Đào tạo nghề cho LĐNT: Tạo diện mạo mới cho vùng quê Bạc Liêu
- Bài thuốc hay
- 16:05 - 21/06/2015
Chăm lo cho sự phát triển con người
Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án, nhờ sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành mà toàn tỉnh có trên 56.000 LĐNT được đào tạo nghề; trong đó, trên 32.000 lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách Đề án 1956, gần 4.000 lao động được hỗ trợ vay vốn học nghề, trên 1.500 LĐNT sau khi đào tạo nghề có việc làm thoát nghèo và có thu nhập khá… Riêng năm 2014, có trên 12.000 LĐNT qua đào tạo nghề và gần 600 lao động có việc làm ổn định.
Đạt được những thành công trên, Ban chỉ đạo các cấp đã thường xuyên quan tâm đến phát triển mạng lưới dạy nghề, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập. Nhiều địa phương đã triển khai thí điểm các mô hình dạy nghề có hiệu quả như: kỹ thuật nhân giống lúa, kỹ thuật trồng rau an toàn, kỹ thuật nuôi cua biển, nuôi cá bống tượng…
Bên cạnh đó, qua thời gian đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT đã giúp cho người học nghề có ngay việc làm trên cơ sở tổ chức sản xuất tại hộ gia đình như: mở rộng sản xuất, đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, chuyển đổi nghề mới trong điều kiện tư liệu sản xuất hiện có của gia đình, từ đó giải quyết được thời gian nhàn rỗi, góp phần nâng cao mức sống cho người LĐNT.
Từ các lớp đào tạo nghề này, còn hình thành nên một đội ngũ “kỹ sư nông dân” với nhiều nghề điển hình như: Kỹ thuật nhân giống lúa (cấp xác nhận và cấp nguyên chủng), kỹ thuật nuôi và phòng trừ bệnh cho gà, vịt, kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho heo, kỹ thuật nuôi cá sặc rằn…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Ban chỉ đạo 1956 tỉnh Bạc Liêu, một trong những nguyên nhân góp phần cho thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho LĐNT là các ngành, địa phương đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền. Trong đó, có nhiều bài viết chuyên sâu, bám sát thực tế lao động ở địa phương, hoạt động có hiệu quả các cơ sở dạy nghề, chú trọng tuyên truyền sâu rộng vai trò, tính cần thiết của công tác dạy nghề để nâng cao tay nghề chuyên môn kỹ thuật cao nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ sản xuất, cơ cấu cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH còn tổ chức in, phát hơn 30.000 tờ rơi cho các huyện, thành phố tuyên truyền đến tận hộ gia đình, người lao động có nhu cầu học nghề. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tư vấn trực tiếp và thông qua các sàn giao dịch việc làm tổ chức tư vấn học nghề, việc làm và phát tờ thông tin.
Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động LĐNT tham gia học nghề, thì từ năm 2011, UBND tỉnh đã giao kinh phí cho UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư, nhằm tăng tính chủ động cho các địa phương, đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động, nhu cầu thực tế của địa phương.
Cũng theo Ban chỉ đạo 1956 tỉnh Bạc Liêu, nhằm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án 1956 giai đoạn 2016 - 2020, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy để đảm bảo chương trình đào tạo phù hợp với trình độ, nhận thức của lao động nông thôn…
Nhìn chung, nhờ chọn cho mình những cách làm hay mà những năm gần đây, Bạc Liêu đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần giảm nghèo một cách bền vững, thực hiện thành công tiêu chí “Thu nhập; Hộ nghèo và Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên” trong công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ảnh trên: Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” trong một buổi tọa đàm về công tác giảm nghèo bền vững.