THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:41

TPP – Cơ hội và thách thức tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam

 

Dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các Đại sứ quán, lãnh sự quán, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và hơn đại diện hơn 200 doanh nghiệp XNK.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới giữa 12 nền kinh tế hai bờ Thái Bình Dương bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam. Sau hơn 5 năm đàm phán, Hiệp định này đã hoàn tất đàm phán ngày 5/10/2015, đã được ký chính thức ngày 4/2/2016 và dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2018.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội thảo

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông sâu rộng hơn nữa các nội dung của TPP, các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị truyền thông cần bám sát các vấn đề thực tiễn liên quan đến xuất khẩu và nhập khẩu của các DN ko chỉ của nội khối TPP mà còn các nước ngoại khối TPP như Trung Quốc, Ấn độ. Khi tham gia TPP có nghĩa là các DNVN cùng gia nhập vào một “trò chơi” sòng phẳng. Đây chính là cơ hội tốt cho các DN khi sắp tới đây nhiều mặt hàng sẽ không còn phải đóng thuế, việc tham gia cũng giúp cho DN VN có cơ hội tiếp cận với những nền kinh tế lớn. Đồng thời cũng là thách thức đối với các DN, vì họ cần nâng cao chất lượng lao động, tư duy và ứng xử với sân chơi này…

Với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa sâu, TPP chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Văn kiện đàm phán đầy đủ của TPP bao gồm 30 chương, với gần 6000 trang văn bản (tiếng Anh) cho thấy đây là Hiệp định có khối lượng cam kết lớn nhất, mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu và tận dụng được đầy đủ các cam kết này là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Đối với hoạt động Xuất nhập khẩu Việt Nam, khi TPP có hiệu lực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đầu tiên phải kể đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được phân bổ đồng đều hơn tại các khu vực trên toàn cầu. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước Châu Á vẫn chiếm phần nhiều. TPP sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường của các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ... . Thứ hai là nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như nông sản, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi vào các thị trường như Nhật Bản, Canada và Mỹ vì khi thực hiện TPP các nước này sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu cho các mặt hàng trên của Việt Nam. Thứ ba là các cam kết cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ là cơ hội lớn để dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, khi đó Việt Nam sẽ giải quyết được nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới để tận dụng các cơ hội xuất khẩu và tham gia các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu mà TPP mang lại.

Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh tăng trưởng xuất khẩu thì sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi có TPP cũng rất mạnh. Việc đưa thuế nhập khẩu về 0% trong các thành viên chịu tác động của TPP sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước tràn về Việt Nam ngày càng nhiều và khi đó các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng thích dùng hàng ngoại nhiều hơn. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn nhất là các doanh nghiệp trong các ngành như ô tô, thực phẩm, đường, ngân hàng, phân phối, viễn thông… hoặc là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn ít.

Toàn cảnh hội thảo

Buổi Hội thảo là dịp để các Hiệp hội và Doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt thông tin, đề xuất các giải pháp nhằm tận dụng tối đa các lợi thế của Hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam vào thị trường các nước thành viên TPP; Thảo luận những khó khăn, thuận lợi và giải pháp cần thực hiện đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi TPP chính thức có hiệu lực; Chia sẻ kinh nghiệm trong xúc tiến xuất khẩu của Việt Nam; Đồng thời, đây cũng là dịp nhằm triển khai công tác tuyên truyền, đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, thiết thực và kịp thời để các cơ quan chức năng và doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức khi Hiệp định TPP có hiệu lực, góp phần thúc đẩy hoạt động Xuất nhập khẩu, đảm bảo thực hiện các mục tiêu, kế hoạch xuất nhập khẩu Chính phủ và Quốc hội đề ra năm 2016.

Đinh Hoa/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh