THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:30

TP.Cần Thơ: Điểm sáng về dạy nghề cho lao động nông thôn

Đào tạo gắn với giải quyết việc làm

Qua 5 năm (2011-2015), thực hiện Đề án 1956, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn TP.Cần Thơ đã tổ chức đào tạo được 50 nghề, ký kết hợp đồng đào tạo theo hình thức   liên kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, và doanh nghiệp, với 4 doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động chuyển đổi từ làm nông nghiệp sang phi nông nghiệp, sau học nghề đạt khoảng 5,54%. Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ đã tích cực tuyên truyền, vận động LĐNT tham gia học các nghề phi nông nghiệp như: Cơ khí, sửa chữa xe máy, xây dựng, cắt uốn tóc...

Đến nay có 9.957 LĐNT làm việc trong các ngành công nghiệp - dịch vụ, góp phần giảm tỷ trọng lao động ngành nông - lâm - thủy sản xuống khoảng 26%.

Thông qua các lớp học nghề, nông dân được trang bị kiến thức về khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần giải quyết nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo cho các doanh nghiệp, từng bước đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.

Các nghề được triển khai chủ yếu, như: Trồng lúa giống, hoa kiểng, làm nấm, kỹ thuật chăn nuôi,  nuôi trồng thủy sản, nề, hàn, điện, đan đát. Bên cạnh đó, một số mô hình đào tạo  đã giúp bà con khu dân cư vượt lũ có công ăn việc làm như: May công nghiệp, kết cườm. nghề may dân dụng, đan đát cho người dân tộc nghèo...

Trong đào tạo nghề, TP. Cần Thơ đã huy động được 37 đơn vị (chủ yếu là các doanh nghiệp) tham gia dạy nghề cho LĐNT. Hầu hết các cơ sở, đơn vị cơ bản đáp ứng yêu cầu về trang thiết bị dạy nghề tại cơ sở dạy nghề, cũng như tại các xã, phường. Bên cạnh 205 giáo viên thường xuyên tham gia dạy nghề cho LĐNT, hàng năm ngành LĐ-TB&XH TP đều tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sư phạm và kỹ năng giảng dạy cho những người dạy nghề không phải là giáo viên của các trường, trung tâm, dạy nghề nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy.

 Các khoá học cũng luôn được thay đổi với các hình thức và phương thức khác nhau như dạy tại các cơ sở dạy nghề, dạy nghề theo đơn đặt hàng của các công ty, dạy nghề lưu động tại phường, xã, thị trấn, ấp, dạy nghề tại doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ; dạy nghề gắn với các vùng chuyên canh, làng nghề...

Nhiều mô hình được nhân rộng

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án 1956, TP.Cần Thơ đã có nhiều mô hình điểm về đào tạo nghề cho LĐNT có hiệu quả cao, như mô hình: “Trồng lúa giống” do Trường ĐH Cần Thơ đảm nhiệm và mô hình “May công nghiệp” do Trường Trung cấp nghề Thới Lai. Đến nay, TP đã xây dựng và nhân rộng được 54 mô hình với 1.755 LĐNT được đào tạo và có việc làm.

Ngoài ra, các mô hình đào tạo nghề kết hợp với giải quyết việc làm tại chỗ như may gia dụng, đan lát, làm việc tại hộ gia đình, chăn nuôi, trồng trọt; dạy nghề gắn với giải quyết việc làm theo hình thức hợp đồng 3 bên (cơ sở dạy nghề - doanh nghiệp - địa phương) như: Nề, hàn, sửa xe gắn máy,... đã giúp nhiều lao động có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.  Năm 2014, mô hình đào tạo nghề thợ hàn ở quận Ô Môn (theo đơn đặt hàng của Cty Lilama); đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân ở các khu dân cư vượt lũ đã giúp nhiều lao động có việc làm, cải thiện mức sống.

Từ những mô hình này, nhiều địa phương đã có kinh nghiệm bước đầu trong việc chủ động hợp tác, lựa chọn doanh nghiệp có năng lực về chuyên môn, có khả năng giải quyết việc làm sau đào tạo, giải quyết đầu ra sản phẩm của người lao động. Các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động đã tạo sự quan tâm, gắn kết chặt chẽ giữa các sở ban ngành, đoàn thể, địa phương, cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại chỗ.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Đề án 1956 TP Cần Thơ tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, huy động nhiều thành phần tham gia dạy nghề, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nhằm giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo, tiến tới hợp đồng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. 

 

Trong 5 năm,  toàn TP. Cần Thơ có 19.007 LĐNT đã hoàn thành các lớp học nghề (trung cấp nghề: 155; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: 18.852), trong đó 13.775 người có việc làm sau đào tạo nghề (đạt 72,47%). Các địa phương có tỉ lệ lao động có việc làm sau học nghề cao là: Thới Lai (87,5%), Ô Môn (81,73%), Bình Thủy (79,8%), Thốt Nốt (71,8%). Đã có 582 hộ nghèo có người tham gia học nghề đã thoát nghèo; 2.236 hộ sau học nghề trở thành hộ khá; trên 14.000 người sau khi học nghề đã chuyển sang làm lĩnh vực phi nông nghiệp, cơ cấu lao động trong nhóm ngành công nghiệp -dịch vụ của địa phương tăng lên 73,94%.

Hồ Thanh Hải (Trưởng Phòng Đào tạo nghề - Sở LĐ-TB& XH TP. Cần Thơ)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh