THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:58

TP. HCM: Người sau cai nghiện gian nan tìm việc làm

 

Để tạo cơ hội về việc làm cho người sau cai nghiện ma túy, từ 2012, UBND TP. HCM đã phê duyệt Đề án “Dạy nghề, giải quyết việc làm cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện ma túy tại TP. HCM giai đoạn 2011 – 2015”.

Mục tiêu của Đề án là đưa chương trình đào tạo nghề cho học viên đang cai nghiện và sau cai nghiện ma túy tại các trường, trung tâm, cơ sở xã hội trở thành một trong những nội dung quan trọng, chủ yếu trong quy trình cai nghiện tập trung bắt buộc và tự nguyện. Từ đó nhằm giúp cho người đang cai nghiện và sau cai nghiện, khi trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng có cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống bằng chính những ngành nghề mà họ đã được đào tạo.

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các ngành chức năng, dù đã được đào tạo nghề, nhưng những năm gần đây, tình hình giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện khi trở về tái hòa nhập cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ người có việc làm ổn định và không ổn định còn thấp.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng kể trên, trước hết là do người sau cai nghiện bị hạn chế về mặt thể lực và còn nhiều mặc cảm về mặt tâm lý.

Lãnh đạo các ngành chức năng cho biết, mặc dù họ đã được điều trị và cai nghiện thành công tại các trường, trung tâm, cơ sở xã hội, nhưng vẫn bị suy yếu về sức khỏe.

Một nguyên nhân nữa, những ngành nghề được đào tạo trong thời gian cai nghiện tập trung chưa đảm bảo chất lượng, nên tính khả thi không cao trong tuyển dụng và hành nghề.

Những ngành nghề được triển khai đào tạo cho người cai nghiện chưa đi vào chuyên sâu, chưa thiết thực, khiến cho đa số những người sau khi trở vế tái hòa nhập cộng đồng, chưa đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng lao động.

Tỷ dụ như những người học về ngành nghề đan lát thủ công mỹ nghệ chỉ phù hợp ở vùng nông thôn, không áp dụng được ở một thành phố lớn như TP. HCM. Ngoài ra cũng còn có vấn đề tâm lý bị kỳ thị, người tuyển dụng lao động ái ngại, chưa thật lòng bao dung tuyển dụng người sau cai nghiện vào làm việc. Đồng thời, chính bản thân những người sau cai nghiện còn nhiều hạn chế khác, như chưa năng động, thiếu tự tin, thậm chí còn rất tự ti. 

 

 Trong thời gian tập trung cai nghiện ma túy tại các trường, trung tâm. cơ sở xã hội người nghiện tham gia học nghề.

 

Trước thực trạng kể trên, nhiều năm qua, TP. HCM đã đưa ra rất nhiều giải pháp để khắc phục, trong đó có giải pháp rất thiết thực, khả thi như cho vay vốn giải quyết việc làm, với lãi suất thấp cho người sau cai.

Cho vay ưu đãi đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có thu hút, tuyển dụng nhiều lao động là những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, do các trung tâm dịch vụ việc làm giới thiệu.

Hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là rất quan tâm ưu đãi hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm mới, việc làm thêm cho người sau cai.

Tuy nhiên, những giải pháp khả thi này vẫn vấp phải những khó khăn, do trình độ học vấn của người sau cai nghiện thấp, khả năng tiếp thu trong quá trình đào tạo nghề kém, 50 % có sức khỏe yếu, năng suất lao động không cao, không đảm bảo ngày công lao động.

Hiện nay, theo lãnh đạo UBND TP HCM cho biết, đã thông qua Đề án tổ chức lại các trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội và cơ sở xã hội trên địa bàn TP. HCM đến năm 2020.

 Theo đó việc tổ chức lại nhằm hình thành mạng lưới các cơ sở điều trị nghiện có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đa dạng dịch vụ điều trị nghiện, tăng số lượng các cơ sở cai nghiện có chức năng điều trị nghiện tự nguyện. Đồng thời thông qua đó việc đào tạo nghề cho người đang cai nghiện tại các trung tâm sẽ được cải thiện, nâng cao về chất lượng, đa dạng về ngành nghề và mang tính thiết thực hơn.

Hy vọng với Đề án này, người cai nghiện sau hoàn thành quy trình cai nghiện bắt buộc, khi trở về tái hòa nhập cộng đồng sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm để ổn định cuộc sống, làm lại cuộc đời.   

LƯƠNG ĐỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh