CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 06:04

Trà Vinh nhiều chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc Khmer

Huyện Trà Cú (Trà Vinh) là huyện vùng sâu, cách trung tâm thành phố 34km, toàn huyện có 15 xã, 2 thị trấn (trong đó có 3 xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer trên 90%), có 124 ấp, khóm, dân số 155.889 người (trong đó dân tộc Khmer chiếm trên 62%); có 140 cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (trong này có 37 chùa Phật giáo Nam tông Khmer).  

Thời gian qua cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách kinh tế, văn hóa - xã hội; đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, quyền con người luôn được đảm bảo.

Những con đường liên ấp, liên xã sình lầy trước kia giờ đã được thay mới bằng đường bê tông, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa dễ dàng.  

Người dân Trà Vinh duy trì và phát triển nghề truyền thống.

Người dân Trà Vinh duy trì và phát triển nghề truyền thống.

Ông Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, đồng bào Khmer địa phương được tiếp cận nhiều chính sách của Đảng, Nhà nước như được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, vay vốn xây nhà, phát triển sản xuất, tạo điều kiện sử dụng điện an toàn, nước sạch hợp vệ sinh,… Đảng bộ và chính quyền luôn quan tâm chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình.  

Đồng bào Khmer thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, để cải thiện thu nhập cho người dân, tăng lợi nhuận trên cùng một đơn vị sản xuất, địa phương đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó đã xây dựng được câu lạc bộ “Ba tốt, ba giảm” tại xã An Quảng Hữu với phương châm dân vận tốt, cảm hóa tốt, hòa giải tốt; giảm trộm cắp, giảm cờ bạc, giảm tệ nạn ma túy. Qua gần 1 năm hoạt động, câu lạc bộ đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trà Cú đã giải ngân vốn cho 59 hộ hưởng lợi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi với số tiền 2,4 tỷ đồng; hỗ trợ đất cho 24 hộ với số tiền 792 triệu đồng; thực hiện Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ đã khởi công và hoàn thành xây dựng 22 công trình (04 đường nhựa, 17 đường đal, 1 hệ thống thoát nước) giải ngân 9,7 tỷ đồng. 

Tỉnh còn tranh thủ lồng ghép các nguồn vốn các chương trình, dự án, vốn tài trợ của chính phủ nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ đầu tư xây dựng hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng phục cho yêu cầu dân sinh và phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã nhân rộng mô hình đan các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hội phụ nữ để giúp cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, Chi hội phụ nữ cùng với Hội cấp trên nghiên cứu kết nối thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, đầu tư vốn vay để mua nguyên vật liệu và chỉ đạo thành lập Tổ hợp tác đan đát hàng thủ công mỹ nghệ ấp Giồng Đình, với 30 thành viên tham gia (đến nay có khoảng 90 thành viên tham gia).  

Từ những chính sách và mô hình kinh tế thiết thực, thu nhập của người dân ngày càng tăng lên và có cuộc sống ổn định hơn, góp phần kéo giảm hộ nghèo.

PV

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh