THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:16

TPP và những tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nếu biết tận dụng Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ nguồn đầu tư, tao công ăn việc làm cho người lao động

Việt Nam có vai trò quan trọng đối với các nước trong đàm phán TPP, vì chúng ta là quốc gia có thị trường đáng kể, có thể đem lại giá trị gia tăng tương đối lớn cho các nước tham gia đàm phán. Việc tham gia vào TPP có thể đem lại một số tác động tích cực cho Việt Nam, cụ thể là:

Đầu tiên, TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Theo số liệu thống kê cho thấy, khu vực Đông Á, bao gồm ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc luôn chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, thường xuyên ở mức trên 60%, nếu tính riêng nhập khẩu thì lên tới trên 75%.

Thứ hai, quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada và việc Nhật Bản xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản trong TPP, sẽ là cú hích thực sự cho xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu thuế nhập khẩu được hạ về mức 0% thì hàng dệt may và giày dép Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng thị phần trên thị trường các nước TPP, trong đó có thị trường Mỹ. Cơ hội cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực khác như thủy sản, đồ gỗ và nông lâm sản cũng rất lớn.

Lợi ích thứ ba là cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada với thuế nhập khẩu bằng 0%, kết hợp với các cam kết rõ ràng hơn về cải thiện môi trường đầu tư và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chắc chắn sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là của các tập đoàn lớn. Nếu biết tận dụng thời cơ này, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu do TPP đem lại.

Cuối cùng, với các cam kết sâu và rộng hơn WTO, đó là TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, không phải lúc nào mậu dịch quốc tế cũng mang lại lợi ích như nhau cho tất cả mọi người và mọi quốc gia. Bên cạnh các yếu tố tích cực mà TPP mang lại, việc tham gia vào TPP cũng tiềm ẩn một số thách thức, trong đó thách thức lớn nhất đó chính là sức ép cạnh tranh do TPP yêu cầu các nước giảm thuế nhập khẩu về 0%, mở cửa thị trường dịch vụ cũng như đầu tư và mua sắm chính phủ.

Các ngành bị tác động tương đối mạnh bao gồm thực phẩm chế biến, rượu và hóa phẩm tiêu dùng (những mặt hàng này có thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao). Đặc biệt mặt hàng xăng dầu, nếu xóa bỏ thuế nhập khẩu Việt Nam sẽ mất đi một trong những công cụ quan trọng trong chính sách điều hành giá. Các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công thương, sẽ phải tính đến một cách cẩn trọng. Sức ép cạnh tranh từ TPP đối với lĩnh vực dịch vụ sẽ xuất hiện ở ba ngành chính: ngân hàng, phân phối và viễn thông. Đối với lĩnh vực mua sắm chính phủ, tác động của TPP là không đáng kể.

Một thách thức nữa mà chúng ta không nên xem nhẹ, đó chính là rủi ro thất thu ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn của ngân sách nhà nước trong những năm qua. Giảm thuế nhập khẩu sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách.

Tóm lại, trong thời gian tới chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu và có những những cải cách pháp lý phù hợp hơn, thông thoáng hơn và thuận tiện hơn cho hoạt động đầu tư cũng như thu hút đầu tư của các Quỹ đầu tư nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam sẽ tham gia thực hiện cam kết sâu rộng các điều khoản của TPP.

Về phía DN, cần nhận thức đầy đủ các biểu hiện của quy luật kinh tế mà cụ thể là quy luật lợi thế so sánh để vận dụng có hiệu quả vào các hoạt động của DN sao cho mang lại lợi ích tối đa trong các giao dịch thương mại. DN và chính phủ cần hợp tác với nhau chặt chẽ để vừa tuân thủ nguyên tắc tự do hoá thương mại vừa tối đa hoá lợi ích của các bên cũng như bảo vệ các nhóm lợi ích cần thiết trong tiến trình tự do hoá thương mại. Mỗi loại hàng hoá, dịch vụ đều có những biểu hiện rất khác nhau về lợi thế so sánh cho nên cần đầu tư khảo sát để nhận dạng sự thay đổi các hình thức biểu hiện này trong từng giai đoạn. Các DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm thông tin về hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã, đang và sẽ ký kết. 

Nhìn chung, trong thời gian qua tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có những tín hiệu khởi sắc, ​cụ thể: không khí sản xuất kinh doanh, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được khôi phục một bước rất quan trọng. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố tiến hành xúc tiến đầu tư, cải cách, tạo mọi điều kiện cho sản xuất, kinh doanh phát triển.

ThS. LÊ HOÀNG TRỌNG - Khoa QTKD, ĐH Bình Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh