Tổng kết đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:04 - 15/01/2020
Thứ trưởng Lê Quân tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Bộ, ngành liên quan, Đại sứ quán các nước, các địa phương có trường đào tạo thí điểm, 25 trường đào tạo thí điểm, các doanh nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 28/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế", Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có quyết định phê duyệt kế hoạch và quy định để tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế chuyển giao từ Úc. Sau thời gian thực hiện, đến nay việc đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc đã kết thúc, hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Báo cáo tổng kết, đánh giá công tác tổ chức đào tạo, thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc, ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy cho biết, các bộ chương trình chuyển giao đã được xây dựng theo quy trình tiên tiến của Úc và được Hội đồng ngành của Úc công nhận. 12 bộ chương trình này sẽ là 12 bộ chương trình chất lượng cao cấp độ quốc tế đầu tiên của Việt Nam theo phương thức chuyển giao, đã được kiểm nghiệm trong thực tế qua việc đào tạo thí điểm và sẽ tiếp tục được đưa vào triển khai tổ chức đào tạo trong hệ thống GDNN.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các các trường tham gia thí điểm đào tạo được tăng cường, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng theo quy định của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc. Gần 300 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại Úc, có năng lực chuyên môn nghề nghiệp tốt, năng lực ngoại nhữ được nâng cao, đủ điều kiện giảng dạy các chương trình chất lượng cao, trong môi trường quốc tế.
Về kết quả đào tạo, thông qua việc chuyển giao chương trình Việt Nam có được 25 trường cao đẳng đủ năng lực tổ chức đào tạo 12 nghề chất lượng cao đạt trình độ tiên tiến của Úc. Tính đến tháng 12/2019 toàn bộ 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm đã hoàn thành chương trình đào tạo với tổng số 724 sinh viên tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%, trong đó tỷ lệ khá giỏi chiếm 90%, được cấp bằng cao đẳng của Học viện Chisholm và bằng cao đẳng của Việt Nam.
Người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo thí điểm ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 trở lên đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Ngay sau khi tốt nghiệp, chỉ trong thời gian ngắn, đã có 477/724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI đã đăng ký nhu cầu và một số đã thực hiện việc tuyển dụng luôn các em sau khi tốt nghiệp.
Có thể nói, đây là một minh chứng khẳng định sự đúng đắn của việc chuyển giao các chương trình đào tạo từ nước ngoài, định hình nên một mô hình đào tạo mới về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay của GDNN.
Bà Jennie Dehm – Giám đốc các chương trình dự án quốc tế, Học viên Chisholm cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã đầu tư đáng kể cho các trường cao đẳng, các trường được cung cấp thiết bị, giáo viên có kinh nghiệm. Do đó, đây là giai đoạn nâng cao lợi ích đầu tư bằng cách tăng số lượng sinh viên theo học các chương trình đào tạo.
Để các trường đang đào tạo nghề theo chương trình Úc có khả năng tuyển sinh khóa học mới, bà Jennie Dehm đề xuất, phải đánh giá trước khi đào tạo, đánh giá để xác định sinh viên nào cần hỗ trợ thêm hoặc phải học thêm các khóa học tiếp nối, thay thế; đẩy mạnh và mở rộng các mối quan hệ với mạng lưới ngành; tích hợp các chương trình thực tập kéo dài 2-3 tháng; thực hiện đánh giá kỹ năng trong ngành; Đảm bảo sinh viên tốt nghiệp được trang bị tốt để tối ưu các cơ hội việc làm; Cung cấp thông tin và tiếp cận cho sinh viện với các tổ chức và doanh nghiệp ngành chủ chốt v.v…
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Quân chúc mừng các em sinh viên đã nhận được bằng của Học viện Chisholm và các trường cao đẳng của Việt Nam và chúc các em thành công trong sự nghiệp. Theo Thứ trưởng, chương trình chuyển giao các bộ chương trình từ Úc với 12 nghề và Đức với 22 nghề nhằm giúp Việt Nam tăng cường năng lực đào tạo để có lao động tay nghề kỹ thuật cao, đạt chuẩn quốc tế.
"Quan điểm muốn hội nhập tốt phải lấy các tiêu chuẩn quốc tế để đưa vào làm thước đo, tổ chức đổi mới giáo dục nghề nghiệp. Chúng ta không thể đưa ra chuẩn riêng của chúng ta bởi nếu đào tạo không gắn với thị trường, khi triển khai sẽ có vô vàn khó khăn, vướng mắc" – Thứ trưởng Lê Quân nói.
Theo Thứ trưởng, những khó khăn, rào cản gặp phải trong quá trình đào tạo 12 nghề chất lượng cao theo chương trình chuyển giao từ Úc là: trình độ ngoại ngữ của người học; năng lực của giảng viên từ nước ngoài sang hỗ trợ và giảng viên Việt Nam sang Úc học tập kinh nghiệm; đầu mối cán bộ quản lý từ cấp cơ sở, đến cấp tổng cục khi triển khai chương trình còn nhiều lúng túng.
Thứ trưởng cho rằng, việc đào tạo chuẩn quốc tế không phải để cung ứng nhân lực cho quốc tế, mà các chuẩn đó phải đáp ứng được nhu cầu ngoài nước cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Nhà trường và người học. "Với 12 nghề chất lượng cao đạt trình độ tiên tiến của Úc đều là những nghề được thị trường lao động đánh giá cao và có nhu cầu tuyển dụng nhiều, tập trung vào nghề công nghệ kỹ thuật." - Thứ trưởng Lê Quân đánh giá.
Thứ trưởng Lê Quân lưu ý, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần tiếp thu 8 khiến nghị từ phía Học viện Chisholm đã đưa ra tại Hội nghị. Đồng thời giao Tổng cục thực hiện báo cáo tổng kết chi tiết chương trình đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc để báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ, trình Chính phủ có giải pháp tiếp theo.
Về phía các trường, Thứ trưởng Lê Quân đề nghị các trường huy động mọi nguồn lực từ xã hội, địa phương, các chương trình mục tiêu để chương trình được triển khai tiếp. Khi tuyển sinh đào tạo, hết sức linh hoạt, điều chỉnh đào tạo sao cho phù hợp. Trong quá trình học, sinh viên phải được tăng cường thời gian thực tập lên 2-3 tháng, gắn kết với doanh nghiệp để các em chưa tốt nghiệp đã có việc làm. "Việc đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc chỉ là bước khởi đầu của sự chuyển giao, thí điểm 1 khóa và đích đến cuối cùng là sự lan tỏa, nhân rộng chương trình trên diện rộng mà các trường có thể làm chủ được với sự hỗ trợ tiếp tục của các đối tác quốc tế, đặc biệt là của học viện Chisholm" – Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh