CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Phải tính lại mô hình cai nghiện cho phù hợp

 

“Thứ nữa cần chú trọng chăm lo đội ngũ những người làm công tác cai nghiện ở đây. Tôi xin nói là những người ở đây (cán bộ đảm trách công tác cai nghiện) rất vất vả, khó khăn, và rất gian khổ. Nhìn chung mức lương chỉ 2 triệu đồng / người/ tháng - trong khi đó những nguy cơ tại các cơ sở cai nghiện lúc nào cũng sẵn sàng rình rập” - Bộ trưởng trăn trở.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời báo chí, truyền hình bên hành lang Quốc hội sáng nay 14/11

- Bộ trưởng vừa có chuyến thị sát tình hình tại trung tâm cai nghiện ở tỉnh Đồng Nai, nơi xảy ra sự việc đập phá, trốn trại. Hướng xử lý, phân loại các đối tượng nghiện sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

 Đúng là phải tính lại mô hình cai nghiện cho phù hợp. Xác định đối tượng đưa vào cai nghiện bắt buộc và tự nguyện phải khác nhau.

Về cai nghiện bắt buộc: Thứ nhất các đối tượng đã cai nghiện gia đình, cai nghiện cộng đồng, cai nhiều lần không thoát được nghiện, buộc phải đưa vào các trung tâm cai nghiện.

Xu hướng chung là giảm tối đa cai nghiện bắt buộc. Chỉ bắt buộc khi không còn, không thể tiến hành cai nghiện ở gia đình, cộng đồng.  

Thứ hai, những người đưa cai nghiện bắt buộc là những người nghiện không có nơi cư trú ổn định.

Bây giờ phải phân loại thế này, những người có tiền án tiền sự- vì từ thực tế, những người phá cơ sở nặng nề nhất, chính là những người có tiền án tiền sự, ma túy đá, hướng thần, loạn thần- những người này vào các trung tâm cai nghiện luôn có suy nghĩ phải làm sao để ra được khỏi đây, để có ma túy sử dụng; nên luôn tìm cách “thoát”, phá phách, lôi kéo... Vì thế, phải có một khu vực riêng để cai nghiện riêng.

Còn những đối tượng nhẹ hơn hoặc vào ban đầu cũng phải được phân loại vào một khu riêng. Trong thời gian rất ngắn phải xác minh được những người bắt buộc đưa vào thông qua tòa án thì rõ ràng bắt buộc đưa vào, còn những người còn lại thì khẩn trương đưa họ về gia đình.

Việc thứ hai, theo chúng tôi, phải giải quyết cơ bản, giải quyết tận gốc vấn đề, đó là kiên quyết xử lý những trường hợp gây rối, gây phức tạp trong quá trình cai nghiện. Vì tâm lý những người vào cơ sở cai nghiện rất dễ bị tâm lý đám đông. Chỉ cần 1-2 người ý kiến cầm đầu kích động, lôi kéo rất dễ dẫn đến hiện tượng vừa qua. Chính vì thế phải xử lý rất nghiêm minh những người cầm đầu, những đối tượng lôi kéo và phải cách ly ra.

Thứ ba, một giải pháp rất căn cơ, hiện nay nhìn chung 132 cơ sở cai nghiện của chúng ta đều quá tải. Sự quá tải này không đơn thuần là lao động bình thường, mà quá tải của những người đúng ra là vì nhân đạo, vì trách nhiệm với cộng đồng, trách nhiệm với gia đình, với chính bản thân thanh niên chúng ta phải chăm sóc! Nhưng những người này, 30- 40% các đối tượng này có tiền án tiền sự, sẵn sàng bất cứ lúc nào gây ra phức tạp cho xã hội, nên việc đầu tư xây dựng các trung tâm cơ sở thời gian tới rất cần thiết.

Việc xây dựng này phải trên cơ sơ đầu tư đến nơi đến chốn, và có lẽ phải cho áp dụng cơ chế rất đặc thù. Còn nếu cứ quy trình đấu thầu như thế này không biết đến bao giờ chúng ta mới có cơ sở đến nơi đến chốn được.

- Bộ trưởng có thế nói rõ hơn về cơ chế đặc thù, tách riêng trong việc tổ chức cai nghiện?

Đặc thù là thế này: Thông thường hiện nay các cơ sở cai nghiện của chúng ta do địa phương quản lý, do địa phương xây dựng, nhưng nhìn chung các cơ sở cai nghiện trừ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng điều kiện cơ sở vật chất cai nghiện tương đối tốt. Ở những cơ sở này có khu cho các em vui chơi giải trí, chăm lo tạo việc làm, tạo môi trường cai nghiện tốt.

Còn lại nhìn chung các cơ sở quá tải, không đáp ứng được. Thậm chí có nơi quá tải tới 30- 40%, có nơi cá biệt quá tải gấp 3 lần. Cộng thêm các điều kiện vui chơi không có, việc làm không có, các em rất dễ nảy sinh các mặt khác.

Vì vậy thời gian tới, chính quyền các cấp phải chú trọng nâng cấp các cơ sở này. Và tách 2 cơ sở như tôi nói, cơ sở ban đầu phải khác cơ sở bắt buộc. Thứ nữa phải cho địa phương cơ chế đặc thù, coi như đây là công trình cấp bách, phải được chỉ định thầu để khẩn trương xây dựng.

- Một số ý kiến băn khoăn về việc có tình trạng thẩm lậu ma túy vào trại cai nghiện, Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn?

Chúng ta phải rất chú trọng chặn nguồn thuốc lậu, nguồn thẩm lậu, đấu tranh kiên quyết triệt phá việc tàng trữ, vận chuyển, tích trữ ma túy. Hiện nay nhiều người vẫn nghi ngại việc tại sao trong các cơ sở cai nghiện có những trường hợp có thể 4, 5 tiếng đồng hồ chạy trên mái nhà, hay ngồi trên cột điện 5, 6 tiếng không ngã - người thường làm được không? Chắc là khó!

Nên nhiều ý kiến băn khoăn là hay chăng trong các cơ sở cai nghiện ma túy vẫn còn tình trạng thẩm lậu ma túy vào đây? Đây cũng là cái mà phải giải quyết đến nơi đến chốn. Và chúng tôi nghĩ thế này, theo quy định pháp luật và Nghị định 98/NĐ-CP, thì thời gian tới đây việc phối hợp giữa Sở LĐ-TB&XH, ngành công an với chức năng để chặn tối đa việc thẩm lậu ma túy vào các cơ sở cai nghiện. Đây là vấn đề phải cực kỳ quan tâm.

Cùng với đó, phải rất chú trọng chăm lo đội ngũ - gồm những người có chuyên môn về Y, kiến thức về tâm lý, trị liệu… và đội ngũ nữa là những người làm công tác cai nghiện ở đây.

Tôi xin nói là những người ở đây rất vất vả. Họ rất khó khăn, rất gian khổ. Nhìn chung mức lương chỉ 2 triệu đồng/người/tháng, trong khi đó những nguy cơ lúc nào cũng rình rập.

Điều cuối cùng, phải có sự phối hợp rất nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng với gia đình, với xã hội, cộng đồng để đối phó với cuộc đấu tranh còn rất cam go, rất gian khổ này. Nếu không đẩy mạnh được sự phối hợp chặt chẽ thì không có cơ sở nào giải quyết được trọn vẹn vấn đề này.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!


NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh