Nâng cao kiến thức cho phụ nữ, trẻ em trong phòng, chống mại dâm
- Pháp luật
- 23:01 - 18/10/2019
- Tháo gỡ vướng mắc trong xử lý cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội
- Đà Nẵng: Để người sau cai nghiện không còn bị cám dỗ bởi tệ nạn xã hội
- TP.HCM: Giảm mạnh tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội từ trước tết Dương lịch đến nay
- Phòng chống tệ nạn xã hội: Không được lơ là chủ quan, thỏa mãn với thành tích
Sáng 18/10/2019, tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế), Trung ương Hội Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức sự kiện truyền thông "Khát vọng yêu thương" với chủ đề phòng, chống tội phạm về tệ nạn xã hội dành cho hội viên, phụ nữ, các em học sinh và người dân trên địa bàn thị xã.
Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), 7 tháng đầu năm 2019, qua công tác rà soát, cả nước còn khoảng trên 922 tụ điểm, địa bàn trọng điểm về tệ nạn mại dâm. Số người bán dâm theo thống kê là 11.639 người. Tuy nhiên trên thực tế, còn số này có thể còn lớn hơn nhiều lần do đặc điểm xã hội, tính di biến động cao nên rất khó trong việc nắm bắt, thống kê. Các tụ điểm hoạt động mại dâm vẫn còn phức tạp, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn, các khu du lịch, khu công nghiệp.
Riêng tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến hoạt động tệ nạn xã hội là hơn 1.710 cơ sở, với khoảng 1.030 nhân viên nữ làm việc trong các cơ sở này. Tổng số người có biểu hiện hoạt động mại dâm là 135 người, trong đó: chủ chứa 26 người, môi giới 12 người, gái bán dâm 97 người. Địa bàn trọng điểm là TP. Huế, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trước tình hình tệ nạn mại dâm ngày càng diễn biển phức tạp hiện nay, Hội xác định công tác phòng, chống mại dâm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp Hội. Các hoạt động trọng tâm, như: tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về văn hóa truyền thống, giá trị đạo đức, nhân phẩm của người phụ nữ; ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm của các tầng lớp phụ nữ trong việc chăm lo, giáo dục con em trong gia đình không mắc vào tệ nạn xã hội,…
Theo bà Tuyết, năm 2019, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn chủ đề của hoạt động là "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" nhằm thúc đẩy các cấp Hội, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó, Hội cũng mong muốn sự an toàn cho bản bân, cho mọi người phải trở thành nhu cầu tự thân, thành thói quen, nếp sống, văn hóa của mỗi người và toàn xã hội.
Tại chương trình, mọi người tham gia đã cùng nhau thực hiện các trò chơi, đối thoại trực tiếp và xem các tiểu phẩm về thực trạng tệ nạn xã hội, cách phòng, chống cũng như tìm hiểu các quy định, khung xử lý của pháp luật đối với tội phạm tệ nạn xã hội nói chung, tệ nạn mại dâm nói riêng.