TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp ổn định tâm lý người cai nghiện
- Pháp luật
- 20:26 - 16/11/2016
Theo ông Trần Ngọc Du, Chi cục trưởng chi cục PCTNXH TP Hồ Chí Minh, qua nắm bắt đến thời điểm hiện tại tâm lí, tư tưởng của các học viên tại các cơ sở cai nghiện thuộc TP Hồ Chí Minh tạm thời ổn định, “đó là cả một sự nõ lực rất lớn của CB-CNVC tại các cơ sở”.
Cũng theo ông Du, hiện tại TP.Hồ Chí Minh đang quản lý 11.523 học viên cai nghiện kể cả tự nguyện và bắt buộc tại 17 cơ sở cai nghiện, trong đó có 13 cơ sở công lập với quy mô thiết kế tiếp nhận gần 24000 người, như vậy ở TP chỉ mới sử dụng 50% công năng tiếp nhận, nên không hề có tình trạng quá tải. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do thông tin về các vụ bạo động, gây rối của các học viên ở Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã tác động không nhỏ tới tâm lý của các học viên. Trước tình hình đó, lãnh đạo TP đã có những văn bản chỉ đạo kịp thời, thành lập đoàn đi nắm tình hình tại các cơ sở, bên cạnh đó mỗi cơ sở cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ổn định tâm lí giúp học viên yên tâm chữa bệnh.
Theo ông Đỗ Thế Minh, giám đốc trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Văn, đơn vị đang quản lí 1550 học viên, cho đến thời điểm hiện nay thì tâm lý các học viên tại cơ sở không có vấn đề gì do đơn vị trước nay luôn chú ý đến đời sống tinh thần cho các em. Thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao nhằm giúp các em giải tỏa căng thẳng trong quá trình điều trị tại cơ sở. Đặc biệt, mỗi kỳ cơ sở đều có hoạt động xét giảm thời gian cai nghiện với những học viên có những biểu hiện tích cực, điều này có tác động rất lớn giúp các em phấn đấu.
Các cơ sở cai nghiện thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các học viên
Giám đốc Trung tâm chữa bệnh Đức Hạnh, ông Nguyễn Hữu Tài cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 1.100 học viên, tỷ lệ không có nơi cư trú ổn định chiếm 90%, trong đó ma túy tổng hợp chiếm 48%, tiền án tiền sự trên 60%. “Trước đặc điểm học viên phức tạp, chúng tôi đã tăng cường cho cán bộ cơ sở cắm ở mỗi khu học viên để nắm bắt những khó khăn bức xúc và phối hợp với gia đình để làm công tác tư tưởng cho học viên. Ngoài ra, chúng tôi còn cho học viên xem hài để làm dịu tâm lý”.
Do đặc thù cơ sở tiếp nhận 100% là nữ nên tại Trung tâm Giáo dục lao động Phú Nghĩa chỉ áp dụng những biện pháp quản lý học viên nhẹ nhàng,chủ yếu tập trung vào giáo dục, thuyết phục. Tuy nhiên, ở cơ sở cũng nổi lên những hiện tượng một số học viên là đối tượng cộm cán, có tiền án tiền sự, cầm đầu các vụ bạo động trước đó ở một số cơ sở nên ngay từ đầu đã phân loại, tách các học viên này ở những khu vực riêng nhằm tránh việc lôi kéo, kích động các học viên khác gây bạo động, ông Hoàng Liên Sơn, giám đốc Trung tâm cho biết.
Nhận định tình hình tại các cơ sở cai nghiện của TP Hồ Chí Minh ông Trần Ngọc Du cho biết thêm, hiện tại thì ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc không có nhiều lo ngại nhưng các đơn vị không được chủ quan, những cơ sở nằm ở các cụm liền kề nhau cần ngồi lại có phương án thành lập lực lượng phản ứng nhanh để xử lý tình huống tại chỗ kịp thời. Ông đặc biệt lưu ý 3 cơ sở tiếp nhận xã hội cần phải chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, giải thích cho người nghiện hiểu được sự hỗ trợ của cộng đồng và xã hội trong việc điều trị bệnh của họ, vì người nghiện ở các cơ sở này đang trong giai đoạn cắt cơn và trong quá trình xác minh hồ sơ nên tâm lí chưa ổn định, đồng thời ông yêu cầu các ban ngành liên quan tích cực xác minh để đưa người về địa phương quản lý.
Theo ông Nguyễn Minh Tấn, giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh, tại các cơ sở cai nghiện của TP Hồ Chí Minh luôn quán triệt tư tưởng coi người nghiện là người mắc bệnh mãn tính nên việc các học viên được đưa vào đây là để cách ly chữa trị phục hồi. Do đó, trong quá trình tiếp xúc, chữa trị cho các em thì các cán bộ của cơ sở luôn đối xử ân cần, hỗ trợ giúp đỡ các em về mọi mặt. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất khá tốt, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của các học viên. Ông Tấn cũng cho biết thêm, quan điểm của TP Hồ Chí Minh là không phải bằng mọi giá đưa người nghiện vào cơ sở, mà chỉ những người không có nơi cư trú ổn định, xác định tình trạng nghiện rõ ràng mà không có sự hỗ trợ từ gia đình, địa phương thì mới đưa vào để giúp đỡ họ điều trị.