THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:21

TP.HCM: Dạy nghề miễn phí cho trẻ đường phố

 

TP. HCM từ lâu đã là một thành phố tập trung đông nhất trẻ lang thang cơ nhỡ mưu sinh trên đường phố với khoảng hơn 10.000 em, trong số đó có tới 80% là trẻ nhập cư đến từ các tỉnh, thành miền Trung và miền Bắc và có khoảng 5.000 em không biết chữ hoặc đã bỏ học.

Theo nhận định của các ngành chức năng, trẻ đường phố là đối tượng dễ bị tổn thương và là nạn nhân của bóc lột lao động, bị lạm dụng tình dục, có nguy cơ cao về lây nhiễm HIV/AIDS.

Trước thực trạng nhức nhối ấy, từ lâu các cấp, các ngành chức năng TP. HCM đã và đang quan tâm đến việc đưa các em vào các cơ sở nhà mở, mái ấm tình thương chăm sóc, nuôi dưỡng cho học văn hóa, đặc biệt là học nghề, hướng nghiệp.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, đây là vấn đề mang tính xã hội, nên rất cần có sự chung tay góp sức giải quyết của cả cộng đồng.

Để hiện thực hóa vấn đề này, từ năm 2003, Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TP. HCM tọa lạc tại số 153, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, quận Bình Thạnh  được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, trở thành niềm hạnh phúc bao số phận trẻ em lang thang cơ nhỡ, mưu sinh trên đường phố.        

Đây là một dự án kết nghĩa giữa TP. HCM và thành phố Lion (Pháp), do Sở LĐ – TB & XH (TP.HCM) cùng Hiệp hội Tam giáo thế hệ nhân đạo cùng điều hành mang đậm chất nhân văn vì số phận những trẻ em mưu sinh trên đường phố.

Hàng năm theo kế hoạch Trường tổ chức đào tạo khoảng 200 học viên từ 16 tuồi trở lên, có học vấn từ lớp 5, tất cả đều là đối tượng trẻ đường phố, trẻ cơ nhỡ, trẻ mồ côi đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm xã hội của Sở LĐ – TB & XH (TP.HCM), trong các mái ấm nhà mở và cả các em đang sống tại cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Khi mới đi vào hoạt động Trường tổ chức dạy 2 nghề chính là phụ bếp, phục vụ bàn, sau đó mở rộng thêm ngành nghề như: Chế biến thức ăn, làm bánh mì các loại, bánh ngọt các loại, làm buồng khách sạn, phụ giúp việc gia đình và tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng sống, đều do giáo viên Việt – Pháp giảng dạy.

Trong khóa học kéo dài một năm các em sẽ được học văn hóa, học nghề, thực tập nghề tại Trường và tại các nhà hàng, khách sạn có uy tín để nắm vững tay nghề.

Từ ngôi Trường này đi ra và bước vào đời 14 năm qua đã có hàng trăm em từ thân phận trẻ thiếu may mắn, lang thang mưu sinh trên đường phố đã có cơ hội tìm được việc làm, ổn định và vươn lên trong cuộc sống.

 Một buổi học làm các loại bánh ngọt của học viên là trẻ đường phố tại Trường Nghiệp vụ Nhà hàng TP. HCM 

Hiện nay, ngoài Trường Nghiệp vụ Nhà hàng còn có Trung tâm KOTO (TT), một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận cũng đào tạo nghề phục vụ khách sạn miễn phí cho trẻ em đường phố.

Đối tượng học viên được chọn là những trẻ em mưu sinh trên đường phố, có nguy cơ bị lạm dụng, bóc lột sức lao động, sa vào những hành vi, việc làm xấu, có khao khát học nghề để thay đổi số phận.

Những học viên được nhận vào học ngoài được đào tạo nghề và ăn ở miễn phí, mỗi em còn được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/ tháng/em để trang trải sinh hoạt cá nhân suốt khóa học 2 năm, với những ngành nghề thiết thực bao gồm các ngành nghề về phục vụ nhà hàng, nhà bếp, tiếng Anh giao tiếp…

Cách lựa chọn học viên theo học ở TT mang đậm tinh thần nhân ái, ngoài cộng tác với Sở LĐ – TB & XH (TP. HCM), các nhà mở, mái ấm tình thương, TT còn có lực lượng cộng tác viên là những người làm công tác xã hội thiện nguyện tìm đến các công viên nơi trẻ đường phố hay tụ tập để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng, ước mơ của từng em rồi lựa chọn đưa về TT phỏng vấn.

Quy trình tuyển chọn khá chặt chẽ, các em phải trải qua vòng xét tuyển với hồ sơ có chữ ký xác nhận của địa phương, hoặc chứng nhận của các trung tâm (nhà mở, mái ấm tình thương).

Đặc biệt trong khi phỏng vấn, cái chính là các em phải thể hiện được khát vọng vươn lên với quyết tâm thực hiện mơ ước thay đổi số phận của minh.

Là một TT hoạt động nhân đạo nhằm giúp giúp trẻ em đường phố và những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mỗi năm KOTO chi nhánh ở TP. HCM tuyển sinh 2 lần, mỗi lần khoảng 30 – 35 học viên tuồi từ 16 – 22.

Nhiều thế hệ học viên sau khi qua đào tạo nghề, đa số đều được nhận vào phục vụ tại nhà hàng KOTO và các em thực sự đã trưởng thành, đổi đời từ đây.

Tuy nhiên, theo các ngành chức năng hiện nay tỷ lệ số trẻ mưu sinh trên đường phố ở TP. HCM may mắn được đào tạo nghề miễn phí để có một cái “cần câu cơm” như vừa kể trên còn thấp.

Trong thời gian tới TP. HCM rất cần xã hội hóa, nhân rộng mô hình dạy nghề miễn phí này, để trẻ em đường phố, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội được học nghề và tìm được việc làm vươn lên trong cuộc sống.

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh