CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:54

Trà Vinh: Đẩy mạnh dạy nghề cho lao động nông thôn

 

Những năm gần đây, xuất phát từ thực tế của địa phương, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từ nay đến năm 2020, thực hiện QĐ số 1956/2009/QĐ – TTg, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực, tăng cường đẩy mạnh công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động dồi dào này.

Đây được xem là động lực phát triển đồng bộ nguồn nhân lực giữa các khu vực, vùng nhằm đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội. Từ nhận thức ấy, những năm qua các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Trà Vinh đã chung tay tập trung nhiều nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Được biết, trong giai đoạn 2011 – 2015, Trà Vinh triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn với chỉ tiêu đào tạo 45.000 lao động, đạt tỷ lệ lao động được qua đào tạo nghề chiếm 37%. 

Nghề sản xuất bánh, hủ tiếu ở Trà Vinh thu hút nhiều lao động nữ nông thôn theo học để tự tạo việc làm tại gia.


Để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu đề ra, tỉnh đã đầu tư 9 tỷ đồng trang bị thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc dạy nghề cho 13 cơ sở dạy nghề công lập, đảm bảo đủ năng lực dạy nghề ngắn hạn và dài hạn từ 6.000 – 7.000 lao động/năm. Riêng trong năm 2014, thực hiện dự án Hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn (thuộc đề án 1956), các cơ sở dạy nghề và có tham gia dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo được 3.698/4.574 lao động, đạt 80,84% kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2015, đã triển khai thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được là 1.455 lao động (trong đó sơ cấp nghề 566 lao động, dạy nghề dưới 3 tháng 889 lao động). Trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Trà Vinh chủ yếu triển khai dạy những nghành nghề thiết thực, để người lao động có cơ hội xin việc làm và tự tạo việc làm tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đó là những nghề như: May công nghiệp, chăn nuôi thú y, trồng trọt, kỹ thuật xây dựng, may dân dụng, sữa chữa máy vi tính, bảo mẫu, nuôi trồng thủy sản, sửa chữa máy nổ, sữa chữa xe gắn máy, điện dân dụng, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh…Nói chung  trong công tác dạy nghề tỉnh đặc biệt là quan tâm những nghành nghề đang phát triển ở nông thôn trong tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn của tỉnh trong việc dạy nghề cho lao động nông thôn là mỗi năm cần khoảng 22 tỷ đồng mới đảm bảo hỗ trợ học phí đào tạo cho lao động. Trong đó nguồn kinh phí từ Trung ương hỗ trợ cho tỉnh hàng năm khoảng 5 tỷ đồng, số còn lại nguồn ngân sách tỉnh khó đủ khả năng hỗ trợ. Trước thự tế ấy, để đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu đề ra, những năm qua Trà Vinh đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, thông qua việc vận động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa tuyển dụng, vừa dạy nghề, truyền nghề cho người lao động. Trong quá trình triển khai thực hiện theo phương thức này tỉnh hỗ trợ phần kinh phí xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề cho từng doanh nghiệp. Được biết, hiện nay đã có khoảng 9 doanh nghiệp có nhu cầu sủ dụng từ 500 lao động trở lên đã đăng ký với tỉnh thực hiện phương thức vừa dạy nghề, vừa tuyển dụng lao động. Ngoài ra toàn tỉnh Trà Vinh hiện còn có12.300 cơ sở hoạt động nghành nghề nông thôn, trong đó có 12 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, với các ngành nghề thiết thực và rất phù hợp với điều kiện theo học của người lao động nông thôn. Cụ thể như các ngành nghề chế biến, bảo quản nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, tre đan, dệt chiếu, thảm lát, tơ xơ dừa, sản xuất bún, bánh, cây trồng sinh vật cảnh, thủ công mỹ nghệ…Theo học những nghành nghề gắn với nông thôn này, sau khóa học người lao động có thể vào làm tại các các sở ngành nghề, hoặc tự tạo việc làm tại nhà. Trong Nghị quyết số 22 – NQ/TU ngày 19/6/2015 của Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 nêu rõ “phát triển ngành nghề nông thôn là một bộ phận phát triển tổng thể kinh tế xã hội”. Theo đó, phấn đấu giai đoạn 2016 – 2020 tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn bình quân đạt 6 – 6,5 % và mỗi năm tạo thêm việc làm mới cho từ 800 – 1.000 lao động nông thôn. Đây chính là những thuận lợi cơ bản cho Trà Vinh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từ nay tới 2020.

Trang Thúy

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh