CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:12

Đà Nẵng: Để người sau cai nghiện không còn bị cám dỗ bởi tệ nạn xã hội

Học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

 

Ông T.C. cha của em T.P. (thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) vẫn còn nhớ như in giai đoạn khó khăn nhất mà gia đình ông phải trải qua khi cậu con trai sa chân vào con đường nghiện ngập. Bao nhiêu của cải, kinh tế gia đình đều “đội nón ra đi” theo cậu con quý tử.

Không chấp nhận được cảnh nhìn con trượt dài trong tệ nạn, ông C. quyết tâm vận động con đi cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, thế nhưng niềm vui cũng chẳng được bao lâu. Sau khi cai nghiện trở về gia đình, vì không có công ăn việc làm, P. lại bị bạn bè xấu rủ rê, một lần nữa vướng vào “nàng tiên nâu”.

“Trong lúc gia đình khó khăn nhất, được sự động viên, quan tâm, giúp đỡ của địa phương, gia đình tôi đã khuyên bảo cháu tự nguyện đăng ký cai nghiện theo mô hình gia đình - cộng đồng. Sau khi được hỗ trợ cắt cơn tại bệnh viện, hàng tháng cán bộ cùng với công an và các đoàn thể đến tận nhà để thăm hỏi sức khỏe, phân tích tác hại nguy hiểm của ma túy để cho cháu hiểu và quyết tâm từ bỏ”, - ông C. cho biết.

Từ chỗ hiểu được hoàn cảnh gia đình, sau khi hết thời gian cai nghiện, P. được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn để chăn nuôi heo và gà. “Con trai tôi từ khi có công ăn việc làm đã không còn ham chơi như trước mà chí thú làm ăn. Hiện công việc chăn nuôi của gia đình khá thuận lợi, cho thu nhập ổn định.”, ông C. phấn khởi.

Được biết, P. chỉ là một trong nhiều trường hợp sau cai nghiện ở TP. Đà Nẵng được các hội, đoàn thể địa phương giới thiệu vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Có công ăn việc làm, tránh xa những tệ nạn xã hội đã khiến họ không còn “ngựa quen đường cũ”. Nói như T., một học viên từng cai nghiện trở về cộng đồng, hiện đang làm việc tại một cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ chia sẻ: “Đối với em, việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ để nuôi sống bản thân mà còn để tránh xa bạn bè xấu, tránh được nguy cơ quay trở lại con đường nghiện ngập lầm lỗi”.

Theo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, thành phố hiện có hơn 640 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú, trong đó có việc làm là 449 người, chiếm 70%. Trong 641 người đang quản lý sau cai có 609 người đủ điều kiện phân loại, gần 80% người tiến bộ, 16,1% chưa tiến bộ và chỉ có 8,5% số người có nguy cơ tái nghiện.

Tất cả các học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng, được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Đặc biệt, hàng tháng, ngoài việc tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện, Ban chỉ đạo xã, phường cùng cán bộ đoàn thể được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện tại các địa phương còn tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên thân nhân và người sau cai nghiện đang hòa nhập cộng đồng, kịp thời hỗ trợ khó khăn đột xuất,... giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để ổn định cuộc sống.  

Có thể kể đến như quận Hải Châu, đã tổ chức gặp mặt và hỗ trợ cho 55 người đang được quản lý sau cai với số tiền 16,5 triệu đồng; hỗ trợ học nghề, giới thiệu việc làm và tạo điều kiện vay vốn cho hàng chục đối tượng với số tiền hàng trăm triệu đồng.

Còn tại quận Thanh Khê, ngoài việc giới thiệu cho vay vốn các trường hợp theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg, địa phương này còn hỗ trợ cho hai phường vay vốn để hỗ trợ người sau cai nghiện mua sắm phương tiện làm ăn; hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng để xây nhà đại đoàn kết cho gia đình thuộc diện quản lý sau cai nghiện, giới thiệu việc làm cho 3 trường hợp; kết nối với Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ xe máy trị giá 5 triệu đồng cho người sau cai…

Không những vậy, để động viên, khuyến khích và hỗ trợ những người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội, UBND TP. Đà Nẵng còn hỗ trợ đợt II cho 72 người và đợt III cho 30 người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên không tái nghiện, với số tiền 10 triệu đồng/người.

Theo Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, đơn vị cũng đề xuất UBND thành phố triển khai thí điểm hỗ trợ tạo việc làm cho người nghiện ma túy đã được chữa trị phục hồi tại quận Sơn Trà và Hải Châu. Theo đó, dự kiến mỗi năm sẽ có 20 - 50 người sau cai của mỗi quận được hỗ trợ đào tạo nghề với mức tối đa bằng 2 lần mức hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định hiện nay của UBND thành phố. Đồng thời, người sau cai còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo hộ gia đình với định mức vay và lãi suất vốn vay như đối với hộ nghèo của thành phố; hỗ trợ sinh kế, phương tiện, công cụ làm ăn…

Được biết, năm 2018, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận 539 học viên cai nghiện, trong đó tự nguyện 122 người, nâng tổng số học viên cai nghiện tập trung trong cả năm lên 972 người. Qua quá trình tổ chức cai nghiện có 512 học viên hoàn thành thời gian cai nghiện về hòa nhập cộng đồng, hiện Cơ sở đang quản lý hơn 480 học viên.

Nỗ lực tạo điều kiện để người sau cai có việc làm, hòa nhập cộng đồng, tránh xa các tệ nạn xã hội, tuy nhiên theo những người làm công tác quản lý sau cai tại các xã, phường ở Đà Nẵng, vẫn còn những trường hợp chưa có việc làm, dễ rơi vào nguy cơ tái nghiện trở lại. Các đối tượng sau cai về cộng đồng lại thường xuyên di biến động và khó tiếp cận; bản thân và thân nhân gia đình một số trường hợp còn tỏ ra tự ti, mặc cảm không hợp tác với chính quyền địa phương. Chưa kể, vấn đề hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai còn khó khăn do bản thân người nghiện chưa thật sự nỗ lực, trình độ học vấn thấp và rào cản của xã hội như sự kỳ thị, phân biệt đối xử còn lớn khiến họ còn gặp khó khi tiếp cận cơ hội việc làm.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh