THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:01

Tình thương ở xứ dừa

 

Từ nơi văn phòng làm việc cơ sở, ông Marc Witlox đón chúng tôi bằng một nụ cười thân thiện. Dáng bề ngoài cao lớn, mắt xanh, da trắng nhưng ông khá gần gũi khi nói một vài câu tiếng Việt chào hỏi thành thạo. Ông Macr đến Việt Nam lần đầu tiên là cách đây khoảng 17 năm, khi đó ông cùng vợ bà Marie Pousiu Witlox đi du lịch. “Sau chuyến đi, chúng tôi đã nhận nuôi một bé gái bị bỏ rơi ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Hoàn cảnh đáng thương của đứa trẻ thôi thúc tôi quyết định xây một mái ấm chung cho những trẻ em mồ côi của Việt Nam”, ông Marc kể.

 
Ông Macr vui cùng những đứa trẻ

Trước khi đến Việt Nam vợ chồng Marc và Marie gắn bó một vài tổ chức từ thiện ở Paris: EHNAUS, LA. SOUPE, NOEL LES HAUES để hỗ trợ cho những người nghèo, người già neo đơn bữa cơm từ thiện định kỳ hàng tháng và trước mỗi dịp lễ Giáng sinh. “Chúng tôi muốn có một hoạt động từ thiện của cá nhân” ông Marc nhấn mạnh. Vì vậy, khi có con nuôi, vợ chồng ông bà Marc và Marie quay lại Việt Nam thường xuyên hơn. Năm 2005 ông bà đến Bình Thuận, sau một vài lần trở lại Mũi Né (Phan Thiết) họ có một tình cảm rất đặc biệt với xã Thiện Nghiệp yên bình với những rặng dừa và những người dân chất phác.

Họ đã liên hệ với một vài người bạn nước ngoài đang làm từ thiện tại Phan Thiết để giúp đỡ xây dựng cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Cuộc gặp gỡ không hẹn trước giữa những tấm lòng thiện nguyện cao quý như một chiếc “phao cứu sinh” đón lấy những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh.

Nhờ lòng quyết tâm cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương nên việc mua đất, làm thủ tục nhanh chóng. Nhờ vậy, cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi Mái nhà được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2012 đến nay. Cơ sở Mái nhà được xây dựng trên mảnh đất khoảng chừng 2.000 m2 gồm 2 khối nhà, 1 khối văn phòng và sân chơi. Mỗi khối nhà được thiết kế có 5 phòng ngủ đôi, 1 phòng khách, bếp, nhà tắm khang trang, sạch sẽ…

Những tiếng bi bô của bọn trẻ từ căn nhà cắt ngang cuộc nói chuyện của chúng tôi. “Bây giờ đã đến giờ ăn trưa của bọn trẻ”, ông Macr cười nói. Quan sát đám trẻ đang nô đùa ở trước hiên, tôi để mắt đến cậu bé có đôi mắt tròn xoe, mỗi khi cậu đùa nghịch đôi má phúng phính trông rất dễ thương. Khi tới gần, cậu bé bỏ dở những “anh em nhí” của mình lon ton đến bên chị Thu – Người đại diện quản lý cơ sở phụng phịu đưa tay đòi ẵm.

“Bé bao nhiêu tôi tuổi chị?” Tôi hỏi. Chị Thu nhìn tôi cười và nói: “Em còn nhớ đứa con đầu lòng của Cơ sở Mái Nhà không?”. Lật lại trong trí nhớ của mình, tôi chỉ kịp thốt lên một tiếng ồ với sự ngạc nhiên cùng bao cảm xúc. “Là cháu đó!”, nói rồi chị ôm bé vào lòng. Còn nhớ như in, lần đầu tiên tôi ghé thăm cơ sở cách đây khoảng hơn năm, khi ấy cậu bé này chừng hơn 1 tháng tuổi. Hoàn cảnh cháu rất tội nghiệp, người mẹ trẻ trót lầm lỡ sanh ra cháu rồi gửi vào đây khi còn đỏ hỏn trên tay…

Hoàn cảnh của từng đứa trẻ nơi đây khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng khi nhìn bọn trẻ trong những bộ áo quần tinh tươm, vây quanh ông Marc cười đùa hồn nhiên như người cha với những đứa con chợt thấy lòng mình dường như ấm lại. Tấm lòng nhân ái đôi vợ chồng người Pháp dành cho bọn trẻ minh chứng rằng lòng nhân ái vượt cả khoảng cách địa lý xa xôi, màu da và tiếng nói.

 

Cơ sở Mái nhà tiếp nhận, quản lý và chăm sóc 20 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi từ vài tháng đến 6 tuổi, tạo điều kiện cho các em được chăm sóc, học hành. Trẻ nhận nuôi sẽ được học tập tại địa phương từ mẫu giáo đến khi tốt nghiệp THPT, sau đó được chọn một trường đại học trong và ngoài nước tùy theo khả năng. Đặc biệt, các em sẽ không là đối tượng của các dự án xin con nuôi của các gia đình người nước ngoài... Ngoài ra, mỗi năm Quỹ Mái nhà tặng từ  80 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn tại xã.

Theo BTO

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh