THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:00

TP. HCM tìm giải pháp 'gỡ khó' cho doanh nghiệp bất động sản và người dân

 

Theo đó, tại cuộc họp ngày 23/1, HoRea cùng nhiều doanh nhân đã thẳng thắn nêu ra những bất cập còn tồn đọng và kiến nghị lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ khẩn những "điểm nghẽn" vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Nhiều sự việc “giậm chân tại chỗ”

Sở dĩ không mới là vì hầu hết các kiến nghị do Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) và các doanh nghiệp kinh doanh BĐS nêu ra tại buổi họp đã xuất hiện nhiều lần tại các buổi họp, cũng như trong các văn bản đã diễn ra, gửi đi trước đây. Tuy nhiên, việc kiến nghị nhiều lần mà sự việc vẫn “giậm chân tại chỗ”, đối với doanh nghiệp là thiệt hại, vì dự án không chạy nên không bán được sản phẩm mà lãi ngân hàng phải trả, lương nhân viên và nhiều khoản chi phí khác khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, khó khăn tại Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long. 15 năm trước, công ty trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá theo đúng quy định và đã được UBND TPHCM cấp giấy chủ quyền. Chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng hình thành nên khu đô thị mới Dragon City hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị trục đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè.

Tuy nhiên, theo ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc công ty, cho biết: cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 01 căn nhà và đất của một số hộ dân, không chịu di dời mà còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, cản trở không cho Công ty triển khai đầu tư xây dựng dự án, thậm chí có hành vi tự ý xông vào công trường, đập phá tài sản và tháo dỡ hàng rào của Công ty trong các ngày 30 và 31/10/2018. Công ty đề nghị thành phố và huyện Nhà Bè hỗ trợ để giao đất đầy đủ cho Công ty triển khai thực hiện dự án.

Nhiều doanh nghiệp nêu lên những khó khăn trong thời gian qua


Trường hợp, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) cũng gặp khó, ông Bùi Tiến Thắng – Tổng giám đốc cty cho biết: hiện doanh nghiệp đang đầu tư dự án khu liên hợp văn phòng - căn hộ - thương mại rộng hơn 5.000 m2 tại khu vực giao lộ Tản Đà - Hàm Tử, quận 5. Tuy nhiên, DN đang gặp vướng trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền sẽ khó vượt qua.

Theo ông Bùi Tiến Thắng, trong 57 hộ dân được bồi thường tái định cư chỉ còn một hộ không chịu di dời và không có thái độ hợp tác. Hộ dân này không chấp nhận bồi thường theo phương án thành phố duyệt là khoảng 4 tỷ đồng mà đòi lên gần 30 tỷ đồng, tức tương đương khoảng 1,1 tỷ đồng/m2.

Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh cũng gặp khó dự án chung cư cao tầng tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với tổng diện tích dự án là 28.980m2. Trong quá trình triển khai các thủ tục lập dự án, Hưng Thịnh gặp một số vướng mắc, khó khăn liên quan đến phương án kết nối giao thông với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm đường vành đai 2, đường D5 và đường N2.

Vì vậy, Công ty Hưng Thịnh và dự án của Công ty Thiên Phúc Lợi Kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chấp thuận về mặt chủ trương như: Được lập theo phương án kết nối giao thông với các tuyến đường quy hoạch tiếp giáp gồm Đường vành đai 2, Đường D5 và Đường N2 khi giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với hình thức hợp đồng phù hợp quy định của pháp luật.

Theo đó, hai Công ty sẽ tự ứng vốn để thực hiện việc thỏa thuận, đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý đầu tư và triển khai xây dựng hoàn thành Đường D5 và Đường N2 đúng theo quy hoạch được duyệt. Đối với các chi phí mà doanh nghiệp ứng vốn để đầu tư, xây dựng 2 tuyến đường này, đề nghị được khấu trừ vào tiền sử dụng đất của 2 Dự Án hoặc được thu hồi vốn thông qua các hình thức phù hợp theo quy định pháp luật hiện hành.

TP.HCM ra tay tháo gỡ “điểm nghẽn” cho doanh nghiệp

Trước hàng loạt trường hợp cụ thể của doanh nghiệp nêu ra, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết tình hình thực tế: “Các bộ phận của sở trong tổ chức thực hiện có nhiều điểm hiện nay chậm so với chỉ đạo của TP”.

Về việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp trong buổi đối thoại trước đây, ngày 8/11/2018, sở đã có văn bản trả lời cụ thể cho HoREA về vướng mắc của doanh nghiệp. Thực tế triển khai dự án bị vướng rất nhiều bởi quy định của luật, của nghị định, thông tư. Tháng 12/2018, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký kiến nghị trình lên Thủ tướng, Bộ Tài nguyên - Môi trường liên quan đến 35 vướng mắc, nhằm sớm có ý kiến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, ông Nguyễn Toàn Thắng chia sẻ: Công ty trúng đấu giá, bị tái chiếm là phải xử lý dứt điểm, vì nguyên tắc phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, ai sai phải xử lý người đó. Vừa qua, sau khi UBND TP chỉ đạo, sở có đề nghị huyện Nhà Bè nhanh chóng làm rõ các nội dung trên, phối hợp với sở để xử lý dứt điểm các thủ tục tiếp theo, để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, sự việc chậm là vì huyện Nhà Bè chưa có báo cáo chính thức.

Lắng nghe các ý kiến của HoRea và đại diện các DN, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, luôn sẵn sàng hỗ trợ DN bằng những hành động cụ thể. Những gì trong thẩm quyền của thành phố thì thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết ngay. Những nội dung ngoài thẩm quyền thì thành phố sẽ đăng ký làm việc với Chính phủ, phản ánh với Quốc hội để sớm sửa những điểm bất hợp lý như doanh nghiệp phản ánh.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM cho biết, quy định “đất ở hợp pháp” để được công nhận chủ đầu tư, theo quy định của Luật Nhà ở, tại TPHCM chỉ có 25% dự án đủ điều kiện “đất ở hợp pháp”. UBND TPHCM có 2 lần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong phiên làm việc mới đây nhất TP cũng báo cáo Thủ tướng, được biết Thủ tướng giao các bộ tìm hướng tháo gỡ.

Công khai minh bạch các dự án BĐS bảo vệ quyền lợi cho DN và người dân

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đề nghị các DN nắm vững các kiến thức về pháp luật để triển khai dự án, làm đúng theo pháp luật, vì thực tế nhiều “vấn đề lịch sử” để lại rất khó giải quyết. Thực tế hiện nay, thị trường bất động sản rất phức tạp. Bên cạnh những DN làm ăn chân chính vẫn có một số DN rao bán dự án khi thủ tục còn chưa tới đâu. Thậm chí có DN sau khi đã bán cho người dân còn đem tài sản đó đi thế chấp, cầm cố tại ngân hàng. Nhiều dự án chất lượng không đúng như quảng cáo.

Ông Trần VĩnhTuyến chỉ đạo: “Thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng sẽ công khai minh bạch bằng “APP thông tin điện tử” về pháp lý của từng dự án để người dân có thể tìm hiểu rõ ràng. Kế hoạch này đã triển khai rồi, trước mắt sẽ công bố những dự án triển khai trong năm 2018-2019”.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án "Bán lúa non" chưa được giải quyết


Đặc biệt, một vấn đề “nhạy cảm” gây ồn ào thị trường vừa qua được ông Trần Vĩnh Tuyến giải thích khá kỹ lưỡng, đó là việc rà soát lại hồ sơ pháp lý dự án nhà ở của DN thông qua các cơ quan chuyên môn như thanh tra, kiểm tra, cơ quan điều tra, các bộ ngành là việc làm hết sức bình thường. Mục tiêu là bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của người dân.

“Quan điểm của thành phố là bảo vệ tuyệt đối quyền lợi của người dân, những dự án nào Nhà nước đã cho phép rồi thì quyền lợi hợp pháp đó sẽ được bảo vệ. Những DN nào được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì sẽ được bảo vệ hợp pháp. Những sai sót pháp lý thuộc về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước thì Nhà nước sẽ xử lý những cán bộ sai phạm, không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và DN. Tóm lại, thời gian qua việc rà soát của TP là việc hết sức bình thường, sẽ tiếp tục rà soát nữa khi triển khai ý kiến của các cơ quan chuyên môn như Kiểm toán, Bộ Tài chính. Sau này TP sẽ làm nội bộ, chặt chẽ không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, hoạt động của doanh nghiệp”, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh