chuyến công tác vùng cao với nhà văn Nguyễn Văn Học, chia sẻ: “Phải khẳng định một điều, trong tất cả những người đồng nghiệp mà tôi đã gặp, khó mấy ai có một bút lực dồi dào, đam mê và sống chết bằng “nghiệp viết lách” như Nguyễn Văn Học. Học viết khỏe, viết không ngừng nghỉ, viết như sợ không còn cơ hội để viết. Anh quý thời gian, quý tuổi trẻ, và có “tâm” với nghề. Trong một lần tác nghiệp vùng cao, anh nói với tôi: “Làm báo hay bất cứ nghề gì, nhiệt huyết là điều quan trọng nhất. Mình còn trẻ, hãy tận dụng thời gian này để dấn thân. Những trải nghiệm trên mỗi nơi ta đã đi, đã đến, đã gặp sẽ cho ta vốn sống và đề tài để viết”. Anh sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đã từng học được cho những đứa em đi sau. Chính nhờ điều đó anh đã tích lũy được cho mình vốn sống vô cùng phong phú. Tôi hỏi, trong số những tác phẩm anh được xuất bản, cuốn nào anh cảm thấy tâm đắc nhất? Anh trả lời: “Đứa con tinh thần nào tôi cũng đều dày công sức tạo ra, và mong sao cho đứa con đấy được độc giả biết đến, đọc nó, chiêm nghiệm nó…bình luận về nó”.Với khả năng và tấm lòng dành cho văn chương, cho cuộc sống, gia tài văn chương của anh sẽ dày thêm. Tôi tin vậy. Và lúc này, khi đang viết về anh, thì có thể anh đã khoác ba lô đi một vùng cao nào đó, để trải nghiệm, tìm hiểu và tiếp nối ước mơ của mình.

Những tác phẩm chính của Nguyễn Văn Học: “Những cô gái bất hạnh” (NXB Lao động, 2007); “Gái điếm” (NXB Văn học, 2008); “Đường dài của hạnh phúc” (NXB Công an nhân dân, 2008); “Rơi xuống vực sâu” (NXB Công an nhân dân 2009); “Bão người” (NXB Công an nhân dân 2009); “Cao bay xa chạy” (NXB Hà Nội 2010); “Hỗn Danh” (NXB Hội Nhà văn 2011); “Hoa giang hồ” (NXB Văn học 2011); “Khi vết thương nằm xuống” (NXB Văn học năm 2013), “Những cơn mưa thảng thốt” (NXB Văn học, 2015), “Đứng giữa heo may” (NXB Hà Nội, 2016).

CAO OANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh