HUYỆN PHƯỚC SƠN (QUẢNG NAM):
Tín dụng chính sách góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia giảm nghèo
- Dược liệu
- 16:38 - 13/07/2022
Phước Sơn là huyện miền núi cao và ở phía tây của tỉnh Quảng Nam, nằm trong số 74 huyện nghèo của cả nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn huyện có 1 thị trấn và 11 xã, trong đó có 5 xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Dân số toàn huyện 28.012 người/ 6.830 hộ, 51% hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện là hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 18 tộc người: Bhnong, Kinh, Ca dong, Giẻ, Tày, Nùng, Mường, Sán dìu, Cơ tu, Bru-Vân Kiều, Pacô, Giá rai, Hơ rê, Kor và Ve... Theo kết quả điều tra hộ nghèo năm 2021, toàn huyện có 2.900 hộ nghèo, chiếm 42,46%, hộ cận nghèo 867 hộ, chiếm 12,69%. Trong thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự tập trung các nguồn lực từ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo nghị quyết 30a và các biện pháp đồng bộ của các ngành, các cấp trong tỉnh và huyện, kinh tế của huyện Phước Sơn có chiều hướng phát triển tốt, đời sống nhân dân ổn định và dần dần đi vào nề nếp.
Theo ông Trần Cao Kim-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phước Sơn, trong 20 năm, chính sách tín dụng trên địa bàn huyện được thực hiện đến nay (31/5/2022) gồm 11 chương trình cho vay, tăng 9 chương trình so với trước năm 2003 với đối tượng thụ hưởng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, đã góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Các chương trình cho vay là: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo NĐ 61, Hộ nghèo làm nhà ở theo QĐ 167, Hộ nghèo làm nhà ở theo QĐ 33, Hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo QĐ 2085, Cho vay làm nhà tránh lũ, Cho vay nhà ở xã hội theo NĐ 100.
Đến 31/5/2022, kết quả đạt được của 11 chương trình với doanh số cho vay 20 năm gần 528 tỷ đồng, với 24.882 lượt hộ vay vốn. Vốn các chương trình tín dụng được đầu tư bao phủ rộng khắp 42/42 thôn, tổ dân phố trên toàn huyện, nguồn vốn tập trung cho hộ vay sử dụng trồng keo, quế, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, buôn bán nhỏ, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và trồng cây dược liệu... Vốn các chương trình tín dụng được quan tâm đầu tư cho các xã vùng cao, vùng trung ngày càng nhiều hơn.
Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng chính sách gần 20 năm qua đã giúp cho gần 25.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, có 3.412 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết cho 1.425 lao động có việc làm, hỗ trợ vốn vay cho 185 em học sinh, sinh viên được tiếp bước đến trường, 517 căn nhà được cải tạo, xây mới, trong đó có 501 căn nhà cho hộ nghèo xóa nhà tạm và phòng tránh lụt bão, và 16 căn nhà cho vay đối tượng nhà ở xã hội theo NĐ 100/2015/NĐ-CP.
Với việc triển khai 11 chương trình cho vay như hiện nay trên địa bàn huyện, cơ bản đã đầy đủ các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi của chính phủ theo NĐ 78/2002/NĐ-CP. Tuy nhiên nguồn vốn cơ cấu như hiện nay thì vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của đối tượng, một số chương trình cho vay hiện nay đã nâng mức cho vay so với trước đây, như hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ, cho vay người lao động để giải quyết việc làm hiện nay tối đa 100 triệu/01 lao động, cho vay HSSV có HCKK hiện nay nâng lên tối đa 40 triệu/1 năm học/ 01 sinh viên.
"Gần 20 năm triển khai các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện, đã được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá rất cao, thể hiện sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội và nhu cầu vay vốn của người dân; tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện ổn định đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt. Có thể khẳng định gần 20 năm triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách, đã góp phần tích cực vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo qua các năm, từ đó góp phần cùng với địa phương thực hiện hoàn thành các tiêu chí giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới"- Ông Trần Cao Kim khẳng định.
Theo đánh giá của ông Đỗ Hoài Xoan-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Đại diện NHCSXH huyện Phước Sơn, từ thực tiễn 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ trên địa bàn huyện đã đạt được kết quả rất quan trọng, nguồn lực tín dụng chính sách đã góp phần tích cực cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Qua 20 năm tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 51,2% (năm 2005), đến năm 2020 còn 23,08%, tỷ lệ hộ cận nghèo từ 15,16% đến nay còn 8,32%; Giải quyết việc làm cho 1.425 lao động; hỗ trợ vốn vay giúp gia đình nghèo, cận nghèo và khó khăn về tài chính có tiền trang trãi chi phí học tập cho 185 em học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; 501 căn nhà ở cho hộ nghèo được xóa, 16 căn nhà Nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách được xây mới,…
Hoạt động của Phòng giao dịch luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam, của lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương; đặc biệt là Ban đại diện HĐQT huyện đã làm tốt công tác điều hành, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của NHCSXH huyện, cùng với sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức Hội đoàn thể nhận ủy thác, sự ủng hộ của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, sự nỗ lực phấn đấu của tập thể CBVC&NLĐ tại đơn vị nên hoạt động của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phước Sơn không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng.
"Xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, phương thức cho vay được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới Điểm giao dịch xã và Tổ TK&VV được xây dựng gần dân, đã giúp Phòng giao dịch chuyển tải nguồn vốn ưu đãi trên 508 tỷ đồng của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn; chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Có thể nói, chính sách tín dụng ưu đãi được Nhà nước ban hành đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương, ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương. Có thể khẳng định mô hình hoạt động của NHCSXH hiện nay đã phát huy hiệu quả tích cực trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, được đánh giá là một trong những “điểm sáng” và là một “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam"-Ông Đỗ Hoài Xoan khẳng định.