THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:56

TP. HCM: Gian nan cai nghiện ma túy tại cộng đồng

 

Theo lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, từ năm 2016 đến nay, các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố đã và đang triển khi thực hiện mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ – CP của Chính phủ.

Mục đính của mô hình cai nghiện này là nhằm giúp cho người nghiện không bị cách ly khỏi xã hội, không gián đoạn học tập. việc làm, giảm sự kỳ thị và có cơ hội nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Tháng 2/2017 tại TP. HCM, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ LĐ-TB & XH đã tổ chức Hội nghị về công tác quản lý người nghiện ma túy và cai nghiện ma túy.

Tại Hội nghị này, nhiều ý kiến của lãnh đạo các ngành chức năng nhấn mạnh, giải pháp trọng tâm cần đẩy mạnh trong thời gian tới là tập trung cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, không tập trung người nghiện quá đông tại một cơ sở cai nghiện nào đó mà phân nhỏ ra nhiều nơi.

Đây được xem là một mô hình cai nghiện ma túy giàu chất nhân văn, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đã và đang vấp phải nhiều khó khăn, bất cập.

Năm 2016, trên địa bàn TP. HCM có gẩn 12.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, có nơi cư trú ổn định, cụ thể , nhưng chỉ có 841 người tự nguyện thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo NĐ 94 của chính phủ, trong số đó chỉ có một số ít đếm trên đầu ngón tay được cấp giấy chứng nhận cai nghiện thành công.

Lực lượng cán bộ chuyên trách tư vấn cho người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng


Hiện nay, TP. HCM có 22.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, nhưng số người nghiện cai tại gia và cộng đồng cũng với tỷ lệ rất thấp, chủ yếu vẫn theo mô hình cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở do Sở LĐ-TB & XH TP quản lý.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, TP HCM đã đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc 3.168 người, nâng tổng số người nghiện ma túy đang quản lý tại các trường, trung tâm, cơ sở xã hội trên địa bàn thành phố là 11.317 người.

Nguyên nhân vì sao cai nghiện tại gia đình và cộng động tỷ lệ thành công thấp, theo các ngành chức năng là do sự kỳ thị trong cộng đồng, khiến cho thân nhân người nghiện ma túy không chủ động khai báo, còn tâm lý e ngại.

Nhiều trường hợp thân nhân người nghiện ma túy lại lựa chọn đưa con em mình tới các cơ sở cai nghiện tư nhân, vì ở đó mọi thông tin cá nhân người nghiện hoàn toàn được bảo mật.  

Lãnh đạo các ngành chức năng TP. HCM cho biết, hiện nay do các trạm y tế địa phương chưa đảm bảo yêu cầu thực hiện quy trình cắt cơn, giải độc theo quy định nên từ 2016, TP đã đưa ra biện pháp cấp bách là đưa người nghiện ma túy tới 5 cơ sở và trung tâm để cắt cơn, giải độc trong 15 ngày, sau đó mới bàn giao người nghiện cho gia đình, địa phương quản lý tiếp tục cai nghiện.

Tuy nhiên, giải pháp cấp bách này cũng chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn, nhiều người sau thời gian cắt cơn, giải độc trở về gia đình và cộng đồng lại tái nghiện.

Thực trạng tái nghiện hiện nay khá cao, ngay cả số người sau thời gian cai nghiện bắt buộc tại các sơ sở, trường, trung tâm cai nghiện, khi tái hóa nhập cộng đồng, trở về với gia đình vẫn tái nghiện, với tỷ lệ khá cao.                                                                

Thực tế tại TP. HCM hiện nay cho thấy, mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hết sức gian nan, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề số người nghiện ma túy lang thang ngoài xã hội còn nhiều.

Theo Sở LĐ-TB & XH TP. HCM trong tổng số người nghiện trên địa bàn TP, có tới trên 60 % số người nghiện đến từ các tỉnh, thành phố khác không có nơi cư trú ổn định, trên 75 % số người nghiện không có việc làm, hoặc việc làm không ồn định.

Đây thực sự là một bài toán nan giải, khiến cho mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở TP. HCM khó thực hiện thành công.                                                                                                                               

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh