THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:30

TPP và những tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế

                                      

Ngày nay, mậu dịch quốc tế có một vị trí rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia và nó chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố. Bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển kinh tế cũng phải tiến hành giao thương với các quốc gia khác. Ngay cả Liên Xô (cũ) và Trung Quốc trước đây, nơi mà vì những lý do chính trị, họ rất đề cao tính tự lực tự cường nhưng vẫn phải nhập những kỹ thuật tiên tiến và các dòng vốn từ nước ngoài. Điều đó cho thấy rằng, mậu dịch quốc tế đã góp phần nâng cao đời sống con người nhờ thỏa mãn nhu cầu và thị hiếu nhiều hơn.

Sơ lược về lịch sử hình thành và diễn biến đàm phán TPP

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (tiếng AnhTrans-Pacific Partnership Agreement - viết tắt là TPP) là một hiệp định thương mại tự do với tư duy mở cửa chưa từng có. TPP hiện được xem là thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử nhân loại, là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với phạm vi cam kết rất sâu rộng, bao gồm cả các vấn đề về thương mại và phi thương mại, nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất trong toàn khu vực, đồng thời xác lập tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu.

Đàm phán TPP hiện nay có nguồn gốc từ Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement – còn gọi là P4) - một Hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày 03/6/2005, có hiệu lực từ 28/5/2006 giữa 4 nước Singapore, Chile, New Zealand, Brunei.

Năm 2007, các nước thành viên P4 quyết định mở rộng phạm vi đàm phán của Hiệp định này ra các vấn đề dịch vụ tài chính và đầu tư, đồng thời trao đổi với Mỹ về khả năng nước này tham gia vào đàm phán mở rộng của P4. 

Tháng 3/2008, Mỹ gia nhập TPP đã kéo theo nhiều nước ký kết hiệp định này. Ngay sau đó, Úc và Peru lập tức tham gia. Tính đến cuối năm 2008, có 7 nước ký hiệp định.

 Năm 2010, Việt Nam và Malaysia trở thành quốc gia thứ 8 và 9 gia nhập TPP. Cũng trong năm 2010, các nước đã chứng kiến 4 vòng đàm phán trong khuôn khổ TPP. Vòng đàm phán đầu tiên được tiến hành tại Melbourn - Úc vào tháng 3/2010. Vòng đàm phán thứ 2 tại San Francisco – Mỹ vào tháng 6/2010. Vòng đàm phán thứ 3 tại Brunei tháng 10/2010. Vòng 4 kết thúc vào 12/2010 tại New Zealand.

          Tính đến năm 2015 đã có 12 quốc gia bao gồm: Mỹ, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của hiệp định. Hiện tại, các nước thành viên đang tiến hành thủ tục nội bộ để sớm thông qua Hiệp định. Riêng Việt Nam, theo Tiến sỹ Ngô Đức Mạnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, cho biết Quốc hội có thể sẽ phê chuẩn Hiệp định TPP vào cuối năm 2016. Dự kiến Hiệp định TPP sẽ bắt đầu có hiệu lực từ năm 2018.

Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với khoảng 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại và gần 40% sản lượng kinh tế toàn thế giới. Mục tiêu ban đầu của Hiệp định là giảm 90% các loại thuế xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên trước ngày 01 tháng 1 năm 2006 và cắt giảm bằng không tới năm 2015. Đây là một thỏa thuận toàn diện bao quát tất cả các khía cạnh chính của một hiệp định thương mại tự do, bao gồm trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, can thiệp, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, vấn đề sở hữu trí tuệ, chính sách của các chính phủ, bồi thường thiệt hại thương mại, viễn thông, dệt may,...

TPP đã và đang mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức

 Những tác động của TPP đến quản lý kinh tế và chính sách đối với nhà nước.

Chúng ta phải công nhận rằng, việc hội nhập kinh tế quốc tế là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt đồng thời cũng là nội dung trọng tâm trong chính sách đối ngoại cũng như hợp tác kinh tế quốc tế của Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước. TPP đã và đang mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội đồng thời mang lại không ít thách thức trong quá trình hội nhập và phát triển, nhưng chúng ta cần phải chuẩn bị những gì và chuẩn bị như thế nào để nắm bắt, tận dụng những cơ hội đó đồng thời ứng phó với những thách thức mà TPP mang lại đó mới là quan trọng.

Về mặt thể chế, cũng giống như khi Việt Nam tham gia WTO (ngày 11/1/2007), việc tham gia TPP sẽ là cơ hội để chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế kinh tế thị trường; hỗ trợ cho tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của chúng ta, giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng hơn, minh bạch hơn và dễ dự đoán hơn. Từ đó, thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc hoàn thiện và tăng cường công tác bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao.

Ngoài ra, Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch, hành xử khách quan của bộ máy công quyền sẽ giúp Việt Nam tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn hơn, trong sạch hơn, vững mạnh hơn; cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và phòng chống tham nhũng, quan liêu,...

Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng. Hệ quả là sẽ tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo. Tăng trưởng kinh tế cũng giúp ta có thêm nguồn lực để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, do Hiệp định TPP bao gồm cả các cam kết về bảo vệ môi trường nên tiến trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo hướng thân thiện với môi trường hơn, qua đó sẽ giúp chúng ta tăng trưởng bền vững hơn.

Việc tham gia Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn cao cũng giúp đẩy nhanh quá trình tái thiết các thực thể kinh tế, đẩy mạnh cơ chế kinh tế theo định hướng thị trường, trong đó có cả vấn đề về tái cấu trúc các Tập đoàn, DN Nhà nước. Những chính sách này phù hợp với mục tiêu và tiêu chuẩn của Hiệp định TPP. Vì thế, Việt Nam cũng không hoàn toàn quá bị động khi thực thi các tiêu chuẩn của TPP.

Nhận thức được những tác động to lớn của TPP đối với lĩnh vực quản lý kinh tế và chính sách, gần đây chính phủ Việt Nam đã có nhiều động thái tích cực trong việc cải cách hành chánh và quản lý kinh tế để phù hợp với những tiêu chuẩn mà TPP yêu cầu. Về chính sách, Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, nhắc nhở các ban, ngành và các thành viên chính phủ phải quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, chính phủ phục vụ, chính phủ vì dân và vì doanh nghiệp. Về quản lý kinh tế, chính phủ chú trọng 3 nhiệm vụ trong tâm: tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và tái cấu trúc thị trường tài chính. Tái cấu trúc là một việc làm cấp bách, cần sự chỉ đạo mạnh mẽ và dứt khoát của chính phủ.

Tái cấu trúc đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, đã có chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng đầu tư giàn trãi, lãi phí, kém hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn một vài tồn tại cần phải sớm được khắc phục như: kỷ luật đầu tư công (nhiều công trình hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả); việc sử lý nợ động trong xây dựng cơ bản còn chậm;...

  Tái cấu trúc doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, đã có những kết quả ban đầu. Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt và rất cụ thể việc cổ phần hóa nhưng việc triển khai còn chậm, kết quả mang lại chưa đạt như mong muốn, chưa xứng đáng với tiềm năng và năng lực Nhà nước giao; một vài tập đoàn, tổng công ty tuy đã thực hiện cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn nên chưa tạo được một “cuộc cách mạng về chất” trong công tác quản trị doanh nghiệp vì thế chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại. Trong quá trình cổ phần hoá DNNN, không nhất thiết Nhà nước phải nắm phần vốn chi phối, đồng thời phải kiên trì nguyên tắc “giá trị trường” khi bán vốn DNNN.

 Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đã và đang có nhiều chuyển biến như: các ngân hàng yếu kém bị sáp nhập (bắt buộc) hoặc ngân hàng Nhà nước mua lại; hệ thống anh ninh ngân hàng về cơ bản đã được củng cố (tuy còn một vài trường hợp ngân hàng bị tấn công an ninh mạng trong thời gian gần đây). Tuy nhiên, theo các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp thì lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ở mức 6,5% như hiện nay là còn cao  so với diễn biến của lạm phát.

Kỳ 2: Những tác động của TPP đến chính sách đầu tư của các DN.

ThS. Lê Hoàng Trọng-Khoa QTKD - ĐH Bình Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh