Mái ấm của những người điên
- Dược liệu
- 13:39 - 31/05/2015
Duyên trời định
Ở xã Thanh Hải không ai không biết đến “danh” của ông Nhẫn “gàn”. Để tìm được chính xác địa chỉ, tôi dừng hỏi một người bán nước đường vào nhà ông Nhẫn liền được chỉ dẫn: “Quán nước nhỏ nằm sát ven đường có đề biển Ngọc Nhẫn, kìa họ ngồi túm lại có ba bốn người đàn ông điên dại ông Nhẫn mới nhận về nuôi đấy”.
Theo đúng lời dẫn tôi tìm được vào nhà ông Nhẫn. Ở quán nước nhỏ có một người đàn ông ở đó ngồi lặng lẽ trông quán, thấy tôi, ông đi vào sau nhà, hỏi ra mới biết đó là anh Trần Văn Cường một người điên đã được ông Nhẫn cưu mang 6 năm nay.
Vừa trò chuyện, ông Nhẫn vừa đưa cho chúng tôi xem một tập giấy tờ được viết bằng tay của những người thân đến xin nhận con cái điên dại đã được ông Nhẫn cưu mang. Ông Nhẫn cho biết “Từ đầu năm tới giờ tôi đã cưu mang 14 người. Ngày mùng 2 Tết cũng có mấy trường hợp điên dại đi dọc quốc lộ 1A, tôi cũng dẫn vào nhà cho ăn và chăm sóc tử tế, có người thì biết quê mình còn liên lạc được tới mà nhận người thân, chứ có người không biết mình cứ nuôi mãi thôi”.
Ngôi nhà cấp 4 nhỏ là nơi đã cưu mang rất nhiều người điên dại trong nhiều năm qua
Cơ duyên cưu mang người điên của vợ chồng ông Nhẫn như được sắp đặt trước, ông kể: “Vào tháng 5/1984, khi ấy đang là mùa gặt, trong lúc hai vợ chồng tôi đang phơi rơm ngoài đường, thì thấy một đứa trẻ con khoảng 5 tuổi đi chân đất vừa chạy vừa khóc vì bị lạc.
Tôi cùng với vợ mang cháu về nhà, tắm rửa cho ăn uống đầy đủ, dỗ dành cháu rồi hỏi về quê quán, địa chỉ, mới biết cháu tên là Nam, ở xã Thanh Tân. Ngày hôm sau đi dọc ven quốc lộ cách nhà 9km, tôi gặp một ông già ngồi ven đường khóc lóc hỏi ra mới biết đang tìm cháu bị thất lạc, tôi dẫn về nhà mình thì hai ông cháu nhận ra nhau sau đó họ xin rước cháu về nhà”.
Và cũng không biết ông trời run rủi thế nào, ngay trên đường từ nhà cậu bé thật lạc về ông gặp một phụ nữ trạc 40 tuổi tóc tai rũ rượi, hôi hám đi thất thểu không mục đích. Đã định bụng bỏ qua nhưng lương tâm không đành, ông vội quay xe trở lại và đón người phụ nữ đó về nhà. Ông kể: “Rước người phụ nữ đó về nhà là cả hai Vợ chồng tôi cùng tắm rửa, thay đồ rồi cho người đàn bà đó ăn uống tử tế, và cũng ngay ngày hôm đó thế nào, ngoài người phụ nữ 40 tuổi đó tôi còn "nhặt" được thêm 2 người tâm thần nữa, lần tìm địa chỉ tôi cũng đưa được họ về với gia đình”.
“Thương người như thể thương thân”
Cứ như thế, hơn 30 năm nay căn nhà nhỏ của ông đã trở thành địa chỉ của những người điên, họ ở nhiều vùng miền khác nhau từ Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Bình cho đến tận Thanh Hóa, Tp. Hồ Chí Minh gặp được ông Nhẫn đều được cưu mang chăm sóc tận tình.
Nếu được hỏi về công việc “nhặt” người điên về nuôi, ông chỉ nở nụ cười phúc hậu mà nói rằng: “Làm việc xuất phát từ tâm, mình đã trải qua khổ cực bất hạnh nên hiểu rõ hoàn cảnh của họ gặp được ai thì cứu giúp người đó”.
Tuổi thơ của Phạm Văn Nhẫn vốn thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, sống nương nhờ vào bàn tay chăm sóc của bà ngoại. Đến năm 1979, khi có lệnh tổng động viên mặc dù chỉ mới 16 tuổi nhưng ông đã viết đơn bằng máu xin lên đường nhập ngũ. 4 năm sau, rời quân ngũ trở về quê hương, ông được bà ngoại ướm hỏi cho cô gái Đào Thị Lam cùng làng rồi nên nghĩa vợ chồng.
Sau nhiều năm chăm chỉ làm lụng kiếm tiền, ông bà cũng gom tiền mua nổi mảnh đất và xây dựng căn nhà cấp 4, đây cũng chính là nơi ở của những người điên được ông cưu mang.
Có những người điên được ông rước về nhà nhưng cũng có một vài trường hợp tự tìm đến với ông, như trường hợp của anh Trần Văn Cường ở thị trấn Vôi (Bắc Giang). Ông kể lại: “Hôm đó vào nửa đêm, vợ chồng tôi đang ngủ thì nghe tiếng chửi bới, đập phá ngoài cửa. Chạy ra thì thấy một người đàn ông máu me, bùn đất bám khắp người, quần áo rách rưới đang chửi bới, phá phách, tôi vội đưa vào nhà đun nước tắm rửa rồi cho ăn, cho ngủ”. Mặc dù đã liên lạc được với người nhà của anh Cường trong miền Nam, dù chỉ được một câu hứa hẹn khi nào có điều kiện sẽ ra đón, ông Nhẫn vẫn vui vẻ chờ đợi và đã 7 năm nay ông Cường được coi như một thành viên trong gia đình của ông Nhẫn.
Ông Phạm Văn Nhẫn chia sẻ về công việc nuôi dưỡng chăm sóc người điên
Chính khả năng “phủ sóng” đặc biệt của mình mà ông Nhẫn đã cứu giúp được nhiều người điên tìm về nhà mình, ông chia sẻ: “Mình cứu nhiều người nên chỉ cần nhìn là phát hiện được ngay”.
Kể về trường hợp của một thanh niên bị điên dại ở Yên Bái đi lạc xuống Vĩnh Phúc ông còn nhớ như in: “Hôm đấy tôi đi xuống nhà con gái, trên đường đi về lúc đó cũng chập tối rồi thì thấy một người đàn ông cởi trần, mặc quần đùi gào thét bên thành cầu, vội vàng dừng xe khuyên ngăn lần hỏi địa chỉ thì biết ở Yên Bái, tôi chở ngay họ về trong đêm đường đi xa cả trăm cây số. Về tới nhà họ có đưa cho năm trăm nghìn hậu tạ nhưng tôi không lấy, mình làm lấy phúc thôi”.
Làm việc vất vả nuôi người điên
Tuy nhiên, để chăm sóc và nuôi dưỡng người điên hơn 30 năm nay, ông Nhẫn đã gặp phải không khó khăn, ông Nhẫn chia sẻ: “Hồi mình mới nhận nuôi một hai người điên dại, thì người ta lời ra tiếng vào nói ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ, nhưng mình không quan tâm, chỉ biết làm theo lương tâm của mình.”
Thời gian đầu, khi nhận người điên về nuôi để tìm được địa chỉ nhà của họ rất khó vì thần kinh không ổn định lúc nhớ lúc quên và hầu hết đều không nhớ chính xác địa chỉ của gia đình mình. Có khi ông phải chạy ra trạm xăng dầu hoặc mấy nhà dân có lắp điện thoại bàn, gọi tới tổng đài 1080 để dò hỏi số điện thoại của UBND địa phương nơi ấy, rồi gọi tới xác minh thông tin, liên lạc với người thân trong gia đình đến đón về.
Không chỉ vất vả trong việc liên lạc với gia đình, mà ông Nhẫn cũng như những thành viên khác trong gia đình đều phải lao động cật lực để nuôi những người điên. Hàng ngày ông phải dậy từ 4 giờ sáng và làm việc tới 8h tại bãi đỗ xe du lịch cách nhà không xa. Hết giờ làm ông lại quay trở về với công việc sửa xe và đồng ruộng. Ngay cả bà Lan cũng tìm cho mình công việc rửa bát thuê để đỡ đần kinh tế gia đình.
Căn nhà chật hẹp là chỗ chen chúc cho cả nhà và những người điên. Có thời điểm đông quá phải trải chiếu xuống đất mà ngủ. Nuôi nhiều người điên có những lúc họ phát bệnh chẳng còn biết gì nữa thì chửi bới khắp cả, ai cũng chửi, chửi tất cả vợ chồng con cái ông, phá phách đồ đạc, thậm chí có khi họ còn đánh tất cả những người đến gần. Nhưng ông bà không nghĩ, chỉ khuyên ngăn họ không đập phá đồ đạc, chăm sóc tốt hơn cho tới lúc họ tỉnh hẳn.
Sau khi chia sẻ về việc chăm sóc những người điên, tôi thấy giọng ông trầm xuống, đôi mắt buồn nhìn về phía di ảnh của cậu con trai mình: “Năm 2005 gia đình tôi có cưu mang một cháu bé 10 tuổi đi lạc ở trong Quảng Ngãi ra, sau khi liên lạc tìm được địa chỉ thì gia đình cháu ra đón, nhà tôi có làm bữa cơm chia tay cho cháu về nhà, trên đường đi mua bia về liên hoan thì con tôi bị một chiếc xe khách đi ngược chiều đâm phải”.
Sau cái ngày định mệnh đó, ông định từ bỏ việc nhận chăm sóc người điên, vì đã “làm phúc mà mất con trai mình” nhưng rồi lương tâm không cho phép, nhìn thấy hoàn cảnh, những con người điên dại ông lại đưa về nhà nuôi dưỡng, tìm cách liên lạc với người thân.
Không chỉ dừng lại ở việc cưu mang nuôi dưỡng người điên, ông còn nhận thêm công việc tắm rửa và khâm liệm cho những người xấu số trên quốc lộ 1A và đã có thời điểm ông bắt được đối tượng truy nã giao nộp cho công an tỉnh Hà Nam. Chính vì những hành động cao đẹp đó, ông đã được UBND tỉnh Hà Nam đã tặng bằng khen vì "Đã có thành tích trong hoạt động nhân đạo từ thiện” năm 2013 và bằng khen của của công an tỉnh Hà Nam trong công tác đấu tranh chống tội phạm.
Tạm rời xa căn nhà nhỏ ven đường, trong tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh quây quần ấm cúng của gia đình ông Nhẫn và những người điên dại bên cạnh ấm nước chè xanh đặc sánh, dường như trong họ không có sự tách biệt vì chính họ đã kết nối nhau lại bằng tình người và sự sẻ chia để tạo thành một là gia đình nhỏ luôn thương yêu và che chở cho nhau.