Phát triển trường nghề chất lượng cao là bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật
- Giáo dục nghề nghiệp
- 20:07 - 26/08/2017
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thực hiện Đề án Phát triển Trường nghề chất lượng cao đến năm 2020, đến nay tỉnh đã có 45 trường được lựa chọn đầu tư tập trung thành trường chất lượng cao. Trong đó đã lựa chọn 25 trường được quy hoạch trở thành trường chất lượng cao để thực hiện thí điểm đào tạo cho 41 lớp của 12 nghề đã chuyển giao các bộ chương trình từ Úc với 888 học sinh, sinh viên.
Ông Cao Văn Sâm nhấn mạnh, quan điểm phát triển trường nghề chất lượng cao là để đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cao, nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của người lao động và của quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Cao Văn Sâm-Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại buổi sơ kết
Đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án, bà Khương Thị Nhàn, đại diện Ban Quản lý các dự án dạy nghề vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia nhấn mạnh, trước hết về hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo cho các trường được lựa chọn đầu tư thành trường chất lượng cao cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo, có trên 80% thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh theo danh mục dạy nghề, đã tiếp cận được trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Đặc biệt là các trường tham gia đào tạo thí điểm trình độ Cao đẳng cho 12 nghề trọng điểm cấp độ Quốc tế của Úc được đầu tư theo hướng hiện đại hóa bắt kịp với trình độ của các nước trong khu vực, quốc tế.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đã mang lại hiệu quả cao cho toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Số giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, tin học, ngoại ngữ... đã tăng lên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, chuyển giao công nghệ ở nước ngoài; đào tạo, bồi dưỡng sư phạm dạy nghề tiếp cận với trình độ quốc tế; đào tạo tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên... đã có tác động rất lớn đến toàn hệ thống, góp phần thực hiện thành công Chiến lược dạy nghề thời kỳ 2011-2020.
Bà Khương Thị Nhàn phát biểu tai buổi lễ
Việc phát triển chương trình, giáo trình và đào tạo thí điểm các chương trình được chuyển giao nghề trọng điểm cấp độ quốc tế đã thực hiện đổi mới cấu trúc chương trinh dạy nghề từ tách biệt giữa lý thuyết và thực hành sang đào tạo theo modul tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp. Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng: phát huy tính chủ động, độc lập, tăng thời gia tự rèn luyện tay nghề và làm việc theo nhóm của học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và thực hành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy nghề và đào tạo nghề qua mạng.
Về vấn đề việc làm sau khi học nghề, bà Khương Thị Nhàn khẳng định: Khoảng 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. ở một số nghề và một số cơ sở dạy nghề tỷ lệ này đạt trên 90%. Người học nghề đã được tiếp cận với những máy móc thiết bị tiên tiến, phù hợp với thực tế sản xuất nên đã đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường lao động. Học sinh sinh học nghề được thực hành sử dụng các thiết bị hiện đại, tăng thời gian thực hành cho học sinh, chất lượng thi tay nghề, thi tốt nghiệp được nâng lên rõ rệt. Học sinh học nghề tốt nghiệp đi xuất khẩu lao động đã chứng minh được tay nghề của mình với thu nhập cao, được gia hạn thời gian làm việc.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Thảo luận tại hội nghị, Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp, Nghề Công tác xã hội, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định những kết quả đạt được trong 3 năm thực hiện Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao là bước đột phá trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước đặt ra.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hằng, việc phát triển trường nghề chất lượng cao phải luôn gắn với việc đào tạo kỹ năng nghề và an toàn lao động. Nhiều lao động của chúng ta làm việc ở trên cao và độ sâu 50-70m là khó thở. Vì vậy công tác đào tạo nghề cũng phải quan tâm đến rèn luyện sức khỏe và kỹ năng an toàn lao động. Thứ hai là phải thay đổi quản trị, phương pháp đào tạo để bắt kịp với xu thế của khu vực và quốc tế trong đào tạo nghề và sử dụng lao động. "Ở nước ngoài họ trả lương cho công nhân theo giờ và sản phẩm, còn ta trả lương theo tháng, nên chưa đánh giá hết năng lực, phát huy tính sáng tạo đối với người lao động", Bà Nguyễn Thị Hằng nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Hằng
Đối với các cơ sở đào tạo, khi thảo luận tại hội nghị cho thấy, hiện nay mới có 1/45 trường (Trường Cao đẳng công nghệ quốc tế LILAMA 2 -Bộ Xây dựng) tự đánh giá đạt 100% tất cả 6 tiêu chí quy định và phấn đấu đến năm 2018 được đánh giá, công nhận thành trường chất lượng cao. Các trường khác đa số đều cho rằng tiêu chí về tiếng Anh hiện nay chưa đạt được theo quy định: "HSSV nghề trọng điểm đạt trình độ ngoại ngữ B1 trở lên theo Khung tham chiếu chung Châu Âu (bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam) hoặc tương đương". Tuy nhiên, qua thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhất trí, không nên hạ tiêu chí tiếng Anh, vì đã là trường chất lượng cao thì không chỉ HSSV giỏi về kỹ năng nghề mà phải biết ngoại ngữ để hòa nhập với môi trường làm việc của khu vực và quốc tế.
Một số ý kiến khác cho rằng, hiện nay tiêu chí về cơ sở vật chất đối với các trường nghề chất lượng cao quy định phải có diện tích sử dụng đất tối thiểu 5 ha là quá lớn đối với các trường ở thành phố lớn như TP.HCM và Hà Nội. Vì vậy, có thể giảm diện tích sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo được diện tích chỗ học, xưởng dùng cho học tập và giảng dạy theo hướng xây dựng nhà cao tầng đối với cơ sở trường có diện tích đất hẹp.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng, về diện tích sử dụng đất theo tiêu chí quy định đối với các trường chất lượng cao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nên các địa phương phải tạo thuận lợi trong việc phát triển quỹ đất đối với dạy nghề đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề chất lượng cao theo bộ tiêu chí. Tại hội nghị, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đưa ra tại Quyết định số 761/TTg, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung một số nội dung. Tổng Cục sẽ lựa chọn khoảng 80 trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt và có phương án, lộ trình hỗ trợ đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường chất lượng cao vào năm 2020 trình Chính phủ phê duyệt.
Ông Nguyễn Hồng Minh-Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp